Như một bức tranh
Nằm dưới chân núi Thầy (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội), sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” được xây dựng trên mặt hồ nước rộng 4.300m2 thuộc tổ hợp vui chơi và văn hóa Baara Land. Dài 60 phút, vở diễn như bức tranh khảm ghép từ những nét văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, chia thành 6 phần gồm: “Thi ca”, “Cõi Phật”, “Hoài cổ”, “Nhạc họa”, “An vui” và “Ngày hội”.
Vở diễn được dàn dựng công phu, lối trình diễn hấp dẫn, truyền tải kiến thức về văn hóa lịch sử. Từ ca trù, chèo, dân ca Bắc Bộ, quan họ, chầu văn, tranh Tố nữ, tranh Đông Hồ, múa rối nước đến tập trận, sĩ tử đèn sách, sinh hoạt lễ hội… tất cả được trình diễn trên sân khấu giữa thiên nhiên nước non hùng vĩ. Từng cảnh, từng phân đoạn tái hiện sinh động, đa dạng những nét văn hóa tinh túy của vùng Đồng bằng Bắc Bộ với sự mộc mạc, chân chất.
Sự hỗ trợ của âm thanh ánh sáng, công nghệ và hơn 200 diễn viên, bao gồm người dân bản địa và sinh viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam cũng tạo nên một dòng chảy cảm xúc liên tục đưa khán giả đến những bất ngờ. “Điểm đặc biệt, các diễn viên trên sân khấu chính là bà con nông dân của vùng đất Sài Sơn, Chùa Thầy để diễn tả chân thực và sinh động nhất đời sống văn hóa tinh thần của một vùng Bắc Bộ” - Tổng đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ.
“Tinh hoa Bắc Bộ cô đọng những gì tinh tuý trong giá trị văn hóa của đồng bằng miền Bắc, gắn liền với hình ảnh và câu chuyện về người đã sáng lập ra Chùa Thầy - thiền sư Từ Đạo Hạnh. Vở diễn là cơ hội để du khách cảm nhận, tìm hiểu rõ được căn nguyên, cốt lõi của người Việt Nam thông qua những giá trị văn hóa lâu đời được đan cài khéo léo.
Vở diễn sẽ không thể thành công nếu thiếu đi những con người tận tụy và tâm huyết ở mảnh đất này” - ông Trần Anh Tuấn - Phó TGĐ Tổ hợp văn hóa và giải trí Baara Land - chia sẻ.
Điểm nhấn của du lịch miền Bắc
“Tinh hoa Bắc Bộ” được kỳ vọng là điểm nhấn cho sự phát triển của ngành du lịch miền Bắc, “cầu nối” cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế có điều kiện, cơ hội hơn để tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm và thưởng thức nghệ thuật, ẩm thực đặc trưng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng cần kết hợp với một số điểm tham quan khác như Làng văn hóa dân tộc Việt Nam, làng cổ Đường Lâm… để tăng thêm sức hút đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế khi giới thiệu sản phẩm tour.
“Vở diễn mang đúng tính chất nguồn cội của văn hóa xứ Đoài, vùng Kinh Bắc, Đồng bằng sông Hồng, nhưng sự kết nối với khán giả chưa sâu sắc, phần giao lưu giữa người xem với các diễn viên chưa tạo được dấu ấn”. Bà Nguyễn Thanh Trang - Trưởng phòng Kinh doanh C - Vietnam Travel chia sẻ và đề xuất xây dựng thêm tour du lịch kết nối như ngắm cảnh mặt trời mọc trên cánh đồng, mua sắm ở chợ truyền thống để du khách tìm hiểu, mua sắm đồ lưu niệm, tơ lụa đặc trưng của Bắc Bộ.
Một số ý kiến khác cho rằng cần bổ sung phần thuyết minh bằng tiếng Anh, tiếng Trung để du khách nước ngoài có thể hiểu vắn tắt nội dung của các điển tích đang được biểu diễn, bởi ngay cả đối với lớp trẻ Việt Nam cũng chưa thể hiểu hết được nội dung, ý nghĩa.
Sân khấu biểu diễn của “Tinh hoa Bắc Bộ” nằm giữa khu vực có nhiều điểm tham quan về văn hóa, lịch sử như Chùa Thầy, Chùa Tây Phương. Hiện đang có tour tham quan di sản và nghệ thuật với lịch trình Chùa Cả - Chùa Cao - Chùa Một Mái - Phòng triển lãm tranh và sưu tầm đồ cổ của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ, với giá khoảng 600.000 đồng/người nhưng vẫn chưa được phát triển rộng rãi.
“Tinh hoa Bắc Bộ” là một trong số yếu tố quyết định sự thành công về định hướng phát triển du lịch ở Sài Sơn, đồng thời hứa hẹn sẽ trở thành điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch Hà Nội.
Theo Lao động