Quỳnh giới thiệu từng bước làm quả bóng thêu thủ công
Nghệ thuật Temari (“bóng thêu thủ công”) là một môn nghệ thuật truyền thống đã tồn tại trong nền văn hoá Nhật Bản hàng nghìn năm. Loại hình nghệ thuật này khởi nguồn là trang trí những quả bóng trong các trò chơi của giới quý tộc Nhật Bản vào những dịp Năm mới. Về sau những quả cầu được thêu cầu kỳ đã trở thành món đồ chơi không chỉ dành cho riêng tầng lớp nào mà trở nên phổ biến ở Nhật Bản.
Dần dần nghệ thuật này được lan truyền tới nhiều nơi trên thế giới và không ít nơi người ta còn có hẳn những câu lạc bộ giới thiệu và học làm. Thế nhưng tự học, rồi làm được và thành công một cách nhanh chóng như nữ họa sỹ “nghiệp dư” trẻ Phạm Thúy Quỳnh, đang sống và làm việc ở LB Nga, quả là một điều khó hình dung.
Triển lãm nghệ thuật Temari của chị Phạm Thúy Quỳnh mang tên “Lung linh sắc màu” vừa được mở tại trung tâm “Đối thoại Văn hóa”, (thư viện số 185) ở thủ đô Moscow từ ngày 26/6- 31/7.
Vào năm ngoái, cũng tại địa điểm này, họa sỹ Thúy Quỳnh đã tổ chức một triển lãm tranh rất thành công và được nhiều người yêu hội họa đánh giá cao. Chẳng ai nghĩ tiếp theo thành công ấy, chị lại nhanh chóng chuyển sang làm những quả cầu thêu “Temari”.
Chị Thúy Quỳnh lý giải:“Rất tình cờ tôi được biết nghệ thuật làm thủ công những quả cầu thêu của Nhật Bản và tôi đã lên mạng tìm kiếm, nhờ người tôi gái công tác tại Nhật Bản tìm sách rồi tự nghiên cứu học làm. Tôi làm thử 1, 2 quả đầu tiên và trở nên nghiện luôn loại hình nghệ thuật này”.
Không chỉ là sự khéo tay, lòng kiên trì và chút năng khiếu bẩm sinh… ở đây còn là cả một sự khổ luyện từ ngành kiến trúc chị được đào tạo và môn học hội họa do một sự tình cờ đầy duyên nợ, đưa đẩy…. Thúy Quỳnh đã nhanh chóng tìm được một niềm đam mê mới, để rồi, chỉ sau 8 tháng bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu rồi từ những cuộn len, mũi chỉ đầu tiên… chị đã cho ra đời hơn 120 quả bóng thêu xinh xắn, bắt mắt.
Nhìn chị tỷ mỉ khâu từng mũi chỉ, đường kim lên quả bóng tròn tuyệt đối mà chị đã tự tay tạo nên trước đó, khó hình dung là khi kết thúc lại là những tác phẩm hội họa sinh động đến vậy.
Từ những hình họa mang các hoa văn khác nhau, sắc màu hòa quyện, những con công, con ong và tổ ong, những họa tiết cách điệu bông tuyết, hoa diên vĩ, hoa cúc… rồi cả hình ông già Noel, cây tre v.v… những khối cầu đầy màu sắc hiện ra thật hoàn hảo. Ở đó còn là sự tinh tế trong cách phối màu để biểu đạt những ý tưởng, những suy tư… thực sự mới mẻ và đầy sáng tạo.
Chị Quỳnh chia sẻ rằng, với mỗi quả bóng mà chị bắt tay vào thực hiện, chị dành cho nó không ít tâm tư, tình cảm và bởi thế mỗi “đứa con tinh thần” sau khi “ra đời” đều có những ý nghĩa thật đặc biệt.
Chị Quỳnh cho biết: “Tôi nghĩ rằng, ko có hình nào tròn trịa và chuẩn hơn hình cầu. Hơn nữa, hình cầu nó chính là trái đất của chúng ta, nó có hình ảnh vô cùng phong phú và luôn luôn thay đổi và tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ có thể kết thúc được công việc sáng tác vì mỗi ý tưởng lại cho mình một màu sắc khác, họa tiết khác: ví dụ như khi làm họa tiết cây tre thì mọi người sẽ thấy ngay yếu tố của Việt Nam, hay bông tuyết thì tôi sáng tạo theo chủ đề Năm Mới ở nước Nga, hay là hòa diên vĩ, rồi những họa tiết cổ Hy Lạp v.v… nghĩa là mỗi tác phẩm là một ý tưởng về một sáng tạo mới”.
Điều khiến không ít người thắc mắc, hẳn là chất liệu để làm nên những quả bóng, phần nền móng để chị sáng tác “bức tranh hình cầu”, phải rất đặc biệt hoặc đã có sẵn, bởi nó là những khối hình cầu tròn đến tuyệt đối như vậy. Thế nhưng, hóa ra, chúng là những vật liệu rất đơn giản, thậm chí còn không thể hình dung là lại từ những thứ đó.
Chị Quỳnh cho biết, những khối hình cầu được làm từ những mảnh giấy vụn, mảnh xốp bỏ đi, với những thước len, chỉ màu. Từ quả cầu ấy, chị chia thành những múi cân đối tùy theo từng mẫu vẽ, khoảng 6, 8, 12, múi hay nhiều múi hơn… để sau đó là bắt tay vào thêu lên bằng những đoạn chỉ hoặc len nhiều màu sắc khác nhau.
Đến với triển lãm của chị, chính người thày dạy họa cho chị, ông Boris Iliukhin cũng phải ngỡ ngàng. Ông đã ngắm nghía từng quả bóng thêu, chụp ảnh nhiều tác phẩm của chị và không ngớt lời khen ngợi khi phát biểu tại lễ khai mạc.
Ông Boris thực sự hài lòng về cô học trò thông minh, tài hoa. Nhiều khán giả là bạn bè thân thiết của chị với nhiều lứa tuổi khác nhau đã tới chia sẻ niềm vui với chị và họ đều thực sự thán phục sức làm việc và sáng tạo của chị.
Bà Minh Phụng, đã ngoài 80 tuổi, đang ở thăm con cháu nơi đất khách quê người cũng tới thăm triển lãm và cứ trầm trồ trước mỗi tác phẩm của Quỳnh. Bà Minh Phụng nói: “Tôi thật sự bất ngờ vì sang đây lại được dự một buổi sinh hoạt nghệ thuật đặc biệt như thế này, được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người Việt và tôi cảm thấy rất tự hào vì qua đây hình ảnh người Việt mình ở nước Nga không chỉ là những cuộc mưu sinh mà đã là hoà nhập, là tiếp thu nền văn minh và sáng tạo nghệ thuật”.
Một số họa sỹ người Nga khác là bạn bè của Quỳnh cũng đến thưởng thức những tác phẩm đặc biệt này và dành tặng chị những lời nhận xét thật chân thành. Anna, cô gái học vẽ cùng lớp với Quỳnh rất thích, cô không ngờ là chỉ bằng những sợi chỉ màu có thể tạo nên những họa tiết đẹp, phức tạp và tinh tế như vậy. Lâu nay, cô chỉ biết vẽ, và bây giờ cô ấy như được mở ra 1 cái gì đó thực sự mới mẻ mà trước đến giờ cô chưa biết.
Một nữ họa sỹ khác thì viết những dòng cảm thán của mình về những tác phẩm tuyệt vời của Quỳnh qua trang mạng xã hội rằng: “Temari – nghệ thuật thêu bóng của Nhật Bản. Tài năng là của cải tinh thần không thể bị đánh cắp, Tài năng đó là lao động, là sự kiên trì. Tài năng của bạn là quà tặng của Chúa trời. Hãy tiếp tục sáng tạo, thể hiện tài năng nhé, Thúy Quỳnh! Chúng tôi mong đợi những triển lãm mới của bạn!”.
Điều đó thật đúng với Quỳnh bởi chị chưa có ý định dừng lại. Dự định tiếp theo, chị cho biết: “Trong tương lai tôi muốn làm thêm những quả cầu to hơn, phức tạp hơn, tôi muốn đưa vào quả cầu nhiều họa tiết mang đậm văn hóa Việt hơn, như rồng, phượng hay trống đồng… Điều đó là không đơn giản, nhưng tôi hy vọng sẽ có kết quả trong tương lai”.
Nghệ thuật nuôi dưỡng tâm hồn, làm cho tầm hồn trở nên trong sáng, thánh thiện hơn. Ngược lại, những người có tâm hồn hướng thiện, giàu cảm xúc cũng sẽ sáng tạo ra được những sản phẩm nghệ thuật dễ thu phục lòng người. Điều này ứng nghiệm với cô gái mảnh mai, nhanh nhẹn mà thật đa tài Thúy Quỳnh.
Quỳnh đã làm được điều mà người ta vẫn gọi Temari là quả cầu tình yêu vì không thể làm một quả cầu Temari đẹp nếu không dốc toàn bộ tâm trí và tình cảm của mình vào đó. Tới thăm triển lãm của chị, mỗi người sẽ có những cảm nhận rất đặc biệt về nữ họa sỹ Việt Nam đang sinh sống trên xứ sở bạch dương sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật của xứ phù tang với hoa anh đào./.
Theo VOV.Vn