Chiếc bè nổi bán hàng lưu niệm của ông Nguyễn Thanh Chính ở ngay trung tâm chợ nổi Cái Răng mấy tuần nay trở thành lớp học giao tiếp tiếng Anh. Ông Chính đã phải “hy sinh” tầng 2 của chiếc bè vốn là nơi bán nước giải khát cho khách du lịch để lớp học hoạt động.
Ông bảo: “Mình lớn tuổi rồi, không nói chuyện với khách Tây được, thành thử tạo điều kiện cho các cháu nó học, sau này nói chuyện với khách để chợ nổi ngày càng phát triển hơn. Thiệt chút đỉnh có đáng là bao so với tương lai của tụi nhỏ”.

Tận dụng môi trường du lịch

Lớp học này có 34 em, đều là những trẻ sinh sống ở trên ghe, bè chợ nổi và cả những học sinh nhà gần khu chợ. Có những em đã nghỉ học, như Huỳnh Thị Bích Vân, khi nghe có lớp tiếng Anh miễn phí đã xin cha mẹ đến học.
Vân kể nhà em nghèo, không đủ điều kiện đi học nữa nên nghỉ ở nhà phụ gia đình. “Cha mẹ làm bốc vác trên chợ nổi, ngày nào nhiều hàng phải vác đến mấy tấn. Em nghỉ học ở nhà giúp ba mẹ nhưng vẫn muốn đi học, vì có học sau này sẽ phụ giúp ba mẹ được nhiều hơn”, Vân nói.
Cũng có những em như Nguyễn Thị Xuân Nghi lần đầu tiên được học thêm một lớp tiếng Anh, lại có cả giáo viên nước ngoài. Sau vài buổi học, cô bé 12 tuổi đã có thể tự tin giới thiệu tên tuổi của mình.
Điều khá thú vị là lớp học này được khởi xướng bởi một nhà báo trẻ là anh Lê Đình Tuyển, phóng viên Báo Thanh Niên thường trú tại Cần Thơ, một người đã len lỏi từng ngóc ngách chợ nổi để viết bài.
Anh Lê Đình Tuyển (ngồi giữa) và các học sinh ở lớp học tiếng Anh miễn phí trên chợ nổi

Anh Tuyển kể cũng nhờ đi sâu vào bên trong khu chợ, anh hiểu thêm việc học hành của trẻ em ở đó rất khó khăn, nhiều con em thương hồ, rày đây mai đó nên việc học thường dang dở giữa chừng.
“Tôi nghĩ đến các điểm du lịch khác như Sa Pa hay Đà Lạt, trẻ em ở đó điều kiện học cũng khó nhưng giao tiếp tiếng Anh rất tự tin, rồi tự hỏi hay là mở một lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em ở đây, làm sao giúp các em nói vài câu về chợ nổi cũng được”, anh Tuyển nói và cho biết khi anh chia sẻ ý tưởng của mình với bạn bè, ai cũng ủng hộ.
Một người anh (xin không tiết lộ tên - PV) thậm chí đã bán đi chiếc đồng hồ của mình để ủng hộ kinh phí mở lớp. Cảm động hơn, cô Lê Thị Huyền, một giảng viên tiếng Anh kỳ cựu ở Trường ĐH Cần Thơ, chủ Trung tâm ngoại ngữ Huyền Lê (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cũng tự nguyện cử 5 giáo viên tham gia dạy không công.
Nội dung một bài giới thiệu về chợ nổi

Cô Huyền là người lo về chuyên môn, soạn giáo án cho lớp. Rồi một người bạn mới quen của anh Tuyển là Barry White (người Úc) đến Cần Thơ được 3 tháng cũng hăng hái xin làm trợ giảng.
“Có trung tâm ngoại ngữ lo chuyên môn, tôi liền qua Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ và UBND Q.Cái Răng xin chủ trương. Nghe trình bày ý tưởng tận dụng môi trường du lịch ở chợ nổi để dạy tiếng Anh giao tiếp cho các em, ai cũng ủng hộ nhiệt tình. Đích thân Phó chủ tịch UBND Q.Cái Răng Vương Công Khanh đã đi xuống chợ nổi để mượn bè này mở lớp”, anh Tuyển cho biết.

Con chợ nổi học về chợ nổi

Nói về mục tiêu của lớp học, cô Lê Thị Huyền cho biết: “Lớp chỉ có hơn một tháng, vì vậy không đặt mục tiêu các em phải nói trôi chảy khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Thay vào đó là dạy các em những nền tảng căn bản nhất và yêu việc học tiếng Anh hơn để có thể tự học về sau”.
“Tận dụng môi trường du lịch” của chợ nổi nên các bài học cũng được soạn theo hướng gần gũi thực tế, gắn liền với đời sống hằng ngày của các em. Mỗi buổi học là một chủ đề như giới thiệu về bản thân, chợ nổi, hoạt động thường ngày trên chợ nổi, đời sống của thương hồ, các loại đặc sản có thể tìm thấy ở chợ…
Không khí thoải mái với những bài học gần gũi cùng đời sống của các em

Mỗi tiết học, học sinh sẽ được thực hành trực tiếp với thầy giáo Barry White. “Tôi thực sự thích thú với lớp học này. Một không gian rất đặc biệt với những bài học thực tế gần gũi sẽ giúp các em tiếp thu nhanh hơn”, Barry nói.
Để học sinh phát âm tốt hơn khi giao tiếp, các giáo viên còn lồng ghép thêm những tiết học về ngữ âm cơ bản, vừa học vừa chỉnh phát âm. Các tiết mục trò chơi vui nhộn cũng xoay quanh nội dung bài. “Hy vọng tới đây chúng tôi sẽ mở thêm được lớp cho những em mới, những em cũ sẽ được nâng lên cấp độ cao hơn. Mong muốn của chúng tôi không chỉ để lớp trẻ tương lai của chợ nổi cải thiện được tiếng Anh, giao tiếp được với du khách mà còn hiểu rằng chợ nổi là một tài sản quý giá của quê hương mình, cần trân trọng, giữ gìn”, anh Tuyển cho biết.

Thầy giáo người Úc dạy học sinh cách phát âm

Giờ đây, lớp học đã đi đến cuối chặng đường; thời gian trôi nhanh như con nước lớn ròng, nhưng kiến thức sẽ ở lại như những hạt phù sa bồi đắp cho bãi bờ. Giữa lao xao của sóng nước, tiếng ghe máy thương hồ, đâu đó vẫn văng vẳng những câu tiếng Anh về khu chợ, đầy vấp váp nhưng thật ấm lòng.
                                                                                                                                                                                                                                       Theo Thanh Niên