Nếu ai đó nói rằng: tuổi học trò là quãng thời gian tươi đẹp nhất thì với tôi ngược lại. Trải qua những năm cấp I yên bình, sang cấp II bắt đầu có những gợn sóng lăn tăn, sự hiểu lầm và tình bạn tan vỡ. Sang cấp III, mỗi ngày tôi đến trường với tâm thế “mình không đụng tới ai thì sẽ không ai đụng tới mình”.

Thế nhưng, với một đứa tính tình hướng ngoại, thích có bạn bè, tôi lại quên phòng bị để rồi một ngày bước vào lớp, nhóm bạn vừa mới tối qua còn chát chít vui vẻ, đã đáp lại nụ cười “say hi” của tôi bằng biểu cảm lạnh lùng. Tiếp theo đó là những lời xầm xì, ánh mắt sắt lạnh. Cảm giác thật khó chịu đan xen thất vọng, bực tức. Tôi tin mình chưa bao giờ cố ý làm tổn thương ai, cả hành động lẫn lời nói; trừ trường hợp bị dồn ép vào tình huống tự vệ.

Tác giả (phải) trong tiết mục thi văn nghệ của lớp 12A15, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM
Tác giả (phải) trong tiết mục thi văn nghệ của lớp 12A15, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM

 

Mọi việc chuyển biến xấu đến mức khiến tôi suy sụp, xen lẫn uất ức và muốn bùng nổ. Cũng may, mỗi ngày, ba mẹ tôi đều an ủi, động viên, nhắc nhở, nhiều đến mức tôi cảm giác như Tam Tạng đang trì chú với Tôn Ngộ Không: “Không được tức giận, không được đánh nhau, từ từ các bạn sẽ hiểu con”. 

Và rồi đến cuối cùng, người không giữ được kiên nhẫn lại là mẹ tôi. Bà đã hành động bằng cách thu thập đầy đủ chứng cứ, đến trường làm rõ mọi chuyện với tâm thế ôn hòa nhưng quyết liệt. Không còn hiểu lầm, tôi nhận được lời xin lỗi của các bạn, nhưng vẫn xin mẹ chuyển trường, dù ở đó tôi có được sự cam kết đảm bảo an toàn từ ban giám hiệu. 

Chuyển trường là giải pháp bất đắc dĩ. Khoảng cách di chuyển khá xa, phải làm quen với môi trường mới không hề dễ dàng, chưa kể tình trạng “ma cũ, ma mới”. Rút kinh nghiệm, tôi giới hạn vòng tròn bạn bè, luôn đặt mình trong trạng thái phòng vệ. Nhờ vậy mà tôi tránh được nhiều rắc rối, cứ thế học kỳ II lớp Mười một trôi qua lặng lẽ.

Sang năm cuối cấp, trường xáo lớp phân ban, tôi lại thầm mong tẻ nhạt cũng được, miễn sao đừng có "drama" nào xảy ra. Thế nhưng, mọi thứ vượt ngoài mong đợi. Tôi và đứa bạn thân quyết định không đứng bên lề những cuộc vui tập thể nữa. Cả 2 tự tin đăng kỳ tham gia nhảy flashmob, dù hôm nào cũng về nhà trong tình trạng “sập nguồn”, để rồi hôm sau lại tiếp tục tập với khí thế “nhảy bằng cả sinh mạng”, mệt nhưng mà vui.

Chúng tôi cũng hết mình trong mọi hoạt động của lớp. Đã rất lâu rồi tôi mới có được niềm vui đến trường thật sự. Tôi cười nhiều hơn, hiền hòa hơn, mấy cái gai nhím đã được nhổ sạch từ lúc nào không nhớ. Tất nhiên, đã là một tập thể, ngoài những lúc vui vẻ thì tôi và các bạn cũng có lúc tranh cãi, hờn giận.

May mắn cho tôi và cả lớp là năm cuối cấp có được cô Thảo chủ nhiệm quá “xịn”. Cô đủ uy nghiêm để giữ nền nếp cho lớp, đủ tin tưởng để học trò có thể nói ra mọi góc khuất và đủ ấm áp cho chúng tôi gắn kết với nhau, thoải mái sống thật với cảm xúc những đứa học trò tinh nghịch. Và hơn hết, tôi đã biết cân bằng nhiều thứ, diễn đạt tình cảm bằng lời nói tốt hơn, không còn suy nghĩ tiêu cực về bản thân và những người xung quanh.

Tôi đã là chính tôi, một Khánh Linh vui vẻ, tràn đầy năng lượng tích cực. 

Theo phụ nữ TPHCM