leftcenterrightdel
 Để việc chơi cũng là quá trình giáo dục, cha mẹ cần kiên nhẫn với con (ảnh minh họa)

Hơn 5 tháng tuổi, bàn tay con đã có thể cầm nắm đồ vật đặt từ chỗ nọ sang chỗ kia, vẫn câu nói "chơi xong rồi, mình dọn dẹp nào", nhưng tôi cầm thêm chiếc túi để con có thể lấy bóng thả vào túi.

Quả bóng trượt khỏi bàn tay nhỏ xíu của con rồi văng ra ngoài, chui tọt xuống gầm giường, dưới chân tủ lạnh hoặc lăn đi bất cứ nơi nào. Tôi phải đứng dậy, lấy gậy lom khom lượm bóng cho con. Phải nói rằng, 98% công việc là tôi làm và tôi mất thời gian gấp 3 lần tự làm, nhưng 2% công việc lấy và thả bóng vào túi đối với con thú vị vô cùng. Chẳng những thế, việc ấy còn giúp con rèn luyện khả năng vận động, khám phá bản thân.

Đến khi con 7-8 tháng tuổi, đã thuần thục hơn với động tác bò, biết hướng theo mục tiêu để lấy vật từ điểm A di chuyển đến điểm B, tôi vẫn giữ lời kêu gọi muôn thuở và trò chơi “dọn dẹp” thêm phần thú vị.

Có người bạn chứng kiến trò chơi nói với tôi rằng: “Sao không tự làm cho nhanh. Công việc bù đầu mà còn bảo bé làm thì khi nào xong?”. Tôi cười đáp lại: “Không có sự rèn luyện nào là không mất thời gian cả”.

Cho đến khi con 1 tuổi, câu nói của tôi phần nào thay đổi: “Con chơi xong rồi, mình dọn dẹp nào!”. Thay vì chủ động xách túi chìa ra cho con, tôi ngồi kế bên quan sát. Con tự di chuyển, chậm rãi cầm những trái banh thả vào túi, vừa làm vừa nhìn tôi cười vui vẻ.

Thỉnh thoảng tôi khen động viên con: “Con giỏi quá. Dọn dẹp gần xong rồi!”. Tôi cùng chơi trò dọn dẹp với con và nhận thấy lúc này, mình chỉ cần làm 60% công việc.

13 tháng tuổi, bập bẹ chưa tròn tiếng, nhưng con lặp lại khẩu hiệu dọn dẹp của tôi mỗi khi tôi ra hiệu con dừng chơi. Con 18 tháng tuổi, tôi thật sự bất ngờ với câu trả lời “Để con dọn dẹp đã!” khi tôi đề nghị con cùng đi dạo.

Khi con 2 tuổi, tôi nhận thấy mình thành công bước đầu trong hành trình dạy con những thói quen tốt, mà đầu tiên là dọn dẹp những thứ gần con nhất. Để xây dựng được thói quen này, tôi cũng đặt ra những nguyên tắc giữa mình và con: luôn dọn dẹp sau khi chơi xong; nếu có việc gấp không thể dọn dẹp ngay thì tôi đưa ra một lý do cho việc trì hoãn; tôi luôn cùng con dọn dẹp và ưu tiên để con làm những gì con có thể.

Trong 3 nguyên tắc ấy, chúng ta rất dễ vi phạm nguyên tắc thứ ba. Vì nôn nóng, chúng ta có thể giành hết phần việc của con. Và một điều quan trọng nữa là, người thực hiện những nguyên tắc đó không phải là bé con mà chính là tôi. Dần dần tôi nhận ra thêm một điều, chơi với con cũng chính là hành trình tôi rèn luyện bản thân mình. Tôi thấy mình điềm đạm hơn, kiên nhẫn hơn bên cạnh thành quả quý giá là tính tự lập của con.

Cũng theo nguyên tắc đó, chúng tôi có những trò chơi mới khi con ngày một lớn. Con nhận biết chữ cái “a”, “b”, “c”… nhận biết từng mặt số 1, 2, 3… Rồi cho đến ngày con bước vào lớp Chồi, tôi giao hẹn sẽ không ghi tên con vào hộp sữa mỗi ngày đến trường, mà con sẽ tự ghi.

“Làm sao con ghi được?” - con phản đối. Tôi lấy 1 tờ giấy viết tên con ra, yêu cầu con nhìn tên mình trong tờ giấy và viết theo từng chữ. Nét chữ của con xiêu vẹo, trồi lên trụt xuống, đến mức cô giáo nhìn vào không biết đó là hộp sữa của ai. Nhưng không quan trọng, bởi con biết rõ đó là hộp sữa của mình.

Phải mất gần nửa tháng như vậy, con mới tự viết tên vào hộp sữa mà không cần nhìn vào tờ giấy của tôi. Tới lúc này, tôi giao con nhiệm vụ phải tự chuẩn bị sữa cho 2 anh em mỗi ngày đi học, nghĩa là con phải viết thêm tên em gái lên hộp sữa của em. Con lại giãy nảy: “Làm sao con biết ghi tên em?”. “Không biết thì mình tập thôi” - tôi vui vẻ.

Con viết tên mình, viết được tên em, rồi dần dần tôi đố con viết tên của những người thân trong gia đình, viết những câu ngắn như “con yêu bà”, “con yêu mẹ”. Và nếu làm được, con luôn có thưởng, khi thì 1 mặt cười (được 20 mặt cười sẽ được ba mẹ cho ra ngoài ăn), khi thì được 1 que kem.

Kiên nhẫn với những trò chơi và những lần giao nhiệm vụ, ngày con vào lớp Lá, tôi bất ngờ khi con đọc được những dòng tin nhắn tôi gửi cho người khác qua điện thoại, con phát hiện cả chuyện “tại sao mẹ nói xấu con”.

Một hôm, khi đang ở quê chăm sóc bà ngoại bị bệnh, tôi bất ngờ nhận bức thư con gửi, nét chữ thật nắn nót. Con viết: “Con nhớ mẹ. Con sẽ lái máy bay chiến đấu về thăm mẹ”.

Có người bạn phản đối tôi ép con học chữ sớm, tôi xin nhấn mạnh rằng, đây chỉ là trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ thường ngày giữa mẹ con tôi giống như trò nhặt bóng hồi nhỏ mà thôi...

Theo phụ nữ TPHCM