Bộ phim “Song Lang” nói về nghệ thuật cải lương
Con đường đã qua của cải lương rất nhiều thành tựu, nhưng con đường phía trước của cải lương cũng không ít thử thách!
“Thầy Ba Đợi” là ai mà được xem là tổ phụ của nghệ thuật cải lương? Thầy Ba Đợi tên thật là Nguyễn Quang Đại, vốn là một nhạc sư trong triều đình nhà Nguyễn. Sau nhiều năm phục vụ trong cung vua, nhạc sư Nguyễn Quang Đại phiêu bạt vào phương Nam và mang thứ âm nhạc vốn không dành cho giới bình dân được dịp đến với bá tánh lao động trên kênh rạch sông nước. Chính nhạc cung đình tương tác với nhạc dân gian đã hình thành một dòng nhạc được gọi là đờn ca tài tử. Điệu và hơi nhạc tài tử do nhạc sư Nguyễn Quang Đại sáng tạo ngẫu nhiên phù hợp với chất giọng người dân miệt vườn, nên đã mau chóng lan rộng khắp vùng đất Nam Bộ. Từ nhạc tài tử phát triển thêm ca ra bộ, và loại hình ca hát theo kịch thoại phương Tây được ra đời gọi là cải lương.
Ngày 15/3/1918, tại rạp hát Mỹ Tho, vở “Kim Vân Kiều” công diễn gây sửng sốt cho giới thưởng ngoạn, và chính thức đặt viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật cải lương. Năm 1919, nhạc sĩ Cao Văn Lâu công bố bản “Dạ cổ hoài lang” tạo một bước chuyển mạnh mẽ nữa của sân khấu biểu diễn. Từ đó, những gánh hát lần lượt ra đời. Có gánh hát quy mô với điểm diễn cố định, cũng có gánh hát chỉ là cái ghe bập bềnh trôi theo mùa nước nổi, đưa cải lương vào từng thôn xóm sau rặng bần, rặng đước.
Như khơi đúng mạch nguồn văn hoá của Nam bộ, cải lương đạt được nhiều kỳ tích trên hành trình chinh phục người xem. Những nghệ sĩ cải lương như Phùng Há hoặc Năm Phỉ vụt sáng như những ngôi sao thật sự. Đặc biệt, năm 1931, thì vở cải lương “Xử án Bàng quý phi” của đoàn Phước Cương đã mang chuông đi đánh xứ người tận Paris. Tại Pháp, vở cải lương “Xử án Bàng quý phi” được đổi tên là La Favorite (Sủng phi). Hàng chục suất diễn tại kinh đô ánh sáng của châu Âu đã khiến công chúng phương Tây ngạc nhiên về một loại hình nghệ thuật độc đáo của xứ An Nam.
Báo L’Intransigeant số ra ngày 25/6/1931 mô tả rằng tác phẩm của đoàn Phước Cương trình diễn nhiều ngày trong Khu triển lãm Đông Dương và được khán giả Pháp ủng hộ nhiệt liệt. Nhà phê bình nổi tiếng nước Pháp lúc ấy là André Delacour đã viết về vở “Xử án Bàng quý phi” với sự sửng sốt: “Các diễn viên rõ ràng là một chủng tộc khác, ngôn ngữ họ thì chúng ta không hiểu được… nhưng trang trí sân khấu, phân cảnh bố cục và trang phục của họ làm cho chúng tôi bất ngờ, dẫn dắt chúng ta có một cái nhìn vừa chính xác vừa thơ mộng của miền Viễn Đông. Chúng ta cũng không thể không thấy mình đang hiện diện trước những con người là các anh em gần gũi, vì chúng ta đang thấy họ đứng trước mặt chúng ta, họ đang yêu thương và đau khổ giống chúng ta….
Chúng ta nhận ra sự thinh lặng của nghệ thuật mới mẻ. Sự thinh lặng này nhấn mạnh cách diễn đạt một màn trên sân khấu, hay chiều sâu của sự bất động. Lời thoại chỉ được sử dụng để đạt tới sự thinh lặng này, hoặc tuôn trào ra từ sự huyền bí của nó, giống như tiếng hót của con họa mi trong một đêm hè thanh vắng. Chính trong lúc sự bất động và sự thinh lặng chạm trán hay nở rộng, là lúc vở kịch của ý thức diễn ra, đạt đến cường độ, làm xúc động khán giả trực tiếp nhất; và chúng ta có thể thấy, một lần nữa, không có gì bi thảm cho con người bằng cảm giác của con người, và sự tàn phá niềm đam mê của họ”.
Cái hay của cải lương là sự truyền đạt những ý niệm về cuộc sống xung quanh một cách nhẹ nhàng và sâu lắng. Tinh thần tranh đấu của người Việt được miêu tả rõ ràng trong những vở cải lương như “Tiếng hò sông Hậu” hoặc “Tiếng sóng Rạch Gầm”. Tội ác của xã hội phong kiến - thực dân được vạch trần trong những vở cải lương như “Đời cô Lựu” hoặc “Tô Ánh Nguyệt”. Thói hư tật xấu của người đời được nhắc nhở và mỉa mai trong vở cải lương như “Ngao Sò Ốc hến”, còn sức sống bền bỉ của sự lương thiện được đề cao trong vở cải lương “Bên cầu dệt lụa”. Vì vậy, đến thập niên 60 của thế kỷ 20, cải lương được ưa chuộng bậc nhất trong đời sống văn hoá Nam bộ. Giải thưởng Thanh Tâm được hình thành để vinh danh những ngôi sao cải lương như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Thành Được, Hùng Cường… Rất nhiều ngôi sao cải lương giàu có từ nghề hát.
Trong cuốn hồi ức “Chút tạ tình tri âm”, Nghệ sĩ Ưu tú Mỹ Châu thổ lộ: “Thời đó, lầu trên căn nhà ở đường Võ Di Nguy là cơ sở phòng thu của hang dĩa Việt Nam. Mỹ Châu lên lầu thu dĩa, còn mẹ ngòi dưới lầu chờ Mỹ Châu. Gần bên là tiệm vàng Lôi Tây, mẹ thường nói với chủ tiệm vàng: “Lựa dùm tui đồ tốt, hột tốt! Lát nữa con Mỹ Châu thu xong thì trả tiền!”. Trong lời mẹ, đồ tốt tức vàng tốt, hột tốt chính là hột xoàn tốt. Mỹ Châu thu xong, được trả tiền ngay, mang xuống đưa hết cho mẹ. Ngày nào mẹ cũng mua vàng. Trăm ngày như một. 17 tuổi, Mỹ Châu đã có mấy cái nhà lầu ba tầng, xe Huê Kỳ. Còn anh em, con cháu của Mỹ Châu cũng được lộc, ít nhất mỗi người một căn nhà phố”.
Sau năm 1974, cải lương vẫn được yêu thích. Không tính những đơn vị quy mô như Nhà hát cải lương Trung ương hoặc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, thì có lúc khoảng 40 đoàn cải lương đăng ký hoạt động và lưu diễn khắp ba miền. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ 21 thì cải lương bắt đầu khó khăn khi phải cạnh tranh với những loại hình nghệ thuật trẻ trung hơn, sôi động hơn. Ngoài yếu tố khách quan, các chuyên gia cho rằng, hạn chế của cải lương trong bối cảnh hiện nay là sự xa rời, hoặc làm sai lệch cái nền truyền thống sân khấu.
Mặt khác, càng ngày càng thiếu những tác giả cải lương dẫn đến hiện tượng thiếu vắng kịch bản cải lương, buộc các đơn vị nghệ thuật phải tìm cách lấy những kịch bản kịch nói sang chuyển thể thành kịch bản cải lương. Không ít đạo diễn dàn dựng cho sân khấu cải lương là đạo diễn kịch nói, do đó nhiều khi đã làm mất không khí đặc thù của nghệ thuật cải lương. Diễn viên trẻ tuy được đào tạo chính quy ở nhà trường nhưng phần lớn khi ra trường chưa được thuần thục các bài bản cải lương… Quan trọng hơn, cải lương không được đầu tư những vở hoành tráng để thu hút khán giả vốn đã khó tính khác xưa.
Nhà biên kịch - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc bằng kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với cải lương, phân tích: “Hát cải lương, nhất là với những đào kép chánh, việc đầu tiên là phải có giọng ca hay. Khi ngồi so sánh những giọng ca từ xưa cho đến nay, ai cũng tấm tắc khen sao hồi trước, mấy anh chị ca, giọng nào ra giọng đó, chân phương, không màu mè kiểu cách mà như buông thả từng niềm vui, nỗi buồn chạm thấu tâm can người nghe, còn giờ các em nhỏ ca sao mà cứ trôi tuồn tuột, không đọng lại chút gì. Một cô đào chánh đã ít nhiều mắc cở khi kể lại cho tôi nghe quá khứ đã từng có lúc đua nhau “ca dài hơi” với đồng nghiệp như để thể hiện tài năng, sau này mới nhận ra sai lầm.
Để ý xem, nhiều giọng ca vang bóng một thời, trừ một số ít, đa phần học vấn không cao, nhưng có nhiều giọng ca trở thành “bảo vật” của cả một vùng, miền. Nhiều người cho rằng đã có gì đó sai sai khi tuyển vào khoa cải lương cứ đòi hỏi phải tốt nghiệp cấp ba hay cấp hai. Sao không tìm kiếm những giọng ca hay rồi đưa về, giúp họ nâng cao văn hóa. Để cải lương trở lại thời hoàng kim của nó, một trong những việc phải làm là phải đi tìm khắp nơi những giọng ca hay, rồi giúp họ phần diễn, cố bảo vệ nét thanh xuân, mộc mạc của họ, đừng để thị trường lôi kéo họ, không cần phải đi giải phẩu thẩm mỹ từ khuôn mặt tới giọng hát để khán giả lại phải chịu đựng những khuôn mặt lẫn giọng hát từa tựa như nhau”.
Cải lương trăm năm, thăng trầm cùng buồn vui cuộc đời, lưu lại trong lòng công chúng nhiều tên tuổi như Minh Vương, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Phụng, Thanh Tòng, Diệp Lang, Hoài Thanh, Minh Cảnh… Phục hưng giá trị cải lương không phải một sớm một chiều. Thế nhưng, đưa cải lương vào học đường cũng là một giải pháp để thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau thêm hiểu biết và thêm yêu mến cải lương!
Theo Nông nghiệp Việt Nam