Internet và các thiết bị công nghệ mang lại nhiều tiện ích cho công việc, học tập, giải trí, kết nối liên lạc của cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, việc lạm dụng hay sử dụng công nghệ chưa đúng cách có thể mang đến nhiều nguy cơ cho trẻ.

Lợi ích gắn liền nguy cơ


Khi “nghiện” công nghệ, trẻ có thể gặp phải các vấn đề sức khỏe như giảm thị lực, vẹo cột sống, lười vận động, thừa cân…, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện.

Internet còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như nạn bắt nạt và xâm hại trực tuyến, dụ dỗ chia sẻ thông tin cá nhân hay hình ảnh nhạy cảm, kích động bạo lực. Trẻ cũng có nguy cơ bắt chước những hành vi nguy hiểm, ngôn ngữ lệch lạc… Nhiều trang mạng, trò chơi, ứng dụng chứa thông tin độc hại, nội dung không phù hợp lứa tuổi có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và hành vi của trẻ.

Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khuyến cáo hàng triệu trẻ em đang đối diện nguy cơ xâm hại trên môi trường trực tuyến gia tăng trong thời gian giãn cách, đồng thời thúc đẩy các chính phủ, ngành công nghệ thông tin, truyền thông, giáo viên, phụ huynh cần cảnh giác và có biện pháp khẩn cấp để đảm bảo sự an toàn cho trẻ.

Bên cạnh lợi ích, con trẻ đối mặt nhiều mối nguy rình rập trên Internet nếu không được trang bị các biện pháp bảo vệ phù hợp.


Bảo vệ con trên môi trường trực tuyến


Giống như việc giữ con an toàn ngoài đời thực, cha mẹ cần bảo vệ con trong thế giới số. Chương trình “Nuôi dạy con trong giai đoạn căng thẳng” do Đại học Oxford, UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng The Human Safety Net (THSN) của Generali… phối hợp xây dựng và triển khai đã đưa ra nhiều gợi ý hữu ích.

Đối với trẻ chưa đủ tuổi, phụ huynh cần đối thoại cởi mở giúp trẻ hiểu là cha mẹ cần hỗ trợ bằng việc thường xuyên kiểm tra lịch sử truy cập, theo dõi tài khoản mạng xã hội của con để nắm bắt các đối tượng tương tác với con, bật chức năng tìm kiếm an toàn... Thay vì phó mặc con với thiết bị công nghệ, cha mẹ cần dành thời gian học trực tuyến và khám phá Internet cùng trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo trang commonsensemedia.org để kiểm tra cũng như lựa chọn website, trò chơi, ứng dụng phù hợp với độ tuổi của trẻ.

Cha mẹ cũng cần thiết lập thời gian và thời lượng sử dụng thiết bị điện tử phù hợp với trẻ. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi được khuyến nghị không nên cho chơi điện tử, xem TV. Trẻ dưới 6 tuổi được khuyến nghị sử dụng các thiết bị điện tử, xem TV cho mục đích giải trí dưới một tiếng/ngày và không sử dụng trước giờ ngủ một tiếng.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần cùng con xây dựng “thỏa thuận về sử dụng công nghệ lành mạnh” giúp trẻ hiểu lúc nào dành cho học tập, lúc nào dành cho giải trí, kết nối. Việc sử dụng Internet và công nghệ cần được đưa vào nền nếp sinh hoạt của gia đình, cân bằng với các hoạt động học tập, thể thao, gắn kết khác… để đảm bảo sự phát triển toàn diện. Cha mẹ cần làm gương cho con, hạn chế sử dụng điện thoại thông minh khi sinh hoạt chung, chơi cùng con, dùng bữa…

Khi năm học mới bắt đầu, trẻ sử dụng Internet nhiều hơn để học tập, thư giãn và kết nối. Cha mẹ có thể tham khảo các gợi ý trên trang The Human Safety Net Việt Nam để bảo đảm những trải nghiệm học tập trực tuyến và sử dụng Internet của con an toàn, lành mạnh, hiệu quả trong mùa giãn cách.

Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ chia sẻ cởi mở bất cứ điều gì gây lo lắng, sợ hãi trên Internet. Phụ huynh cần chú ý các biểu hiện khác thường ở trẻ như thu mình, buồn bã, giữ bí mật, ám ảnh… để kịp thời can thiệp và hỗ trợ.

                Cha mẹ đồng hành, trang bị cho con những kỹ năng cần thiết để trẻ an toàn trên môi trường trực tuyến.


Không phải lúc nào trẻ cũng nằm trong vòng kiểm soát của cha mẹ. Hãy trang bị thêm lá chắn để trẻ tự bảo vệ trên không gian mạng. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ bảo mật thông tin cá nhân, đặc biệt với người lạ; che, tắt webcam khi không sử dụng; nhắc nhở trẻ những gì đăng tải lên Internet sẽ không thể thu hồi nên hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng nhận xét, ảnh, video.

Việc trang bị cho trẻ những kỹ năng, kiến thức cần thiết, chia sẻ cởi mở với trẻ có thể giúp cha mẹ tận dụng ưu điểm, hạn chế nhược điểm của các thiết bị công nghệ và mạng Internet. Cha mẹ hãy luôn là cầu nối giữa con và thế giới ảo, là bộ lọc giúp con lựa chọn thông tin, ứng dụng bổ ích, phù hợp giữa môi trường thông tin rộng lớn.

Theo Zing