Lúc nhỏ tôi rất ham đọc sách. Mấy quyển sách nhà tôi và các nhà quanh xóm đều được tôi đọc tới nhàu nhĩ. Những năm 1980, cơm áo còn không đủ ăn đủ mặc, nên nhà nào có vài cuốn sách là sang lắm, phải cho vào tủ ly hoặc đóng cái kệ treo lên, cho ra vẻ nhà có văn hoá.
Cũng nhờ đọc nhiều sách mà tôi thi đậu vào Trường đại học Tổng hợp (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học quốc gia TPHCM). Năm nhất, chúng tôi học ở cơ sở 3 ở Thủ Đức. Trường nằm heo hút giữa vườn điều, không có thư viện, sách báo. Phương tiện giải trí duy nhất là tivi, đặt ở ký túc xá.
Có lần, giảng viên dạy môn Văn học hỏi chúng tôi đã đọc các tác phẩm như Anna Karenina, Chiến tranh và hoà bình, Don Quijote, Con đường đau khổ… chưa? Lớp hơn 100 sinh viên nhưng chỉ lác đác vài cánh tay giơ lên, khiến thầy kinh ngạc và thất vọng. Đám sinh viên còn lại chúng tôi xấu hổ, không dám ngẩng lên. Thầy nói học văn chương là phải đọc nhiều, đọc hết các tác phẩm danh tiếng. Nhưng hoàn cảnh như thế, chúng tôi muốn đọc cũng lực bất tòng tâm.
Năm thứ 2, chúng tôi được về học ở thành phố. Tôi và bạn bè háo hức đi làm thẻ thư viện. Tôi còn nhớ cảm giác choáng ngợp khi lần đầu vào thư viện Khoa học tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng (Quận 1, TPHCM), không khí ở đó im lặng và trang nghiêm, ai cũng tập trung đọc và ghi chép. Nhưng rồi vì bận rộn học hành, và cũng vì lười nên tôi dần ít lui tới thư viện.
Năm thứ 3, một phóng viên trẻ tới ký túc xá để tìm hiểu và viết bài về đời sống sinh viên. Anh ấy hỏi chúng tôi giải trí như thế nào, có đọc báo hàng ngày, có đọc sách không?... Chúng tôi lắc đầu. Anh nhà báo một phen kinh ngạc, rằng các bạn học Ngữ văn - báo chí, sau này phải viết lách hoặc dạy Văn học… không đọc sách báo, các bạn trang bị kiến thức thế nào? Câu đó đã cảnh tỉnh chúng tôi.
Sau lần đó, tôi quyết tâm thay đổi bản thân, tôi siêng đi thư viện, tới một toà soạn báo để đọc báo, tìm hiểu cách viết… Nhờ đọc nhiều, giúp tôi viết tốt hơn. Tới bây giờ, tôi đã U60, vẫn giữ thói quen đọc sách trước khi ngủ.
|
|
Mỗi gia đình cần có một tủ sách. Cha mẹ cũng cần giữ thói quen đọc sách để khuyến khích con cùng đọc (ảnh tác giả cung cấp) |
Tôi nhớ có học giả đã nói: “Muốn con giỏi, hãy cho con đọc sách. Muốn con giỏi hơn nữa, hãy cho con đọc sách nhiều hơn nữa”. Hồi con trai tôi biết nói, tôi bắt đầu đọc sách cho con nghe. Những cuốn như: Thỏ và rùa, Ba chú heo con, Heo con xây nhà… Những quyển truyện tranh nhiều màu sắc và câu chuyện thú vị khiến con thích thú.
Con lớn hơn, tôi cho con đọc: Không gia đình, 2 vạn dặm dưới đáy biển, Trên hoang đảo… Phải công nhận một điều, đọc sách khiến tâm hồn con trẻ giàu cảm xúc và rèn cách viết rất tốt. Cũng nhờ đọc mà năm lớp Năm con trai tôi đoạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi cập tỉnh 2 môn Văn và Toán.
Thời đó, không có điện thoại và iPad nên tôi khuyến khích con trai đọc sách dễ dàng, tới lượt con gái thì gian nan hơn nhiều. Lúc con gái còn nhỏ, biết nghe lời mẹ, chịu đọc sách. Từ thời điểm dịch COVID-19 trở đi, con gái phải học online. Thầy cô giáo dạy học, cho bài tập hoặc thảo luận nhóm đều qua mạng, nên con hầu như dính chặt với chiếc điện thoại. Việc đọc sách lơi dần.
Năm ngoái, con gái vào lớp Mười, tôi khuyến khích con tham gia Câu lạc bộ đọc sách. Hàng tuần, nhóm của con đều thảo luận về một quyển sách và nêu quan điểm cá nhân. Nhờ vậy, đã khơi dậy đam mê đọc sách ở con. Tôi lấy làm mừng vì nhà trường đã tổ chức một nơi hữu ích cho học sinh tìm kiếm kiến thức và giải trí. Mô hình này, tôi nghĩ cần nhân rộng ra các trường khác.
Cũng sau dịch COVID-19, nhà sách lớn nhất thị xã nơi tôi ở đã đóng cửa vì ế ẩm, điều đó khiến tôi tâm tư. Người Việt mình ít đọc sách, nguyên nhân thì rất nhiều: do xu hướng, quan điểm, do hoàn cảnh tác động... Phương tiện giải trí chủ yếu là tivi, điện thoại… vậy nên muốn lôi kéo một người vào sách quả là khó. Cần tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích nhiều người đọc sách.
Điều quan trọng không kém là người đọc ít cơ hội tiếp cận những tác phẩm hay, đáng đọc. Thú thật, hiện giờ tôi có đọc sách cũng chỉ là đọc lại những sách cũ, tiếng tăm một thời; còn sách mới, cảm giác đọc rất... khó vào. Cần lắm việc truyền thông những tác phẩm đáng đọc để đọc giả biết đến. Vậy nên, muốn vực dậy văn hoá đọc cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Việc ấy cần làm ngay kẻo quá muộn!
Mỗi lần tác giả Nguyễn Nhật Ánh ra sách mới, nhìn dòng người rồng rắn xếp hàng mua sách và chờ ông ký tặng, tôi lấy làm mừng vì giới trẻ không thờ ơ với văn hoá đọc. Nhưng hy vọng họ mua vì cần đọc, chứ không phải để bày sách cho sang nhà.
Theo phụ nữ TPHCM