Cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên trở thành hoa hậu lần thứ 2 sau cuộc thi nhan sắc tối qua. Sáng nay, nhiều người phân tích phần thi vấn đáp của các thí sinh và nhắc chuyện Kỳ Duyên trả lời chưa từng đọc hết một cuốn sách nào. Đề tài đọc sách và văn hóa đọc lại rộn ràng mạng xã hội.
|
Ngày nay, thường xuyên đọc sách truyện truyền thống phải là người nhàn nhã, nhiều tiền (ảnh minh hoạ) |
Cá nhân tôi cho rằng, nhiều người đang cực đoan và chưa hiểu đúng về văn hoá đọc. Ngày xưa, ông bà ta chỉ có thể tiếp thu kiến thức thông qua loại hình sách in và các xuất bản phẩm. Nhưng nay thế giới đã thay đổi. Bên cạnh sách in, giờ có sách điện tử, sách nói… Ai thấy hình thức đọc nào thuận tiện, phù hợp thì chọn, không nhất thiết phải cầm sách trên tay mới là đọc.
Như tôi, do công việc phải di chuyển nhiều, tôi thường xuyên ở ngoài đường. Việc cầm kè kè cuốn sách rất bất tiện và rườm rà. Tôi tải sách trên mạng về điện thoại. Khi nào rảnh, trong lúc chờ đợi khách hàng hoặc vào giờ nghỉ trưa, trước lúc chợp mắt, tôi sẽ mở ra đọc.
Tuy nhiên, mắt tôi yếu, đọc nhiều sẽ mỏi mắt. Chiều tối về nhà, trong lúc chuẩn bị bữa tối cho gia đình, tôi đeo tai nghe, bật sách nói. Nhờ vậy vừa nghe sách, tôi vừa rảnh tay làm việc nhà.
Sách nói rất được gia đình tôi ưa chuộng. Lúc trên ô tô, tôi mở sách cho cả nhà cùng nghe, cùng thưởng thức và bàn luận. Nhờ vậy, các thành viên trong gia đình thêm tương tác và gắn kết.
Nói thật lòng, chỉ khi nào rảnh thật rảnh kiểu ngày cuối tuần ở nhà không có việc gì làm tôi mới đụng tới cuốn sách in. Thế nhưng kể cả cuối tuần tôi cũng hiếm khi rảnh. Ngày thường bận rộn cơm áo, gạo tiền. Tất cả những công việc của gia đình, con cái đều dồn hết cuối tuần giải quyết.
Đó còn chưa kể, sách in không hề rẻ. Một cuốn truyện giá trên trăm ngàn đồng. Mỗi bộ sách giá vài trăm ngàn đồng. Là bà nội trợ, tôi có nhiệm vụ thu vén, tính toán làm sao để gia đình chi tiêu tiết kiệm, hợp lý. Nếu có cách khác vẫn đọc được sách mà tốn ít tiền thì tại sao không chọn?
|
Với chiếc điện thoại nhỏ, tôi có thể đọc hoặc nghe sách nói ở bất cứ đâu (ảnh minh họa) |
Tôi không thể cứ đọc nhiều cuốn sách in thì sẽ có quyền đi chê bai những không giống mình. Cái gì ít tốn kém, thuận tiện, bớt rườm rà mà vẫn hiệu quả thì ta làm. Tôi là người thực tế. Tôi còn ước ao rằng tất cả sách vở của học trò hãy biến thành giá trình điện tử. Mỗi học sinh được cấp một tài khoản truy cập. Như vậy, khi tới trường, các em chỉ việc mang laptop hoặc điện thoại thông minh là mở được sách. Tránh cảnh học trò nhớ, quên sách vở, vác trên lưng cả đống sách tới mức vẹo cả cột sống. Làm như vậy còn tiết kiệm được bao nhiêu giấy, mực, chi phí in ấn. Sách điện tử vừa bảo vệ môi trường mà lại tiết kiệm tiền bạc cho phụ huynh.
Con gái tôi học lớp Sáu. Con đi học về kể rằng, nhiều bạn mua 2 bộ sách. Một bộ mang về nhà, một bộ để trong ngăn bàn trên lớp. Các bạn nói làm thế cho khỏi bị quên sách và cũng không phải vác nặng khi mang sách từ nhà tới trường. Nhưng đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện mua 2 bộ sách cho con như thế. Ngày nay sách của chương trình tiếng Anh tích hợp, tiếng Anh tăng cường rất đắt tiền, trên dưới 1 triệu đồng mỗi bộ.
Dẫu ai cũng biết về lợi ích của sách in, ngoài cung cấp kiến thức thì đọc sách in sẽ tránh được tác hại của các thiết bị điện tử với mắt… Thế nhưng bây giờ, thông tin gì cũng có trên mạng internet, ta dễ dàng kiểm chứng qua nhiều nguồn, để có cái nhìn đa chiều chứ không chỉ đánh giá cuộc sống qua con mắt và quan điểm của tác giả.
Sách, truyện truyền thống là nét văn hoá đẹp, nhưng cũng theo dòng chảy của thời gian, dần dần bị lạc hậu và có thể một ngày nào đó trở thành một phần ký ức của nhân loại. Không muốn cũng phải chấp nhận sự thật này.
Theo phụ nữ TPHCM