leftcenterrightdel
 Phụ nữ di cư lấy chồng Hàn Quốc và sinh viên đa văn hóa tham dự hội nghị do Bộ Bình đẳng giới và gia đình tổ chức tại Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa Ansan

Gu Young-chan (16 tuổi, ngụ tại thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi) vẫn nhớ ngày đầu tiên khi bạn chuyển trường cách đây vài năm, được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu là "học sinh đa văn hóa" trước mặt cả lớp. 

"Ngay lập tức, tôi đã nhìn thấy vẻ mặt khó chịu của các bạn cùng lớp. Điều đó khiến tôi cảm thấy lo lắng và lúng túng", bạn cho biết. Gu Young-chan có mẹ là người Trung Quốc và cha là người Hàn Quốc.

Việc bị gắn mác học sinh đa văn hóa trong ngày đầu tiên đến trường khiến Young-chan không chỉ thấy thiếu thoải mái mà còn khó kết bạn. "Cảm giác như họ đang giữ khoảng cách với tôi vậy", Young-chan nói.

Yu Jin (17 tuổi) cũng có mẹ là người Trung Quốc và cha là người Hàn Quốc, từng ước mơ trở thành một người lính, dựa trên tài năng và sở thích hoạt động thể chất của mình.

"Nhưng tôi phải từ bỏ giấc mơ đó", Yu nói. "Tôi không biết làm thế nào và nên đến đâu để nhận được huấn luyện, đủ điều kiện gia nhập quân đội, cũng như không thể tìm được người hướng nghiệp". 

Câu chuyện của họ là biểu tượng cho những khó khăn mà nhiều trẻ em từ các quốc gia, dân tộc khác ở Hàn Quốc phải đối mặt. Họ thường phải vật lộn với sự phân biệt nguồn gốc tại trường, khó theo đuổi ước mơ do thiếu sự hỗ trợ trong hướng nghiệp. 

Một cuộc khảo sát ba năm một lần giữa các gia đình đa văn hóa được thực hiện vào năm 2018 cho thấy, trẻ em gặp khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống ở trường do nhiều nguyên nhân, bao gồm rào cản về ngôn ngữ, khó khăn trong học tập và sự phân biệt đối xử từ bạn bè cũng như giáo viên. 

Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa Ansan, trung tâm lớn nhất của loại hình này ở Hàn Quốc. Thành phố vệ tinh Ansan của thủ đô ở tỉnh Gyeonggi là nơi sinh sống của khoảng 90.000 cư dân có quốc tịch nước ngoài.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bình đẳng giới và gia đình Chung Young-ai (thứ tư từ trái sang) chụp ảnh với những người tham gia hội nghị 

Phụ huynh quốc tịch nước ngoài rất lo lắng về thành tích học tập của con mình.

"Tôi không quen với các chương trình giảng dạy của trường học, và không biết mình có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết ở đâu. Do hạn chế tiếp cận với các chương trình giáo dục, tôi thường xuyên lo lắng rằng con tôi có thể bị bỏ lại trong lớp", Baek Dina, di cư kết hôn từ Việt Nam đang nuôi hai con (15 và 17 tuổi), cho hay.

Kim Ji-a nhập cư kết hôn từ Trung Quốc, có con trai đang học tiểu học. Cô kể: "Tôi nghe nói trẻ em nên biết viết và đọc bảng chữ cái tiếng Hàn trước khi vào tiểu học. Vì vậy, tôi đã thử dạy con, nhưng kết quả không được tốt lắm".

Nỗi lo lớn nhất của họ là việc con cái có thể trở thành mục tiêu của sự phân biệt chủng tộc hoặc bắt nạt ở trường. Một cuộc khảo sát vào năm 2021 cho thấy gần 9% học sinh đa văn hóa ở Hàn Quốc trở thành nạn nhân của lạm dụng ở trường - cao hơn nhiều so với tỉ lệ 1% trong tổng số học sinh. Để giảm bớt những lo ngại đó, Bộ trưởng Chung tuyên bố rằng Bộ Bình đẳng giới và gia đình sẽ tăng cường hỗ trợ để phù hợp với nhu cầu thực tế của các gia đình đa văn hóa.

Tháng tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tổ chức các chương trình tư vấn nghề nghiệp tại 78 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa trên khắp cả nước. Ngoài ra, trẻ em từ 6 - 10 tuổi sẽ được tiếp cận các chương trình giáo dục về các kỹ năng đọc và viết cơ bản ở cấp tiểu học. Các khóa học hiện có tại 90 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa trên toàn quốc, tiếp cận khoảng 1.800 trẻ em trong độ tuổi đó.

"Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo ra một xã hội đa văn hóa hoàn toàn, nơi tất cả trẻ em đều được đảm bảo cơ hội bình đẳng", bà Chung nói.

Theo tuoitre