Trẻ em học hành quá vất vả khiến nhiều người sợ sinh con
Cập nhật lúc 23:55, Thứ năm, 20/05/2021 (GMT+7)
Loạt phim truyền hình nói về việc nuôi dạy con ở Trung Quốc đã thu hút lượng lớn người xem, tạo ra những cuộc tranh luận gay gắt.
Poster của loạt phim "Tiến thoái lưỡng nan"
Loạt phim mang tên Xiao She De hay Tiến thoái lưỡng nan, mô tả chuyện nuôi dạy con của hai gia đình trung lưu sống ở thành phố. Các phụ huynh phải đưa ra những lựa chọn khó khăn trong việc giáo dục con cái và những đứa trẻ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt ở trường.
Trong hầu hết các bình luận trên mạng xã hội về loạt phim, đa số mọi người đều cho biết họ cảm thấy “sợ có con” sau khi xem Tiến thoái lưỡng nan. Nhiều người ví von rằng bộ phim này còn hiệu nghiệm hơn cả “bao cao su” trong việc ngừa thai.
“Sau khi xem xong, tôi không muốn kết hôn và không muốn có con”, một khán giả bình luận .
“Trẻ em bây giờ thiệt khổ quá! Chúng phải bắt đầu học từ khi còn trong bụng mẹ. Nếu tôi có một đứa con, tôi chỉ hy vọng nó sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh”, một người bình luận viết. “Nhưng khoan đã, sau khi suy nghĩ cẩn thận, tôi nghĩ con tôi cũng cần phải có điểm cao và phải dành nhiều thời gian cho việc học. Vậy thôi, tốt nhất là đừng có con. Không có con nghĩa là không có rắc rối nào cả”.
Những bình luận tương tự đang tràn ngập trên Internet khi nói đến loạt phim truyền hình miêu tả chân thực nỗi khổ của các bậc phụ huynh ở Trung Quốc liên quan đến việc học hành của con cái.
Những người làm cha làm mẹ bị giằng xé giữa việc ép con phải học hành chăm chỉ, hy sinh sở thích và thời gian vui chơi của chúng, hoặc để cho con có một cuộc sống thoải mái và hạnh phúc.
Trẻ em Trung Quốc được nhồi nhét việc học từ nhỏ - Ảnh: China Daily
Một trong những nhân vật chính trong loạt phim là Yan Ziyou - một cậu bé 11 tuổi. Bé là một học sinh xuất sắc nhất vì người mẹ đã đưa con trai đến các cơ sở ngoại khóa để học thêm từ khi còn học mẫu giáo.
Sau khi Ziyou vào lớp 5, với sự cạnh tranh gay gắt nhằm giành được một suất học tại một trường trung học cơ sở trọng điểm, người mẹ đã buộc cậu bé học thêm nhiều buổi học ngoài giờ và cấm cậu chơi bóng đá - sở thích duy nhất của Ziyou.
Kết quả là Ziyou ghét học, bắt đầu có điểm kém và mắc chứng rối loạn tâm thần. “Tôi nghĩ mẹ tôi không hề yêu tôi. Mẹ chỉ muốn tôi có điểm số cao nhất,” Ziyou nói.
Nhân vật còn lại trong chương trình là một cô bé tên Xia Huanhuan học cùng lớp với Ziyou. Không giống như mẹ của Ziyou, cha mẹ của Huanhuan không bắt con tham gia bất kỳ lớp học thêm nào sau giờ học; thay vào đó, họ để cô bé được tự do vui chơi. Cô bé hát hay nhưng khổ nỗi lại đứng cuối lớp.
Cuộc sống của Huanhuan đã thay đổi đáng kể sau khi mẹ của bé nhận ra rằng kết quả học tập ấn tượng có thể là yếu tố cần thiết cho sự phát triển tương lai của con.
Sau đó, mẹ của Huanhuan đã học theo mẹ của Ziyou và lấp đầy thời gian của con gái bằng các lớp học thêm.
Thế là Huanhuan đạt điểm cao trong lớp, nhưng cô bé luôn chán nản và có mối quan hệ không tốt với cha mẹ. “Tội nghiệp những đứa trẻ này quá đi thôi”, một khán giả viết.
Loạt phim được phát vào thời điểm Trung Quốc chứng kiến tỷ lệ sinh liên tục giảm. Năm ngoái, 10 triệu trẻ em được sinh ra ở Trung Quốc. Con số này ít hơn nhiều so với 14,65 triệu ca sinh vào năm 2019 và 16,04 triệu của 10 năm trước.
Trung Quốc đã từ bỏ chính sách một con vào năm 2016 và cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con. Nhưng sự thay đổi này đã không mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh con.
Hashtag mang cụm chữ "thanh niên không dám sinh con" đã nhận được hàng ngàn lượt bình luận trên mạng xã hội Weibo, qua đó người dùng mạng cho rằng họ không thể sinh con do giá nhà quá cao, áp lực công việc và chi phí nuôi con.
Chính vì vậy, một số người cho rằng loạt phim Tiến thoái lưỡng nan càng làm cho các cặp đôi trẻ sợ có con. “Tôi nghĩ là đài truyền hình không nên phát loạt phim này,” một người bình luận.
Theo phunuonline