Với đặc điểm địa hình, vị trí địa lý đặc thù, Nhật Bản là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai. Trung bình mỗi năm, đất nước Đông Á này phải hứng chịu hơn 7.000 trận động đất. Chính vì vậy kỹ năng chống chọi thảm họa thiên nhiên rất được đề cao trong nền giáo dục Nhật Bản. Trẻ em, một trong những đối tượng dễ chịu tổn thương nhất, được dạy cách ứng phó với thiên tai từ ngay cấp mẫu giáo, tiểu học. Ảnh: Japan Today.

 

Học sinh lớp 1 bắt đầu với các bài dạy cách phòng chống hiểm họa ở gia đình, trường học: các thiết bị nguy hiểm (đèn, thiết bị điện, mảnh thủy tinh, đinh, lửa, tro than...), cửa thoát hiểm, quy định an toàn. Lên lớp 2, trẻ tiếp tục được huấn luyện cứu hỏa: cách thoát khỏi một đám cháy, xử lý khi áo quần bắt lửa... Ở lớp 4, học sinh Nhật Bản học cách ứng phó với các thiên tai phổ biến như động đất, lũ lụt, bão... Ảnh: UNICEF.

 

Các chương trình giáo dục cách ứng phó thiên tai kéo dài đến hết trung học phổ thông. Các bài học kết hợp lý thuyết và cả quan sát, thực hành. Ngoài việc dạy kỹ năng, kiến thức, các giáo viên còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho trẻ tâm thế bình tĩnh và luôn sẵn sàng đối mặt với mọi thiên tai. Ảnh: Telegraph.

 

Trẻ em được dạy phải kiểm tra cửa thoát hiểm, khu vực hoặc trung tâm sơ tán gần nhất ở bất cứ nơi nào mình đến vì thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các khu vực sơ tán phổ biến nhất là các địa điểm rộng rãi, chẳng hạn như công viên và trường học. Ảnh: Tokyo Weekender.

 

Tham gia các lớp đào tạo kỹ năng ứng phó với bão, hỏa hoạn, sóng thần, động đất là một phần không thể thiếu trong chương trình giáo dục từ mẫu giáo cho đến đại học tại Nhật Bản. Không khóc lóc, tuân thủ trật tự và phối hợp cùng nhau là những điều mà người hướng dẫn nhắc đi nhắc lại với các học viên trong những buổi học này. Ảnh: Tokyo Weekender.

 

Tại Nhật, trẻ em, thanh thiếu niên đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc chuẩn bị của cộng đồng trước thảm họa thiên nhiên. Mặc dù cứu trợ là phần việc của lực lượng chuyên nghiệp, trẻ em nước này cũng được giáo dục để thành "người hùng" tự cứu lấy mình và giúp đỡ người xung quanh. Ảnh: kaeru-caravan.

 

Các bậc phụ huynh Nhật Bản thường trang bị cho con ba lô Bousai chứa các dụng cụ, thiết bị giúp sinh tồn trong thiên tai, thảm họa. Bousai được bán phổ biến trên các trang web mua sắm với giá 20.000 yen (190 USD), có thể đựng bộ sơ cứu, khẩu trang, đèn pin, nước uống đủ cho 3 ngày... Ảnh: Tokyo Weekender.

 

Toshiro Sato (56 tuổi), một cựu giáo viên trung học cơ sở nổi tiếng với các bài dạy trực tuyến về kỹ năng sinh tồn cho trẻ em, cho biết: "Chúng ta không thể tránh được thiên tai nhưng hoàn toàn có thể ứng phó. Chúng ta có trách nhiệm phải dạy cho trẻ em biết về thảm họa bởi sóng thần hay động đất không đáng sợ, điều đáng sợ nhất là chúng ta khinh suất và nghĩ rằng mình đang ở nơi an toàn". Ảnh: Reuters.

Theo  Zing