Tiến sĩ ngôn ngữ Nguyên-Kan chia sẻ về cách người Pháp dạy trẻ phép lịch sự.
Tôi sống hơn 10 năm ở Pháp. Những tháng ngày học tập, trải nghiệm nuôi con ở nơi đây đã cho tôi nhiều quan sát, bài học quý giá. Một trong những điều đặc biệt mà tôi học được là người Pháp rất lịch thiệp, hòa nhã, không chỉ người lớn mà trẻ con cũng vậy.
Ảnh: Shutterstock
Nếu gặp những đứa bé như vậy ở Việt Nam, chúng ta thường nhận xét là trẻ ngoan ngoãn, nhưng tôi không thích dùng tính từ này. Với tôi, đó là những cô bé cậu bé lịch sự, sớm được dạy dỗ và thực hành lối sống lịch thiệp từ khi còn bé.
Coi trọng lời chào
Việt Nam ta thường có câu Lời chào cao hơn mâm cỗ, ý chỉ sự quan trọng của lời chào khi gặp mặt. Người Pháp cũng vậy, thường chủ động chào trẻ con khi gặp mặt. Họ không bắt trẻ chào trước, cũng không làm trẻ sợ bằng câu hỏi mang tính ép buộc như ở bên ta: "Đã chào ông/bà/bác... hay chưa?".
Việc chào hỏi diễn ra rất thuận tự nhiên và không hề gượng ép. Vì thế, trẻ em Pháp không chỉ nhanh nhảu chào hỏi những người quen biết mà chào cả bác lái xe mỗi khi bước lên xe buýt, chào cô bán hàng khi bước vào cửa hàng. Thậm chí, kể cả khi vô tình chạm mắt người lạ, các cháu cũng chào, mỉm cười rất lịch thiệp.
Cảm ơn và xin lỗi
Ngay từ khi tập nói, ngoài những từ đơn giản như papa (ba), maman (mẹ), doudou (gấu bông), lolo (sữa), bobo (đau), trẻ em Pháp được cha mẹ dạy nói cảm ơn và xin lỗi. Bài học này được cô giáo dạy trẻ ngay từ buổi đầu học mẫu giáo.
Các cháu luôn miệng xin lỗi khi được người khác giúp đỡ, hoặc cho tặng quà (cho dù đó là người thân nhất như ông bà hay cha mẹ) và xin lỗi khi làm sai, hoặc đơn giản chỉ là lỡ quệt tay, dẫm chân vào người khác. Mỗi khi các cháu quên chưa kịp nói, bố mẹ hoặc người thân thường nhắc "chúng ta nói gì nhỉ?".
Biết chờ đợi
Tất nhiên trẻ con sẽ khó tránh khỏi những lúc tranh giành đồ chơi với nhau, tuy nhiên phần lớn trẻ em Pháp biết kiên nhẫn chờ đợi tới lượt của mình. Ví dụ khi ở sân chơi, muốn chơi bập bênh, trẻ sẽ biết xếp hàng chờ tới lượt mình, chứ không tranh giành lẫn nhau.
Ở lớp mẫu giáo cũng vậy, khi cùng thích chơi một món đồ, hai đứa trẻ sẽ thường tự thỏa thuận với nhau kiểu "bạn chơi xong đến lượt tớ nhé" thay vì "chiến đấu" để có món đồ mình thích.
Trẻ em được bố mẹ dạy chờ đợi khi lên xuống xe buýt, khi ra vào thang máy. Ai rồi cũng sẽ đến lượt, không cần chen lấn xô đẩy làm gì.
Có lẽ thói quen chờ đợi này trẻ học tập được từ môi trường xung quanh, khi đi cùng bố mẹ. Ở bất kỳ nơi đâu, dù là quán cà phê, hiệu sách, bến tàu hay siêu thị, trẻ sẽ luôn nhìn thấy những hàng dài đang đứng chờ đợi để tới lượt.
Thói quen giữ cửa
Không chỉ người lớn mà trẻ em Pháp cũng có thói quen giữ cửa cho người đi sau. Việc này thể hiện sự quan tâm đối với những người đang đi phía sau mình, giúp họ tránh được việc bị cửa đập vào mặt, hoặc dễ dàng bước qua cửa khi tay đang vướng víu mang nhiều đồ vật hoặc đẩy xe.
Kỹ năng này tưởng rằng rất đơn giản, nhưng lại rất quan trọng mà trẻ em nên được dạy, nhất là trong thời đại có nhiều nhà cao tầng và cửa kính như hiện nay.
Không làm ồn nơi công cộng
Các bố mẹ Pháp thường đưa con đi cùng tới nhà hàng, phòng khám hay siêu thị. Ở những khu vực công cộng như thế, trẻ hầu hết biết cách cư xử, ít khi có cảnh lăn khóc ăn vạ hay chạy nhảy lung tung gây ồn ào mất trật tự.
Tất nhiên, để làm được điều này, chính quyền và bố mẹ Pháp cũng có những bí quyết nhất định. Phòng khám hay các cơ quan chính quyền thường có một khu vực riêng cho trẻ em. Tại chỗ này, các cháu có bàn, ghế vừa độ tuổi. Trên bàn thường có sách, bút màu, giấy vẽ và một số đồ chơi, như vậy các cháu không quá buồn chán mà làm ồn hay nghịch phá xung quanh.
Nhà hàng luôn có ghế dành cho trẻ em. Một khi đã vào đây ngồi thì các bé sẽ không còn có thể chạy nhảy lung tung được nữa. Tất nhiên, nếu ngồi lâu mà không có việc gì làm, trẻ sẽ buồn và la hét, vì thế nhiều nhà hàng hoặc bố mẹ thường chuẩn bị sẵn những "bảo bối". Đó đơn giản chỉ là món đồ chơi nhỏ hoặc một hộp bút chì màu và tờ giấy vẽ.
Khi đi siêu thị, cách đơn giản nhất để giữ các con không chạy nhảy lung tung là biến con thành "người đi chợ", hỏi xem con muốn mua gì cho bữa tối hôm nay, hoặc bữa sáng ngày mai, hoặc nhờ con giúp bố mẹ chọn đồ. Các bé sẽ tự thấy mình quan trọng hẳn lên!
Trong bữa ăn
Trẻ em Pháp mỗi khi ăn, bất kể là bữa chính hay phụ, đều được bố mẹ yêu cầu ngồi vào bàn. Ít khi có chuyện các cháu cầm một bình sữa, một miếng bánh đi lang thang khắp nhà để ăn.
Trong bữa ăn, các bé phải ăn hết phần trong đĩa của mình, không được để thừa khi chưa được bố mẹ đồng ý. Đối với phần đồ ăn cuối cùng còn lại trên đĩa, trẻ cũng phải hỏi xem còn ai muốn ăn không, lúc đó mới lấy vào đĩa của mình.
Theo
vnexpress