Cuốn "Mẹ tập thói quen hay, con trưởng thành hạnh phúc"
Trong cuốn sách
Mẹ tập thói quen hay, con trưởng thành hạnh phúc, tiến sĩ Sigeta Saito đã dành nhiều thời gian để nói về việc các bậc cha mẹ theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo sẽ tạo áp lực cho cha mẹ và con cái ra sao. Từ đó, ông đề ra phương pháp “chủ nghĩa không hoàn hảo”, nhằm giúp cho mẹ giảm áp lực và con cái có thể trưởng thành hạnh phúc, tự chủ.
Việc hàng ngày có những người cha, người mẹ lao tâm khổ tứ để diễn một cách tốt nhất vai “người bố/người mẹ hoàn hảo”. Mệnh đề “Mình phải là một người bố/người mẹ hoàn hảo” mang tính tuyệt đối, nên họ cố gắng gò ép chính mình. Nhưng càng như vậy khi đã bùng phát cơn thịnh nộ rồi thì không dừng lại được. Họ bị cuốn hút vào chính lời nói của mình, mỗi lúc một hăng.
Sự hoàn hảo dường như chỉ khiến cha mẹ tạo thêm áp lực cho bản thân, cho con cái, khiến mục đích chưa thành thì đã gây nên những tổn thương không đáng có cho con cái.
Hay những người theo chủ nghĩa hoàn hảo sẽ khiến mọi thứ trở nên quá nghiêm túc. Trong một số trường hợp, họ có kiểu trách mắng con như hỏi cung. Ví dụ: “Con đánh vỡ cái đĩa rồi chứ gì? Sao lại làm vỡ hả?”, “Con có biết là không được chạy chơi trong bếp rồi mà, hả? Thế là thế nào?”... Cứ như vậy, họ tuôn ra một tràng câu hỏi.
Làm như vậy thì không phải dạy con, chỉ là dồn tinh thần con đến bước đường cùng. Con không có thời gian tỉnh ngộ, cũng không kịp có khoảng lặng để nghĩ đến nói “con xin lỗi”.
Cũng có những trường hợp, người mẹ tìm cách kìm chế mọi cảm xúc của mình vì con cái. Khi tâm trạng không tốt, trước mặt con, những người mẹ lại nỗ lực che giấu tâm trạng. Nhưng dù có thể hiện bên ngoài tốt đến đâu chăng nữa, trong mắt nhìn của con cái, chúng vẫn nhận ra nụ cười gượng gạo. Trẻ sẽ nghĩ “Hay là mẹ lại chuẩn bị nổi cáu bây giờ?”, hoặc “Mẹ ghét mình hay sao ấy”.
Người mẹ càng cố gắng giấu sự nôn nóng, bực bội của mình thì tâm trạng càng bộc lộ xấu hơn, ảnh hưởng xấu đến con. Vậy nên, thay vì cố gắng che giấu bản thân, người mẹ nên nhìn mọi chuyện theo hướng “không hoàn hảo” và tìm cách giải tỏa sự căng thẳng của bản thân.
Những người mẹ theo chủ nghĩa hoàn hảo, thường là những người mẹ có học vấn cao, họ mưu cầu việc con cái luôn tiến về phía trước, thật xa. Nhưng trong phân tích của mình, tác giả cho rằng, việc chỉ luôn để ý tới thành tích, chưa chắc đã khiến mầm tự tin có thể mọc lên khỏe mạnh, hoặc khiến trẻ mất cân bằng chung về sức khỏe.
Mong con mình hoàn hảo, vì thế, cha mẹ áp đặt lên con những ước mơ, lý tưởng của bản thân mình. Cũng đồng thời tạo nên những áp lực mệt mỏi, khó chịu đối với cha mẹ. Tác giả đã đặt ra một giả thiết về việc sống theo “chủ nghĩa 80%”. Tinh thần không quá câu nệ vào con số 100%, chỉ cần thỏa mãn ở mức độ nhất định thôi là được.
Mong con hoàn hảo sẽ tạo ra những áp lực cho cả cha mẹ và con cái
Chủ nghĩa 80% sẽ mở ra những khoảng trống để giảm bớt áp lực cho con cái và cha mẹ trong gia đình. Con người cần biết điểm dừng để thỏa mãn, sẽ tự nhiên tìm thấy hạnh phúc, không cần nỗ lực đạt đến tròn vẹn.
Con cái cũng có quyền con người, có cách làm riêng, cho nên không phải cứ là bố, là mẹ mà lờ đi những điều đó được. Những điểm cần tôn trọng con, bố mẹ phải tôn trọng, những đều cần nhắc nhở, bố mẹ hãy nhắc nhở. “Biết điều” tức là “biết đến đâu là vừa đủ”, là hạt nhân hình thành nên chủ nghĩa 80%.
Chủ nghĩa 80% rất có tác dụng đối với việc ổn định tinh thần, tạo sự thoải mái trong tâm hồn.
Đó là một trong những điều quan trọng tiến sĩ Shigate Saito, một “danh y về tâm hồn” của Nhật Bản, đã nghiên cứu, giải đáp, chia sẻ đến nhiều bậc cha mẹ, giúp họ xoa dịu những sốt ruột và bất an trong quá trình nuôi dưỡng con cái.
Tiến sĩ Shigate Saito tốt nghiệp Đại học Keio chuyên ngành tâm thần. Ông là giám đốc của Hiệp hội các bệnh viện tâm thần Nhật Bản. Ông mất năm 2006 tại Tokyo.
Theo phunuvietnam