Thực tế, đôi khi việc trẻ ngại giao tiếp, thường xuyên ở trong phòng một mình không hẳn là bệnh tâm lý mà chỉ do xu hướng tính cách của trẻ. Dẫu vậy việc trẻ em “giam mình” trong phòng cả ngày hoàn toàn không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của con. Dưới đây là một số lý do phổ biến khiến trẻ thường nhốt mình trong phòng suốt thời gian dài:
Trẻ có tính cách ít nói, nhút nhát hay hướng nội
Tính cách nhút nhát hay hướng nội là nguyên nhân khiến nhiều trẻ ngại giao tiếp, gặp gỡ mọi người kể cả những người thân trong gia đình. Con hiếm khi ngồi tụ họp đông đủ với mọi người mà chỉ nhanh chóng ăn xong và trốn vào phòng. Kể cả khi cha mẹ có cố gắng chia sẻ trò chuyện con cũng thường cố gắng lảng tránh và e dè. Tuy nhiên khi trẻ có hứng thú với một điều gì đó con có thể trở nên tích cực hơn, thậm chí là chủ động trò chuyện với mọi người.
Ảnh minh họa
Tính cách trẻ ở tuổi dậy thì
Nếu trẻ ngại giao tiếp khi đang ở trong độ tuổi từ 12, 13 tuổi trở lên thì nhiều khả năng con đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì. Lúc này con bắt đầu có những thay đổi lớn về cơ thể, suy nghĩ, có phần “người lớn” hơn nên dễ trở nên ngại ngùng với mọi người hơn. Trẻ có thể bị khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì do sự thay đổi nhanh chóng của các hormone sinh dục dẫn đến tâm lý con cũng có những chuyển biến lớn. Trẻ có thể không muốn tiếp xúc với ai khi ở nhà nhưng khi đến lớp con có thể trở nên vui vẻ nổi loạn hơn.
Khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì chưa hẳn là bệnh tâm lý tuy nhiên nếu phụ huynh không có hướng giúp đỡ con đúng cách, giải tỏa những thắc mắc băn khoăn của con thì nguy cơ này cũng rất cao.
Trẻ sợ giao tiếp xã hội
Hội chứng sợ giao tiếp xã hội là một dạng nằm trong nhóm bệnh rối loạn lo âu được mô tả bởi tình trạng người bệnh luôn cảm thấy lo sợ, hoảng loạn, sợ hãi quá mức khi phải đối mặt với các tình huống tương tác xã hội thông thường.
Vì vậy, người bệnh thường có xu hướng tự cô lập bản thân, né tránh các tình huống cần sự giao tiếp giữa người với người hay thể hiện bản thân trước đám đông.
Theo dữ liệu của Học viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (NIHM), tỷ lệ người mắc chứng sợ hãi xã hội lên tới 13,3%, tức là đang ở mức khá cao. Hội chứng này rất phổ biến ở lứa tuổi vị thành niên từ 12 đến trước 25 tuổi,với tỷ lệ mắc dao động từ 9,1- 44%.
Chứng sợ giao tiếp xã hội không phải một loại bệnh tâm thần, nhưng nó lại có thể là một phần nguyên nhân hình thành những bệnh lý về tâm lý khác như trầm cảm, tự kỷ, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần,...
Khi trẻ nghiện game
Theo thống kê, có tới 12% bé trai và 7% bé gái nghiện game trên toàn thế giới. Các nghiên cứu khác cho thấy con số này cao hơn đáng kể. Dựa trên khảo sát của Common Sense Media về việc sử dụng phương tiện truyền thông, thanh thiếu niên dành gần 9 giờ mỗi ngày cho phương tiện giải trí. Vì trẻ hiếm khi đặt ra giới hạn cho riêng mình khi xem TV hoặc chơi game nên cha mẹ cần phải can thiệp.
Quá đam mê trò chơi điện tử có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của trẻ, chẳng hạn như tình bạn và kết quả học tập. Đáng nói, trẻ em chơi trò chơi bạo lực có thể trở nên hung hăng hơn.
Ảnh minh họa
Trẻ bị rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu ở trẻ em có thể xuất hiện do những nguyên nhân di truyền, ảnh hưởng từ cách cư xử của cha mẹ, bị bạn bè bắt nạt hoặc ám ảnh bởi các sự kiện kinh hoàng.
Trẻ cũng gặp những nỗi lo lắng vô hình, sợ hãi khi gặp những người lạ nên có xu hướng trốn tránh và không muốn gặp ai. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn ở những trẻ bị rối loạn ám ảnh sợ xã hội hay stress sau chấn thương.
Trẻ bị trầm cảm
Trầm cảm cũng là một trong những vấn đề tâm lý có rất nhiều trẻ em mắc phải hiện nay. Một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm là không thể ra khỏi giường vào buổi sáng. Cha mẹ phải cố gắng phát hiện các triệu chứng trầm cảm ở con và nắm bắt nguyên nhân cơ bản.
Con có thể bị trầm cảm bởi cha mẹ luôn gây áp lực cho con quá nhiều, không công nhận con, do bị bạn bè trêu chọc hay bắt nạt…
Bệnh cạnh các vấn đề trên, trẻ ngại giao tiếp, không muốn tiếp xúc với ai cũng có thể liên quan đến các tác nhân tâm lý khác như rối loạn cảm xúc, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn khí sắc, rối loạn hành vi, rối loạn liên quan đến căng thẳng,...
Ảnh minh họa
Làm gì nếu con luôn ở trong phòng, không giao tiếp với ai?
Để có thể giúp con trước tiên phụ huynh cần phải tìm hiểu nguyên nhân khiến con nhốt mình trong phòng. Nếu chỉ đơn giản là xu hướng tích cách của con thì phụ huynh cần tích cực động viên con tự tin và trải nghiệm thế giới nhiều hơn, nếu là do con nghiện internet thì cần tìm cách “cai nghiện”. Tuy nhiên, nếu do bệnh tâm lý thì cần phải đến bệnh viện tâm thần hoặc các trung tâm tâm lý trị liệu mới có thể giúp con điều trị khỏi.
Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần dành thời gian trò chuyện và lắng nghe con hàng ngày. Chỉ khi cha mẹ có thể kết nối được với con thì mới có thể dắt con ra khỏi cánh cửa phòng để trở về thế giới hồn nhiên đúng tuổi của mình.
Theo giadinhonline.vn