leftcenterrightdel
 Thạc sĩ Trần Công Bình trong một dự án khảo sát liên quan đến trẻ em
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mức độ trẻ em Việt Nam góp tiếng nói trong xã hội?

Thạc sĩ Trần Công Bình: Việc trẻ em nêu ý kiến, những năm gần đây, nhìn chung tương đối tốt hơn. Nhiều loại hình hoạt động được tổ chức để các em có thể cất tiếng nói, nhưng dường như chỉ mới dừng lại ở việc tập hợp cho các em thảo luận, phát biểu, còn việc xử lý các ý kiến, đáp ứng nguyện vọng, đề xuất của các em thì chưa nhiều kết quả khả quan.

Điều 13, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em nêu rõ: “Trẻ em có quyền tự do bày tỏ ý kiến; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tất cả các loại thông tin và tư tưởng ở mọi lĩnh vực, bằng lời nói, văn bản viết tay hoặc bản in, hay dưới hình thức nghệ thuật hoặc bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác mà trẻ em lựa chọn”.

ở Việt Nam, Luật Trẻ em 2016 và nhiều quyết định, đề án, thông tư… được ban hành, đảm bảo rằng ở tất cả các môi trường, tiếng nói của trẻ em đều được lắng nghe. Tuy nhiên, trên thực tế, chịu ảnh hưởng về văn hóa, truyền thống… quyền biểu đạt ý kiến của trẻ vẫn còn nhiều khoảng trống.

* Trong diễn đàn nhà mình, có phải vẫn còn phụ huynh tuyên truyền một chiều và độc chiếm… “micro”?

- ở phạm vi nhỏ nhất là gia đình cũng có nhiều vướng mắc, bởi không gian cho các em biểu đạt chưa được thuận lợi và ba mẹ chưa sẵn sàng lắng nghe. Một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy, việc lắng nghe trẻ em trong gia đình ngày càng có nhiều khó khăn. Nguyên nhân là vì ba mẹ ngày càng bận rộn với công việc, không có thời gian chơi với con, rồi thiếu kỹ năng, kiến thức để quan tâm, lắng nghe và giải thích cho con một cách đầy đủ nên thường dùng sức mạnh, quyền lực lấn át trẻ. Điểm mấu chốt là ba mẹ vẫn giữ quan điểm xưa: “áo mặc sao qua khỏi đầu”, “Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Một số ba mẹ lắng nghe ý kiến con đối với những việc đơn giản, nhỏ nhặt hằng ngày, nhưng lại tự quyết những việc lớn, hệ trọng của gia đình, của chính con.

* Vì sao chúng ta không thể bảo vệ và đồng hành với trẻ, nếu kỹ năng nghe bị “điểm liệt”, thưa thạc sĩ?

- Nghe lời nói, đọc cảm xúc, quan sát hành động phi ngôn từ của trẻ, người lớn mới có thể thấu hiểu những vấn đề trẻ gặp phải để kịp thời giúp đỡ, động viên, uốn nắn. Bao vụ việc đáng tiếc đã xảy ra như bạo lực học đường, xâm hại tình dục, trẻ tự sát hay xuống cấp về thể chất, tinh thần… chỉ vì những tiếng nói ban đầu của trẻ không được người lớn nghe, tin và hỗ trợ kịp lúc.

Một cậu bé có sức học tốt, ba mẹ kỳ vọng cậu thi vào ngành y. Lên cấp II, cậu đã nhiều lần trình bày nguyện vọng vào ngành khác, nhưng ba mẹ gạt đi. Khi cậu thi trượt đại học ngành y, ba mẹ đã ruồng rẫy, mắng nhiếc khiến cậu buồn, nản và nghĩ quẩn. May mà cậu đã được người bên ngoài hỗ trợ, tìm được phương hướng mới, có thể khẳng định mình và dần thuyết phục được ba mẹ.

Rõ ràng con đã chủ động bày tỏ, ba mẹ đã nghe nhưng chưa thực sự lắng nghe, thấu hiểu và cân bằng được nguyện vọng của con với kỳ vọng của mình. Khi quyết định, áp đặt mà không mang về được thành công, ba mẹ đã không dũng cảm nhìn nhận trách nhiệm và nhận lỗi. Điều đó khiến con cảm nhận: có nói ra cũng vô ích; có giãi bày cũng chẳng ai để tâm; niềm tin rằng “ba mẹ là điểm tựa” ở con mờ nhạt đi. Đó cũng là lúc phụ huynh chệch mất một bước chân trên lộ trình đồng hành và bảo vệ con.

* Công nghệ phát triển với đa phương tiện chuyển tải, những khoảng trống không lời ở trẻ là do đâu, thưa thạc sĩ?

-Ngày nay thực sự có nhiều kênh để trẻ chia sẻ, nhưng quan trọng là trẻ có kết nối được với những người quan tâm và có thể giúp đỡ được trẻ không hay trẻ gửi tâm tư của mình trên không gian mạng một cách bâng quơ và vô vọng chỉ để vơi bớt cảm xúc? Ngoài ra, nhiều ba mẹ vô tình hay hữu ý cho con trẻ tiếp cận sớm hoặc quá mức với các thiết bị công nghệ dễ dẫn đến các hệ quả tiêu cực.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok


* Vẫn biết luật công nhận quyền tự do bày tỏ ý kiến của trẻ, nhưng nhiều phụ huynh vẫn đánh đồng như thế là “bắc thang cho con leo trèo”.

- Người ta lo ngại mình trao nhiều quyền quá, dễ khiến trẻ đòi hỏi, yêu sách, sẽ càng khó vâng lời, dạy bảo. Nếu có, đó chỉ là do người lớn hướng dẫn trẻ không đầy đủ, rao giảng một cách máy móc về quyền mà không giải thích một cách rõ ràng. Lời nói của các con cần được người lớn chọn lọc, cân nhắc, gợi ý hay định hướng, tùy thuộc vào mức độ phát triển của mỗi trẻ.

Trẻ cần được hướng dẫn để nhận định, đưa ra quyết định phù hợp với pháp luật, đạo đức, vừa hữu ích cho bản thân, gia đình mà không ảnh hưởng đến những người khác, môi trường. Người lớn cần cho trẻ hiểu rằng, trẻ phải chịu trách nhiệm về quyết định, chọn lựa của mình. Trẻ được khuyến khích thể hiện suy nghĩ với thái độ lễ phép, chan hòa và tôn trọng quan điểm của người khác.

Góc nhìn trẻ thơ, khi được phát huy thành những lời nói, sáng kiến, sẽ mang lại lợi ích tích cực bất ngờ ở trường lớp, trong gia đình. Nếu dành thời gian nghe trẻ, người lớn chắc chắn được tiếp thêm động lực, cảm thấy ấm lòng vì đâu đó sẽ có thông điệp yêu thương trong lời ngây ngô con nói, trong tấm thiệp đơn sơ con vẽ tặng…

* Chúng ta cần làm gì để trẻ dám nói và mạnh dạn kiến tạo cuộc sống, thưa ông?

- Đó là một quá trình đòi hỏi sự thay đổi rất nhiều từ phía người lớn: tập thói quen gợi mở cho trẻ nói, thường xuyên tham khảo ý kiến trẻ, lắng nghe cẩn thận và có thành ý, không phán xét hay cười cợt “đúng là… con nít”.

Về phương diện xã hội, cần bố trí nhân viên xã hội, chuyên viên tâm lý chuyên trách ở phường xã và trong trường học, để kịp thời giải tỏa những ách tắc giao tiếp, “bất đồng ngôn ngữ” giữa các thế hệ trong gia đình và nhà trường, bảo vệ quyền được phát biểu chính kiến của trẻ. Các dịch vụ chăm sóc tinh thần, các diễn đàn, sân chơi phát triển kỹ năng của trẻ cần được mở rộng, thực chất và chi phí hợp lý để mọi trẻ đều tiếp cận được, đồng thời có cơ chế phối hợp, kết nối chặt chẽ, hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông.

Theo phụ nữ TPHCM