Rappi, ứng dụng giao thức ăn nhanh nổi tiếng ở châu Mỹ Latin, từng bị phạt vì sử dụng lao động không đăng kí, đưa ra báo cáo mập mờ về quy mô kinh doanh và chế độ lương thưởng cho nhân công - Ảnh: TheRioTimes
Tại Brazil, một đứa trẻ chỉ cần sở hữu chiếc xe đạp cùng điện thoại thông minh để ứng tuyển vào vị trí nhân viên giao thức ăn cho một dịch vụ trực tuyến hút khách. Mặt khác, thế giới mạng xã hội đề xuất đủ loại “mánh khóe” hỗ trợ những công dân dưới 18 tuổi lách luật, đánh lừa quy trình nhận dạng người dùng của ứng dụng giao hàng.
Dịch COVID-19 bùng phát ở quốc gia Nam Mỹ đồng nghĩa với việc trường học bị đóng cửa, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, khiến ngày càng nhiều trẻ vị thành niên phải tìm thêm thu nhập giúp gia đình. Làm việc trái phép trong thị trường thương mại điện tử, trở thành giải pháp hiệu quả tạm thời. Thế nhưng, đằng sau đó tiềm ẩn vô số vấn đề nhiễu nhương, từ nạn bóc lột sức lao động đến sự thờ ơ của đơn vị kinh doanh.
Một công việc nguy hiểm
Ana Maria Villa Real, công tố viên hàng đầu Brazil chuyên trách nạn lao động trẻ em, cho biết thực trạng này “đang rất trầm trọng”. Bà nhấn mạnh, giới chức trong nước “đã lên kế hoạch điều tra chuyên sâu, làm rõ vụ việc trẻ vị thành niên giao hàng kiếm sống thông qua ứng dụng trực tuyến”.
Trong vài trường hợp, trẻ vị thành niên ở Brazil được phép tham gia lao động, nhưng vẫn bị cấm làm một số công việc được xếp loại “nguy hiểm”. Giao hàng hóa, thức ăn nhanh bằng xe đạp bị xem là việc làm nguy hiểm, có nguy cơ tổn hại sức khỏe.
Reuters phỏng vấn Eduardo, 16 tuổi, làm nhân viên giao hàng cho iFood và Rappi – 2 ứng dụng đặt thức ăn nhanh được người dân Brazil ưa chuộng, bên cạnh UberEats.
Eduardo hành nghề từ tháng 7/2020, sau khi ngôi trường em theo học tạm đóng cửa vì dịch bệnh. Em sử dụng giấy tờ, thông tin cá nhân của người thân đã đủ tuổi lao động trong gia đình để đăng kí làm việc.
Eduardo chia sẻ, nếu gặp may, một ngày giao hàng có thể mang lại cho em khoảng 50 reais (hơn 200.000 đồng). Tuy nhiên, tháng 9 năm ngoái, sau khi gặp tai nạn xe, Eduardo bắt đầu lo sợ về công việc này.
“Em hy vọng có thể sớm nghỉ làm để đi học lại. Công việc giao hàng không dành cho tất cả mọi người”. Eduardo nói.
Một nhân viên giao thức ăn nhanh nghỉ chân giữa ca làm ở São Paolo - Ảnh: Reuters
“Báo động đỏ” về tình trạng lạm dụng
Hiện có khoảng 2,4 triệu lao động trẻ em – hợp pháp lẫn bất hợp pháp – tại Brazil, theo thống kê công bố bởi chính phủ nước này vào năm 2016.
Năm ngoái, đường dây nóng quốc gia ghi nhận hơn 4.200 cuộc gọi liên quan đến hành vi bạo hành, lạm dụng trẻ em trong lao động, tăng 10% kể từ năm 2018. Dẫu vậy, một số chuyên gia ngành luật nhận định, dữ liệu về lao động trẻ em trong môi trường kinh doanh thời vụ (tiêu biểu như ngành thương mại điện tử) ở Brazil đến nay vẫn rất ít ỏi.
“Những đứa trẻ gần như bị bỏ mặc”, nhà nghiên cứu xã hội học Lucas Bravo, cho biết. Nhóm của Bravo từng triển khai một dự án quy mô, nghiên cứu đời sống nhân công thời vụ làm việc cho nhiều ứng dụng giao thức ăn quanh São Paulo. “Một số giờ ‘cao điểm’ trong ngày, bọn trẻ bận rộn giao hàng kiếm sống. Nhưng sau đó, chúng bị bỏ mặc để lang thang khắp nơi”.
Ở São Paulo, đô thị đông dân nhất Brazil, không ít nhân viên giao hàng sống tại khu ổ chuột ngoại thành phải đạp xe gần 50 km để đến được nội ô, “điểm nóng” của dịch vụ giao thức ăn trực tuyến. Một số người, bao gồm trẻ vị thành niên, chọn cách ngủ qua đêm ở công viên sau giờ làm để tránh phải đạp xe về nhà và trở lại hằng ngày.
Giữa năm 2020, đông đảo nhân viên thời vụ làm việc cho ứng dụng giao hàng trực tuyến tại Brazil đã biểu tình đòi quyền lợi - Ảnh: Reuters
Tháng 7/2020, hơn 1.000 nhân viên thời vụ tại São Paulo đã tham gia biểu tình, yêu cầu những công ty đứng sau ứng dụng trực tuyến cải thiện điều khoản lương thưởng và chính sách chăm sóc sức khỏe cho họ. Người tham gia tiết lộ, họ thường bị khóa tài khoản, buộc ngưng làm việc nếu từ chối làm thêm giờ.
Tranh cãi nối tiếp
Ba “ông lớn” trong thị trường kinh doanh thức ăn trực tuyến ở Brazil gồm iFood, Rappi và UberEats đều đưa ra chủ trương “chống đối gian lận tuổi tác”. Nhân viên giao hàng thường xuyên được yêu cầu chụp ảnh chân dung xác nhận giữa ca làm. Kèm theo đó là việc áp dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt nhằm chứng thực người đang làm việc.
Thế nhưng, theo nhiều nhân công thời vụ, loạt “hàng rào” bảo vệ kể trên có thể dễ dàng bị phá. Trẻ vị thành niên sẽ nhờ chủ tài khoản đăng kí chụp thay ảnh chân dung khi cần xác nhận nhân dạng. Kể cả nếu bị phát hiện gian lận, một đứa trẻ chỉ cần tạo mới tài khoản bằng thông tin cá nhân “vay mượn” từ người khác.
Nữ công tố viên Villa Real nhấn mạnh, tòa án địa phương sẽ “không ‘nương tay’ nếu một công ty điều hành dịch vụ giao hàng có biểu hiện bóc lột lao động vị thành niên”.
Tuy nhiên, giáo sư ngành luật Olivia Pasqualeto, công tác tại đại học Fundação Getulio Vargas (Rio de Janeiro), nhìn nhận: “vấn đề thật sự vẫn nằm trong một vùng xám mờ mịt”.
“Trẻ vị thành niên, hay cả những nhân công đủ tuổi lao động, không có mối liên kết trực tiếp, gắn bó với ứng dụng giao hàng trả tiền để thuê họ”.
Nhận định trên đồng thời phản ánh mối quan ngại mang tính toàn cầu, về hệ lụy đằng sau sự bành trướng của ngành thương mại dịch vụ trực tuyến. Nhiều công ty, dựa vào tính chất hợp đồng “nhanh gọn” và “ngắn hạn” ký kết với nhân viên thời vụ, đang kiểm soát chặt chẽ người lao động, trong khi gần như không đáp ứng cho họ quyền lợi pháp lý nào.
Cuối tháng 7/2020, biểu tình đòi quyền lợi của nhân viên giao hàng cho những ứng dụng nổi tiếng như iFood, UberEats, tiếp tục diễn ra tại São Paolo, Brazil - Ảnh: Reuters
Một YouTuber 29 tuổi người Brazil xin giấu tên, từng hành nghề giao thức ăn nhanh, gây tranh cãi gần đây khi đăng tải một video giới thiệu cách giúp trẻ vị thành niên đăng kí làm việc trái phép cho ứng dụng giao hàng trực tuyến.
Anh chia sẻ, “Cháu trai 15 tuổi của tôi sống trong một khu ổ chuột nguy hiểm của Rio de Janeiro. Giao thức ăn tạo cơ hội kiếm tiền lý tưởng hơn nhiều so với việc phải quanh quẩn tại đấy”.
Nhóm công tố viên ở Brazil tiếp tục tiến hành điều tra, đánh giá điều kiện làm việc nơi những công ty quản lý ứng dụng giao hàng trực tuyến. Thế nhưng, hiện có rất ít đơn vị cho thấy nỗ lực thu thập dữ liệu về tình trạng lạm dụng lao động trẻ em.
Ludmila Abilio, nhà nghiên cứu chuyên ngành kinh tế xã hội tại đại học Campinas (São Paulo), cho biết: “Hơn 10 năm theo dõi vấn đề này, tôi nhận thấy, những ứng dụng giao hàng trên thực tế có nguồn dữ liệu điện tử khổng lồ đủ để hoạch định tiến trình giám sát nhân sự hiệu quả hơn, có thể giúp ngăn chặn tình trạng lạm dụng lao động trẻ em”.
“Nhưng tôi không chắc họ thật sự muốn làm thế. Hiện thời, dường như ưu tiên hàng đầu với họ là những đơn hàng thức ăn được giao đúng giờ”.
Theo phunuonline