Thư cảm ơn của cô giáo gửi cho con gái nhỏ của tôi vào ngày cuối năm - PHAN QUỐC VINH
Đầm ấm dự tiệc “potluck” mẫu giáo
Con gái nhỏ của tôi được gửi vào một trường mẫu giáo với quy mô không lớn lắm của thành phố. Vì vậy, cô hiệu trưởng cũng là cô dạy chính và thỉnh thoảng chúng tôi còn nhờ vả cô đến đón con đi học rồi đưa về giúp khi vợ chồng bận đi công tác.
Khoảng từ đầu tháng 5, cô hiệu trưởng thường tổ chức tiệc “potluck” tại nhà của mình và lên danh sách trước những gì cần thiết cần cho buổi gặp mặt giữa các gia đình trong lớp mình dạy (thực tế thì cô cũng đã chuẩn bị mọi thứ khá đầy đủ).
Phụ huynh sẽ dựa vào đó để đăng ký mang theo: người mang nước, người mang trái cây và các món ăn tự làm được. Mỗi người mỗi việc cứ thế mà tự chia sẻ với nhau! Dĩ nhiên như gia đình tôi cũng “góp vui” bằng các món ăn thuần Việt để giới thiệu văn hoá, ẩm thực dân tộc cho mọi người. Sau khi kết thúc tiệc, của nhà ai thì nhà ấy sẽ mang về không để lại đồ thừa cho gia chủ.
Như bao ngày đi học khác, ngày cuối cùng năm học vào tuần cuối tháng 5 năm nay con gái nhỏ của tôi không cảm nhận gì sự khác biệt cả dù là gặp nhau lần cuối để chia tay nghỉ hè sau đó vào cấp 1 (ở Mỹ thì lớp Kintergarten – tương đương mẫu giáo lớn được đưa vào chương trình tiểu học).
Bữa tiệc POTLUCK ở nhà cô hiệu trưởng thật là đầm ấm! - PHAN QUỐC VINH
Chỉ duy nhất đó là vào ngày này “không ai bảo ai”, mỗi phụ huynh đến tri ân các giáo viên chăm sóc con cái của họ. Vào lúc này người thì tặng đôi giỏ hoa nhà trồng được, người thì tặng hộp bánh tự nướng còn các bé thì “có gì tặng nấy” mà thường là kẹo mút và tranh vẽ nguệch ngoạc để làm kỷ niệm. Dĩ nhiên, đèn flash sẽ được liên tục nháy nhiều hơn để các cô trò và phụ huynh “selfie”.
Khi được hỏi về ý nghĩa, chị Julie – phụ huynh của một bé trong lớp giải thích rằng: Đây là ngày “Appreciation Day” (Ngày tri ân Thầy cô) thường được tổ chức vào ngày cuối cùng đến lớp trong năm học của các bé.
Buổi lễ tổng kết năm học đơn giản tại trường M.W trong phòng tập thể dục - PHAN QUỐC VINH
Ở Mỹ cũng có ngày “National Teacher Appreciation Day” tượng tự ngày Hiến chương nhà giáo ở Việt Nam hàng năm được tổ chức vào ngày thứ 3 đầu tiên của tháng 5.
Do đã biết trước sơ sơ thông tin nên trước đó một ngày, tôi đã chụp ảnh lưu niệm cho con gái với mỗi bạn trong lớp và các cô rồi in ra kèm với gói kẹo nho nhỏ để bé tặng lưu niệm cho các bạn trong ngày cuối cùng chuẩn bị “trưởng thành...mẫu giáo”. Đây cũng là dịp mà các giáo viên gửi những lời cảm ơn đến các học sinh yêu quý của mình.
Sau khi chia tay, từng gia đình sẽ kéo nhau đi đến nhà hàng để tự tổ chức buổi “tổng kết cuối năm” bằng một bữa tiệc nhỏ để chúc mừng con cái của mình “tốt nghiệp”.
Vỗ tay chia tay cấp 1
Đối với con gái lớn của tôi đang học lớp 5 ở trường R.W Elementary thì tuần cuối của tháng 5 luôn là tuần bận rộn nhất. Cháu đã tự trích tiền tiết kiệm mua những món quà nhỏ và viết thư cảm ơn “Thank you letter” đến chú cảnh sát bảo vệ trường tên Hiatt – người đứng trước cổng chào các bạn học sinh mỗi ngày, đến cô hiệu trưởng – người nhớ gần hết... 200 tên học sinh của mình. Các cô dạy bộ môn mỹ thuật, âm nhạc, thể dục hay cô phụ trách y tế của trường... cũng có phần.
Bữa trưa chung của toàn trường chỉ có một lần trong năm và học sinh được mời phụ huynh đến tham gia cùng - PHAN QUỐC VINH
Con gái lớn của tôi chụp ảnh lưu niệm với chú cảnh sát bảo vệ trường trước khi nghỉ hè - PHAN QUỐC VINH
Những tờ thư cảm ơn viết tay mà con gái tôi gửi cho các giáo viên và nhân viên của trường - PHAN QUỐC VINH
Ngay cả 2 cô ngồi làm ở văn phòng – văn thư cũng được các bạn mang quà đến tặng nhộn nhịp không kém. Trên khoé mắt của cô thỉnh thoảng nhoè ướt khi đọc được những lời tri ân cảm động của các bé. Dĩ nhiên mọi người không quên gửi lời chúc một mùa hè vui vẻ đến các cháu như là lời cảm ơn chân thành.
Ngày kế cuối của năm học thường vào ngày thứ 5, trường bắt đầu chia ra 3 mốc thời gian dành cho 3 khối từ 3 đến 5, bắt đầu từ 9 giờ 30 phút thì mỗi khối sẽ được dành 30 phút để các phụ huynh đến dự lễ “tổng kết”.
Nghe vậy cho... sang chứ buổi tổng kết được tổ chức ở phòng tập thể dục lớn của trường. Ở phía trên, cô hiệu trưởng thì trao giấy chứng nhận, một cô khác thì chuyền giấy và một cô sẽ đọc danh sách những bạn đạt Xuất sắc (AAA – All A grade honor roll) và Khá Giỏi (AAB - không có nhiều điểm B).
Các bạn cứ mặc quần sọọc, áo thun ngắn như đang đi picnic, lên bắt tay cô nhận giấy rồi chạy về ngồi tiếp tục... cấu nhau với các bạn khác. Cùng với đó là việc khen các bạn đọc được nhiều sách trong năm với kỷ lục số phút hay số điểm được ghi trên giấy chứng nhận.
Điều đặc biệt là giấy chứng nhận đã tốt nghiệp cấp 1 không ghi xếp loại và chỉ là khen chứ không ...thưởng.
Tôi thắc mắc chuyện lạ này thì anh phụ huynh bên cạnh trả lời: “Ở đây người dân đóng thuế rất nhiều cho giáo dục nên các chi phí đều rất rõ ràng và chi tiết. Vậy nếu khoản chi những phần thưởng dành cho học sinh phát sinh không rõ ràng thì hiệu trưởng sẽ không thể giải trình được khi dự toán hàng năm đã được công bố vào đầu năm".
Thế nên phần thưởng dành cho các bạn nhỏ khá độc đáo đó là ...3 cái vỗ tay đồng thanh của toàn trường. Lúc này, các phụ huynh ngồi xung quanh cũng ...nhốn nháo xì xào khi con mình xuất hiện khoảng 3 giây trên sân khấu rồi thôi! Đặc biệt nhất là vào ngày tổng kết cuối năm, mọi phụ huynh sẽ được mời đến ăn uống tập thể cùng với các bạn trong trường ở ngoài sân thể dục.
Các học sinh chỉ ngồi bệt để nhận giấy khen và vỗ tay chúc mừng mọi người rồi... thôi. - PHAN QUỐC VINH
Phụ huynh tổ chức các sự kiện tại lớp để chia tay năm học - PHAN QUỐC VINH
Đến buổi chiều là chương trình “Field Day” do các phụ huynh làm tình nguyện viên tổ chức với các trò chơi vận động cho các cháu tham gia vui chơi một buổi chiều đầy ý nghĩa từ trong lớp đến ngoài trời. Ai không bị ướt mồ hôi hay ướt áo cho các trò chơi nước mang lại thì coi như chơi chưa hết mình!
Sau ngày tổng kết vào thứ 5, ngày cuối cùng rơi vào thứ 6 cũng là ngày các bạn được mặc... áo quần ngủ để đi học, cùng xem một bộ phim chia tay nhau và cùng dàn xếp buổi “play – date” (đến nhà nhau chơi với sự đồng ý của phụ huynh, ai thân thiết hơn thì có thể “sleep – over” ngủ qua đêm vào mùa hè).
Việc “hẹn hò” này được phụ huynh Mỹ thực hiện từ nhỏ do các bạn thường bị xáo lớp mỗi khi lên lớp mới, quen rất nhiều nhưng lại ít thân thiết.
Do vậy khi sếp tôi, người cũng có con trai học cùng lớp con gái lớn của tôi hỏi ý tôi xin cho nó qua chơi rồi ngủ cùng hồi chúng nó cùng học lớp 1 khiến tôi... hết hồn phải từ chối vì không biết văn hoá của họ.
Ấn tượng nhất là giây phút “Clap out” cảm động khiến nhiều phụ huynh không cầm được nước mắt. Các học sinh lớp 3 và 4 đứng hai bên hành lang để vỗ tay chúc mừng các anh chị lớp 5 “ra trường” (ở Mỹ rất phổ biến khi cấp 1 được chia thành 2 trường: trường phụ trách từ mẫu giáo lớn đến lớp 2 và trường phụ trách từ lớp 3 đến lớp 5).
Các bé lớn tay xách nách mang mọi “tài sản cá nhân” vừa đi ra khỏi lớp như những cầu thủ bóng đá vừa giành được cúp vàng hay những ngôi sao ca nhạc mới đáp xuống sân bay vừa đập tay “trả ơn” liên tục với các bạn nhỏ hơn đứng hai bên một cách phấn khích.
Các anh chị lớn rời khỏi trường trong thời khắc cuối cùng của năm cấp 1 mà bạn nào cũng hớn hở, vui vẻ hết cỡ mặc kệ cho phụ huynh của mình đang rơm rớm vì... con đã lớn khôn.
Theo thanhnien