leftcenterrightdel
 Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại Trung Quốc hồi tháng 12/2023.

Điều này làm dấy lên mối lo ngại về chất lượng đào tạo các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ.

Hồi cuối tháng 9, Đại học Lan Châu, ngôi trường hàng đầu ở khu vực phía Bắc Trung Quốc, thông báo lần đầu tiên số lượng nghiên cứu sinh sau đại học đã vượt quá số lượng sinh viên.

Tình trạng tuyển sinh “lộn ngược” đã thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc trong những tuần gần đây. Ngay sau đó, hơn 50 trường đại học top đầu cả nước, nằm trong nhóm “Xuất sắc hạng nhất” cũng ghi nhận số liệu tương tự. Các trường bao gồm Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại học Phục Đán, Đại học Chiết Giang.

Tuy nhiên, dữ liệu hàng năm của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy số lượng tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học đã tăng 14,3% trong 10 năm qua. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của đội ngũ giảng viên dừng ở mức 3%. Điều này làm dấy lên câu hỏi về chất lượng đào tạo tiến sĩ và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Đơn cử, theo báo cáo năm 2017, một giảng viên Trung Quốc hướng dẫn 7 nghiên cứu sinh tiến sĩ, chưa kể sinh viên đại học và nghiên cứu sinh thạc sĩ. Ở nhiều trường, một giảng viên phải hướng dẫn 20 - 30 nghiên cứu sinh, thậm chí có người hướng dẫn 100 nghiên cứu sinh.

PGS Jiabin Zhu - giảng viên khoa Giáo dục tại Đại học Giao thông Thượng Hải, cho biết, hiện nay, tỷ lệ nghiên cứu sinh theo học chương trình đào tạo tiến sĩ học thuật là 87% còn tiến sĩ chuyên môn là 13% nhưng có dấu hiệu tăng.

Vì vậy, chất lượng giáo dục sau đại học chuyên môn sẽ là mối quan tâm lớn vì nhóm cử nhân chuyên môn ngày càng đông. Những ngành chuyên môn thu hút đông đảo nghiên cứu sinh là kỹ thuật, luật, giáo dục...

Tình trạng tuyển sinh “lộn ngược” cũng đặt ra câu hỏi về giá trị của bằng tiến sĩ tại Trung Quốc. Theo báo cáo về Tuyển dụng Sau đại học năm 2019, 57% doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trọng điểm trên cả nước và 12% tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ nước ngoài.

Các công ty đặc biệt chú trọng đến bằng cấp với 75% yêu cầu bằng thạc sĩ, 25% yêu cầu bằng tiến sĩ. Trong đó, bằng thạc sĩ, tiến sĩ chuyên môn, tập trung vào bồi dưỡng các tài năng trong lĩnh vực thực tế, được chú trọng hơn cả.

Trước tình trạng trên, ông Zhang Ruomei, giảng viên Viện Chính sách công, Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, cho rằng các trường đại học phải tối ưu hoá chương trình đào tạo sau đại học để tích hợp việc học, nghiên cứu và chuyển đổi kiến thức.

Điều này nhằm giúp các nghiên cứu sinh hoàn thành mục tiêu là nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Các trường cần tăng cường tuyển dụng giảng viên, quan tâm đến nhu cầu đào tạo và đào tạo lại cho giảng viên.

Theo các chuyên gia giáo dục, số lượng người đăng kí vào các khoá học thạc sĩ đã tăng vọt ở Trung Quốc trong những năm gần đây, một phần là do thị trường việc làm dành cho cử nhân trì trệ. Những sinh viên mới tốt nghiệp không tìm được việc làm chuyển sang học sau đại học để nâng cao giá trị bản thân, tăng cơ hội việc làm và mức lương.

Theo giaoducthoidai