|
|
Số lượng người trong độ tuổi đi học tại Trung Quốc dự kiến giảm vì tỷ lệ sinh giảm. |
Họ cho rằng, đây là cơ hội để cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục Trung Quốc, nước này chưa rơi vào tình trạng suy giảm dân số trong độ tuổi đi học như nhiều quốc gia Đông Á khác bởi khu vực thành thị ghi nhận số lượng lớn học sinh. Nhiều lớp học vẫn có tình trạng sĩ số vượt quá quy định tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, Trung Quốc bắt đầu ghi nhận tình trạng số lượng ca sinh, tỷ lệ sinh mới giảm đáng kể trong nhiều năm trở lại đây. Cụ thể, tỷ lệ sinh đã tăng lên sau khi Trung Quốc áp dụng chính sách sinh con thứ hai vào năm 2016, với 17,86 triệu ca được ghi nhận cùng năm. Nhưng số liệu của Cục Thống kê quốc gia, cả nước chỉ ghi nhận 9,02 triệu ca sinh vào năm 2023, giảm so với mức 9,56 triệu vào năm 2022.
Các chuyên gia giáo dục và các nhà lập pháp cảnh báo sự gia tăng số lượng trẻ sơ sinh vào năm 2016 và giảm đáng kể trong 2 năm qua đồng nghĩa các trường cần chuẩn bị cho tình trạng học sinh tăng vọt, sau đó là sụt giảm đột ngột vài năm liên tiếp. Tỷ lệ sinh giảm có thể làm giảm sĩ số trong một lớp học và số lớp trong một trường học.
Trước tình trạng trên, các địa phương đang ráo riết phân bổ nguồn lực giáo dục tốt hơn để chuẩn bị cho thách thức phía trước. Hồi tháng 11/2023, Sở Giáo dục tỉnh Hồ Nam kiến nghị chính quyền địa phương phân bổ nguồn lực tốt hơn cho giáo dục trong 5 đến 10 năm tới. Kiến nghị dựa trên nghiên cứu về tỷ lệ sinh, tình trạng đô thị hóa và sự thay đổi số lượng trẻ em trong độ tuổi đi học.
Tỉnh này có kế hoạch xây mới các trường mầm non công lập ở các khu đô thị đông dân cư, không thành lập trường mẫu giáo mới ở vùng nồng thôn. Hồ Nam khuyến khích các trường mẫu giáo có điều kiện tốt nhận chăm sóc trẻ từ 2 - 3 tuổi. Trước đây, trẻ từ 3 tuổi trở lên mới được đăng ký vào các trường mẫu giáo công lập ở tỉnh này.
PGS Qiao Jinzhong, chuyên gia giáo dục tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, dự đoán số học sinh tiểu học và THCS trên toàn quốc có thể giảm từ 30 triệu vào năm 2020 đến năm 2035. Nếu tỷ lệ học sinh và giáo viên không thay đổi, nước này sẽ dư thừa 1,5 triệu giáo viên tiểu học và 370 nghìn giáo viên THCS vào năm 2035.
Trong khi đó, thành phố Quảng Châu đã dành nhiều nguồn lực để cải tạo, xây dựng trường học mới và thuê rất nhiều giáo viên trong những năm gần đây. Địa phương này cho rằng dân số Trung Quốc vẫn đông nên nhu cầu về nguồn lực giáo dục sẽ tồn tại lâu dài.
Ông Chen Wu, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quảng Châu, đánh giá, giáo viên được tuyển dụng khắt khe nên họ sẽ cải thiện chất lượng giáo dục nói chung của địa phương. Khi số lượng học sinh giảm, giáo viên có thể tập trung vào giảng dạy nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của từng học sinh.
Sở Giáo dục tỉnh Tứ Xuyên đề nghị các trường đại học cần kiểm soát số lượng chuyên ngành sư phạm, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm trong thời gian tới. Điều này phù hợp với dự đoán Trung Quốc sẽ dư thừa giáo viên khi tỷ lệ người dân trong độ tuổi đi học giảm. |
Theo giaoducthoidai