leftcenterrightdel
Trường học Trung Quốc phun khử khuẩn 

Khi thủ đô phong tỏa để ngăn chặn Covid-19, Zhang chỉ được sinh hoạt trong phòng ký túc xá, không được về quê hay gặp mặt bạn bè. Thậm chí, thời gian vào nhà ăn và đi tắm cũng bị giới hạn.

Là người hướng ngoại, Zhang mô tả những quy định phòng, chống Covid-19 của Trung Quốc khiến em “cảm thấy như đang rơi xuống vực sâu”. Tháng 12 năm ngoái, nữ sinh được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm.

“Đương đầu” với Covid-19 khi còn là học sinh trung học năm cuối, Yao, 20 tuổi, hiện đang là sinh viên tại một trường đại học tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong hơn hai năm qua, nam sinh đã chuyển từ cách ly trong ký túc xá trường trung học nội trú sang cách ly tại trường đại học.

Yao chia sẻ: “Nhiều ngày tôi chỉ biết khóc trong phòng. Tôi không thể rũ bỏ căn bệnh trầm cảm, cũng không thể tìm thấy niềm vui từ việc học. Tôi từng tìm cách tự tử nhưng cuối cùng chọn từ bỏ vì không muốn bố mẹ lo lắng”.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019 đến nay, Trung Quốc là một trong những quốc gia áp dụng biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới. Tuy nhiên, chính sách “không Covid” đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tâm thần của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên Trung Quốc.

Theo ước tính của Bộ Giáo dục Trung Quốc, khoảng 220 triệu trẻ em và thanh thiếu niên phải cách ly trong thời gian dài do chính sách “không Covid”. Đặc biệt, trong 2 tháng Thượng Hải phong tỏa đầu năm 2022, nhiều thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi phải cách ly một mình trong khách sạn vì các em không được phép trở về nhà. Các em phải tự nấu ăn, dọn dẹp và không có ai nói chuyện cùng.

Đối với nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc, Covid-19 xuất hiện trước những kỳ thi quan trọng làm gia tăng áp lực học tập. Không chỉ lo sợ bị xa lánh vì nhiễm bệnh, các em còn đối mặt với nỗi lo mắc Covid và không thể tham gia các kỳ thi quan trọng. Nhiều thí sinh tự cách ly hàng tháng trời trước kỳ thi.

Làm trầm trọng thêm áp lực cho học sinh, sinh viên là triển vọng nghề nghiệp ảm đạm. Năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên thành thị đã tăng lên 19,9%, mức tăng kỷ lục từng được ghi nhận. Hàng triệu sinh viên tốt nghiệp năm 2022 sẽ gặp khó khăn khi tìm việc làm.

Về phần mình, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều biện pháp cải thiện sức khoẻ tâm thần cho học sinh, sinh viên như tổ chức khóa học sức khoẻ tâm thần bắt buộc trong các trường cao đẳng, đại học; thúc đẩy tăng cường số lượng cố vấn học tập, bác sĩ trị liệu, bác sĩ tâm thần trên cả nước. Năm 2021, nước này kêu gọi tăng tỷ lệ số lượng cố vấn học đường lên ít nhất 1 cố vấn trên 4 nghìn học sinh.

Tuy nhiên, vấn đề sức khoẻ tâm thần mới được quan tâm tại Trung Quốc trong 20 năm qua. Nỗ lực đưa cố vấn học đường vào trường học là khái niệm tương đối mới mẻ trong khi số lượng chuyên gia trong lĩnh vực này còn hạn chế.

Theo GD&TĐ