Cuộc thi đọc sách nhanh ở Trung Quốc (ảnh chụp clip)

Video quay lại một cuộc thi đọc nhanh đang lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc với nhiều ý kiến trái chiều, trong đó các học sinh được nhìn thấy lật những  trang sách nhanh như chớp. Ban tổ chức cuộc thi chia sẻ video này lên trang web PearVideo từ hôm 14/10, cho biết khi lướt nhanh qua các trang, những hình ảnh mà người đọc nhìn thấy sẽ đi vào tâm trí, giúp họ hiểu được nội dung của cuốn sách. 

Sau 72 buổi học, học sinh có thể đạt được kỹ năng đọc một cuốn sách 100.000 từ chỉ trong 5 phút. Phương pháp này được gọi là "đọc tốc độ lượng tử", dựa trên một cuốn sách của giáo viên người Nhật Yumiko Tobitani xuất bản năm 2006.

Theo bảng quảng cáo được nhìn thấy trong video, cuộc thi do trung tâm giáo dục Xinzhitong ở Bắc Kinh tổ chức. Tuy nhiên, Xinzhitong phủ nhận liên quan đến sự việc này, cho biết mình không cung cấp khóa học nào như trên và một công ty khác đã sử dụng tên của trung tâm mà không xin phép.

Trong khi đó, nhiều trung tâm giáo dục ở các thành phố tại Trung Quốc thừa nhận đang dạy cho trẻ em kỹ năng đọc nhanh trên. Đại diện của các cơ sở này cho biết kỹ năng đạt được bằng cách phát triển não phải nhưng từ chối cung cấp chi tiết.

"Sau một thời gian tập luyện, 5-12 ngày, bằng âm nhạc và thẻ ghi nhớ, dưới sự trợ giúp của giáo viên, một học sinh có thể cảm nhận được những hình ảnh trong sách thậm chí không cần lật các trang. Các em chỉ có thể cảm nhận nó trong tay hoặc ở trán của mình", Liu Yazhao, người đứng đầu một nhóm Văn hóa Hongdao ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, nói.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng phương pháp này hoàn toàn vô căn cứ và cảnh sát thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên đã chia sẻ video cuộc thi đọc nhanh lên Weibo với bình luận "Một vụ lừa đảo mới?".

Yuan Lanfeng, nhà hóa học tại đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết các khóa học "đọc tốc độ lượng tử" là "hoàn toàn vô lý" và đây chỉ một trong nhiều sản phẩm và dịch vụ ở Trung Quốc sử dụng thuật ngữ khoa học để đánh lừa công chúng.

Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 ở Bắc Kinh, cho biết các phụ huynh dễ dàng tin vào những khóa học này vì đều mong con mình học giỏi.

"Một số bậc cha mẹ có học thức và điều kiện tài chính nhưng dễ mềm lòng khi nhắc đến việc học hành của con cái, hy vọng chúng có thể đạt được siêu năng lực chỉ trong một đêm", ông Xiong nói. "Họ nghĩ nếu con mình học những gì mà những đứa trẻ khác không học, chúng sẽ có được những cơ hội mà các đứa trẻ khác không có. Tâm lý này giúp các trung tâm gia sư tồn tại và thậm chí phát triển, dù các khóa học của họ thiếu cơ sở khoa học".


Theo vnexpress