Sau khi hoàn thành bài tập ôn thi tốt nghiệp THPT, Hà Hải Dương, 18 tuổi, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) mở laptop. Trong căn phòng chừng 20 m2 treo đầy poster, sách báo về Hóa học và các môn khoa học tự nhiên, Dương chăm chú theo dõi câu lạc bộ Hóa học, Tranh biện của Đại học Georgetown, Mỹ, đồng thời hoàn thiện đơn ứng tuyển vào ban biên tập Tạp chí Khoa học của trường. "Em muốn chuẩn bị hành trang tốt nhất trước khi đến Mỹ vào tháng 9", Dương nói.

Trong đợt tuyển sinh của đại học Mỹ, Dương được Đại học Georgetown (top 23 tại Mỹ) cấp học bổng 295.000 USD (gần 7 tỷ đồng) trong bốn năm, gồm học phí, tiền sinh hoạt, bảo hiểm, vé máy bay và quần áo mùa đông. Ngoài ra, chàng trai dáng người mảnh khảnh còn trúng tuyển trường Hóa học của Đại học California tại Berkeley, Đại học California tại Los Angeles. Theo Times Higher Education, hai trường này lần lượt đứng thứ 7 và 15 trong top đại học tốt nhất thế giới 2021. Nếu xét riêng trường Hóa của Đại học California tại Berkeley, đây là trường số 1 thế giới về đào tạo hóa học, theo US News and World report.

Hải Dương tự nhận không phải là học sinh xuất sắc, quá nổi trội hay bộc lộ thiên hướng học tự nhiên từ nhỏ. Mẹ hay đau ốm nên gia đình kỳ vọng Dương trở thành bác sĩ và hai chữ "du học" chưa từng xuất hiện trong kế hoạch tương lai của em. "Em nghĩ sẽ thi Đại học Y Hà Nội và trở thành bác sĩ như định hướng gia đình", Dương nhớ lại.

Những năm cấp hai học THCS Nguyễn Tất Thành, nam sinh bắt đầu hứng thú với các môn khoa học tự nhiên. Lần đầu tiên, Dương đặt câu hỏi "Tại sao mọi người thường ủ phân bằng rác thải, trong khi bã cà phê cũng có thể làm điều tương tự mà không được tận dụng hợp lý?".

Chàng trai Hà Nội bắt đầu đi tìm lời giải bằng cách xin lại bã cà phê của những quán gần trường, tìm cách trung hòa độ pH để phù hợp với từng loại cây. Sau một năm rưỡi tự mày mò, dự án của Dương được giáo viên và trường tạo điều kiện, cử sang Singapore tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật. Tại sân chơi này, em được gặp gỡ bạn bè, biết thêm nhiều kiến thức mới và có thêm động lực để tham dự nhiều hội thảo khoa học hơn.

Hà Hải Dương, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đầu năm lớp 11, sau thời gian dài tham gia hoạt động ngoại khóa, được tiếp cận với bạn bè nhiều nơi, Dương bị thuyết phục bởi quan điểm cần du học để mở mang và học thêm nhiều điều mới trong lĩnh vực Hóa - Sinh. "Em thích giáo dục khai phóng tại Mỹ, nơi em nghĩ có thể học những môn khác biệt, thỏa sức khám phá và kết nối với những người cùng đam mê", Dương nói.

Nghe con trai chia sẻ mong muốn, bố mẹ Dương không phản đối nhưng dặn "cần tìm nguồn hỗ trợ tài chính". Hiểu gia đình không thể đóng góp nhiều, nam sinh đặt mục tiêu săn học bổng từ mọi trường. "Vì Covid-19 nên các đại học Mỹ thắt chặt hỗ trợ tài chính hơn so với các năm trước. Lúc đưa ra quyết định du học, em hiểu mình sẽ phải đối mặt với hành trình hết sức khó khăn", Dương kể.

Chỉ có một năm chuẩn bị, Dương sắp xếp thời gian học SAT song song với lịch học chính khóa trên trường. Mỗi tuần, em dành ba buổi tối để làm đề SAT trong ba tiếng, sau đó thêm 1-2 tiếng để xem lại bài làm. Trong thời gian ôn luyện, Dương không cầm điện thoại hay bị xao nhãng, xác định phải tập trung tối đa.

Tuy vậy, kết quả SAT của Dương không cao như kỳ vọng. Vì Covid-19, hàng loạt kỳ thi chứng chỉ quốc tế bị hủy, các đại học Mỹ bỏ yêu cầu bắt buộc về điểm SAT. Sau nhiều ngày đắn đo, Dương quyết định không nộp SAT cùng hồ sơ du học. "Em nghĩ điểm số đó không phải là minh chứng cho khả năng học tập, lãnh đạo và đóng góp của mình. Nếu cố nộp, hồ sơ của em có thể bị đánh giá thấp hơn so với các bạn có điểm SAT cao hơn", Dương nói.

Nam sinh tiếp tục đưa ra một quyết định liều lĩnh khác - bỏ bài luận viết trong ba tháng nghỉ hè, thay bằng một bài khác được hoàn thành trong ba tuần cuối cùng. Dương giải thích, bài luận viết trong dịp nghỉ hè chủ yếu kể về những thành tích em đạt được, niềm say mê khoa học và em thấy hội động tuyển sinh có thể tìm được một bài na ná như này ở bất cứ đâu. Hơn nữa, những thành tích đó đã được Dương thể hiện bằng các chứng nhận gửi kèm hồ sơ.

Dương đã viết một bài mới, bắt đầu bằng câu chuyện trông mẹ nhiều ngày ở viện, nhắc đến những bài học về tình yêu thương, nỗ lực sống của mỗi người. "Em luôn được truyền cảm hứng về sự tử tế. Em nghĩ rằng những thứ tốt đẹp đó có thể trở thành động lực giúp mỗi người cố gắng, trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân và không ngừng vươn lên trong cuộc sống", Dương nói. Ưng ý với bài luận mới, nam sinh chỉ chỉnh sửa về câu chữ, ngữ pháp, còn lại gần như giữ nguyên.

         Hải Dương (hàng đầu tiên) cùng các thành viên của sự kiện LiverVita. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hải Dương cho rằng số lượng hoạt động ngoại khóa và nghiên cứu khoa học là một điểm sáng trong hồ sơ. Hai hoạt động có nhiều ý nghĩa nhất là LiberVita (dự án về môi trường) và Chem Storm (hội chợ khoa học). Dương là người sáng lập và trưởng ban tổ chức của hai sự kiện này khi mới học lớp 10, sau này kiêm luôn vai trò xin tài trợ cho hoạt động. Trải nghiệm từ những hoạt động ngoại khóa dạy Dương cách quản lý, làm việc có hệ thống và giải quyết tình huống.

Khi mọi thứ trong hồ sơ đã cơ bản hoàn thiện, Dương băn khoăn trước lựa chọn trường học. Tìm kiếm lựa chọn an toàn, nam sinh chủ yếu nộp vào các đại học top 50-70 thuộc nhóm đại học quốc gia Mỹ cùng một số trường khối khai phóng. Ngoài ra, Dương vẫn gửi hồ sơ tới một số trường thuộc top cao nhưng với tâm thế không kỳ vọng nhiều.

Đầu tháng 4, Hải Dương liên tiếp nhận thư từ chối hoặc thông báo rơi vào danh sách chờ. Nam sinh đã nghĩ "những trường top 60-70 và tỷ lệ chấp nhận khá cao còn trượt, mình làm sao đỗ nổi các trường top cao". "Lúc đấy em sốc lắm và thực sự đã nghĩ giấc mơ du học Mỹ của mình khép lại", Dương nhớ lại.

Ngày Đại học California ở Berkeley thông báo kết quả, Dương thậm chí không dám xem và nhờ bạn thân kiểm tra hộ. Khi bạn báo đỗ, nam sinh vẫn không tin và phải tự mình kiểm tra. Vỡ òa khi thấy dòng chữ chúc mừng, Dương không thể ngờ mình lại trúng tuyển một trong những trường top cao và khó đỗ nhất trong danh sách nộp. Những ngày sau, em còn nhận thêm "cái gật đầu" của Đại học California tại Los Angeles và Đại học Georgetown.

Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, Dương quyết định theo học Georgetown vì trường nằm ở thủ đô Washington D.C, nơi có nhiều cơ hội thực tập và làm việc. Ngoài ra, Georgetown cho Dương học bổng lên tới 295.000 USD trong bốn năm cùng chính sách tuyển thẳng có điều kiện vào trường y. Theo US News and World report, trường y của Đại học Georgetown đứng thứ 6 trong số đại học đào tạo y khoa khó vào nhất nước Mỹ với tỷ lệ chấp nhận chỉ 2,7%.

                     Hải Dương tại Giải Vô địch tranh biện Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Trần Minh Đức, giáo viên Hóa học, phụ trách câu lạc bộ Khoa học, trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, từng dạy Dương lớp 9, đồng thời hướng dẫn nam sinh làm nghiên cứu khoa học. Trong lần đầu tiếp xúc, thầy Đức ấn tượng với cậu học trò giàu tình cảm, ngoan ngoãn, luôn chủ động đề xuất những ý tưởng hay.

Ngoài ra, Dương có tư duy phản biện và khả năng tiếp thu vấn đề nhanh. Với thế mạnh tiếng Anh (7.5 IELTS), Dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tóm tắt các bài báo khoa học nước ngoài mà thầy Đức giao phó. "Thành tích Dương đạt được hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của em trong bốn năm qua. Tôi thấy em có năng lực nghiên cứu, phù hợp làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và có thể tiến xa trên con đường này", thầy Đức chia sẻ.

Hải Dương dự định học song ngành Hóa - Sinh và Khoa học chính trị tại Georgetown. Nếu có điều kiện, em muốn được học lên tiến sĩ để nghiên cứu sâu hơn về y học. "Sau khi hoàn thành chương trình học tại Mỹ, em sẽ trở về Việt Nam. Ước mơ của em là làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, đóng góp kiến thức mình đã học được cho sự phát triển của đất nước", Dương khẳng định.

Theo vnexpress