Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt - luôn tâm huyết với các chương trình đào tạo kỹ năng sống cho trẻ
Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt - luôn tâm huyết với các chương trình đào tạo kỹ năng sống cho trẻ

 

Phóng viên: Qua câu chuyện 4 đứa trẻ sống sót, ngoài yếu tố may mắn, chị đánh giá thế nào về các kỹ năng sống (KNS) mà các em đã vận dụng?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: Để có điều thần kỳ đó, trẻ phải có những KNS. Ít nhất là trẻ cũng biết tìm kiếm thức ăn từ hoa quả dại, phân biệt được loại trái nào ăn được và không ăn được. Rồi trẻ định hướng để đi tìm nguồn nước uống hoặc quan sát bối cảnh, môi trường sống xung quanh để tìm một nơi trú ẩn an toàn. Đó là những kỹ năng sinh tồn, KNS trong môi trường thiên nhiên mà trẻ được trang bị trước đây trong quá trình học tập, quan sát từ cuộc sống.

Trẻ cũng có thể sử dụng lá cây để làm đồ đắp hoặc có thể nhặt củi để đốt, sưởi ấm. Quan trọng hơn, trẻ cũng có thể tìm cách để đốt, tạo ra khói, phát đi tín hiệu cầu cứu.

Trẻ phải có một môi trường để quan sát thế giới tự nhiên và có môi trường để trải nghiệm, thực hành, hình thành sự phán đoán cũng như niềm tin sâu sắc “khi thực hiện được những điều đó thì khả năng sống sót cao hơn”. Nếu nói may mắn thì các em đã may mắn được trang bị KNS trước khi sự cố xảy ra. Điều đó giúp trẻ có thể nắm lấy được vận may - cơ hội sống sót và giúp trẻ khác sống sót.

* Xin thạc sĩ cho biết các dạng KNS quan trọng nhất cần trang bị cho trẻ.

- KNS có rất nhiều dạng: kỹ năng an toàn, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự nhận thức bản thân, kỹ năng sống ở môi trường thiên nhiên, kỹ năng xã hội… Tất cả những kỹ năng này đều hướng đến việc giúp trẻ hiểu về chính mình, nhận ra giá trị của mình, chung sống và tương tác với người khác, sống hiệu quả, phù hợp với môi trường thiên nhiên và cộng đồng xã hội để cộng đồng ngày càng tốt đẹp hơn. Ở bất kỳ độ tuổi nào cũng cần được học và trang bị những kiến thức về KNS.

* Đâu là những điều nên tránh khi giáo dục KNS cho trẻ, thưa chị?

- KNS là kỹ năng tâm lý xã hội, giúp hình thành năng lực ứng phó hiệu quả với những đòi hỏi khó khăn, thách thức từ cuộc sống. Trẻ phải có những thao tác, những hành vi, thói quen tích cực, dựa trên những nhận thức đúng, kiến thức đúng, có môi trường trải nghiệm để được thực hành và rèn luyện… mới hình thành được năng lực thực sự.

Do vậy, chúng ta nên tránh chạy theo xu hướng, học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” hoặc tham gia những chương trình bị người ta thổi phồng quá và không có môi trường để thực hành, rèn luyện. Nếu trẻ chỉ học vẹt hoặc học theo bề nổi bên ngoài thì khó trở thành năng lực thực sự bên trong để có thể ứng xử linh hoạt với từng trường hợp cụ thể.

Được thực hành kỹ năng thoát khỏi đám cháy, các bé có thể ứng phó với sự cố cháy nổ - Ảnh: Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt
Được thực hành kỹ năng thoát khỏi đám cháy, các bé có thể ứng phó với sự cố cháy nổ - Ảnh: Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt

 

* Có người nói, không nên đặt ra những kịch bản xấu, sợ gây sự sợ hãi, hoang mang nơi trẻ. Đó có phải là rào cản khiến phụ huynh ngại giáo dục, trang bị cho trẻ kỹ năng sống sót?

- Thường trong quá trình dạy cho trẻ KNS, chúng ta hay đặt trường hợp điển hình hoặc đưa trẻ vào tình huống giả định: con gặp người xấu, bị xâm hại, bắt cóc, bị rơi vào đám cháy… Có người cho rằng nói như vậy là “điềm gở”, là xui xẻo, không tốt.

Tuy nhiên, chúng ta không thể ở bên con 24/7 để giám sát mọi thứ. Khi trẻ lớn lên, có thể tự bước đi trên đôi chân của mình thì cha mẹ không thể sống giùm trẻ hay bảo vệ con cái tuyệt đối. Không thể mong đợi rằng con trẻ chúng ta lúc nào cũng được an toàn, sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Thay vì lo sợ, chúng ta nên định hướng, đặt ra giả định cho con ngay từ đầu để con luôn trong tâm thế tích cực, chủ động. Con thấy rằng việc ứng phó linh hoạt để xử lý những vấn đề thuộc về mình và tự bảo vệ, quản lý được bản thân con là một trong những yếu tố sống còn, một trong những điều tiên quyết để giữ được tính mạng của mình. Từ yêu quý bản thân, luôn ở tâm thế bảo vệ bản thân một cách tối đa, con mới tự tin được trong cuộc sống. 

Các bé tham gia chương trình kỹ năng sống thoát hiểm do Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt tổ chức
Các bé tham gia chương trình kỹ năng sống thoát hiểm do Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt tổ chức

 

* Hiện nay học sinh các cấp được tham gia chương trình KNS ở trường, cuối năm học còn được cấp chứng chỉ. Phụ huynh có thể an tâm con mình đã được trang bị đủ KNS?

- Việc trang bị cho con KNS cần thiết trong cuộc sống là trách nhiệm của chính cha mẹ, của mỗi gia đình. Hơn ai hết, trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta đối với con cái là bảo vệ tính mạng của con và giúp cho con có những năng lực để có thể tồn tại, sống sót.

Do vậy, ta không nên ỷ lại vào việc trường học có dạy, trẻ đã được học và yên tâm giao phó tất cả những thứ đó cho nhà trường.

Cha mẹ hãy tạo môi trường ngay trong gia đình mình cho trẻ trải nghiệm. Đó có thể là việc phân biệt những thực phẩm độc và không độc, phân biệt hạn sử dụng của các loại thức ăn, an toàn đối với điện, lửa, nước…

Cha mẹ phải là người thầy đầu tiên dạy KNS, kỹ năng sinh tồn cho con.

* Xin cảm ơn chị. 

Nhờ kỹ năng mà trẻ sống sót

- Tháng 5/2023, một cậu bé 8 tuổi ở bang Michigan, Mỹ lạc trong rừng khi đi cắm trại cùng gia đình. Trong 2 ngày đơn độc, cậu bé đã dùng cành cây và lá cây để ủ ấm, phủ tấm chăn lên một thân cây đổ làm lều và ăn tuyết cho đỡ khát.

- Nổi tiếng hơn là câu chuyện của đội bóng Lợn rừng hoang tại Thái Lan - dấu ấn của nỗ lực cứu hộ quốc tế vào năm 2018. Lúc đó, 12 thành viên từ 11-16 tuổi của đội bóng đá địa phương và huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang suốt 17 ngày. Trong 9 ngày đầu, họ không có thức ăn và phải hứng nước ngấm qua thạch nhũ để uống. Các cậu bé thực hành ngồi thiền để tiết kiệm năng lượng và giữ bình tĩnh.

- Năm 2004, bé gái Tilly Smith (10 tuổi) đã cứu sống 100 người dân và du khách tại bãi biển Maikhao thuộc khu du lịch Phuket (Thái Lan) nhờ nhớ lời thầy giáo dạy về những dấu hiệu và mối đe dọa của sóng thần. Tilly kể: “Khi chơi cùng mẹ và em gái trên bãi biển, cháu nhận thấy màu nước biển đột nhiên thay đổi, những quả bóng nước lớn sủi lên và thủy triều rút xuống. Cháu nhớ lời dạy của thầy về dấu hiệu của một trận động đất với nguy cơ sóng thần nên đã gọi mẹ rời khỏi bãi biển”.

Gia đình Tilly đã cảnh báo với tất cả những ai mà họ gặp trên đường và giúp hơn 100 người sống sót qua trận sóng thần kinh hoàng vào ngày 26/12/2004 khiến gần 230.000 người thiệt mạng.

Theo phụ nữ TPHCM