Theo báo cáo thường niên của Bộ Giáo dục Trung Quốc, từ năm 2021-2023, số trường mẫu giáo đã giảm khoảng 20.000, chủ yếu do khó khăn tài chính vì không có học sinh. Riêng năm ngoái, gần 15.000 (5%) trường đóng cửa, đánh dấu năm thứ tư suy giảm liên tiếp. Số lượng tuyển sinh cũng giảm 11,55%, tương đương 5,35 triệu em, còn lại khoảng 40,9 triệu em. Đây là năm thứ ba liên tiếp số lượng tuyển sinh giảm.

Số lượng học sinh nhập học ở Trung Quốc giảm trong năm thứ ba liên tiếp - Nguồn ảnh: SCMP
Số lượng học sinh nhập học ở Trung Quốc giảm trong năm thứ ba liên tiếp - Nguồn ảnh: SCMP

Trong báo cáo hồi đầu năm 2024, Viện Giáo dục và Chăm sóc trẻ em Hàn Quốc dự đoán: trong 3 năm tới, 1/3 các nhà trẻ, trường mẫu giáo ở quốc gia này sẽ đóng cửa do tỉ lệ sinh thấp. Số lượng nhà trẻ trên toàn quốc đã giảm 21,1%, từ 39.171 vào năm 2018 xuống còn 30.923 vào năm 2022. Tương tự, số trường mẫu giáo cũng giảm từ 9.021 xuống còn 8.562. Báo cáo cũng chỉ ra: xu hướng này dự kiến sẽ còn trầm trọng hơn trong 4 năm tới.

Ở Nhật Bản, việc đóng cửa trường học không còn là chuyện lạ, bởi nó đã diễn ra trong gần 2 thập niên qua. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong bối cảnh dân số suy giảm, từ năm 2002-2020, quốc gia này đã phải đóng cửa 8.580 trường học, trong đó nhiều ngôi trường được cải tạo để phục vụ các hoạt động cộng đồng. Trung bình mỗi năm có 450 trường ở Nhật phải đóng cửa vì không có trẻ nhập học. Điều này khiến các khu vực ở nông thôn càng thêm khó khăn trong việc thu hút cư dân mới tới định cư, vì trường học là một trong những yếu tố quan trọng với một gia đình trẻ.

Các chuyên gia cảnh báo, việc đóng cửa trường học sẽ làm gia tăng sự chênh lệch về mặt bằng dân số, tăng khoảng cách các thế hệ, khi người già càng nhiều và trẻ em càng ít. Touko Shirakawa - giảng viên xã hội học tại Đại học Nữ sinh Sagami (Nhật Bản) - cho biết: “Việc đóng cửa trường học có nghĩa là cộng đồng sẽ trở nên không bền vững”.

Các nhà xã hội học cũng bày tỏ lo ngại rằng ngày càng nhiều trường mẫu giáo và nhà trẻ sẽ đóng cửa trong tương lai, dẫn đến cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em không đầy đủ ở các khu vực phi đô thị và làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm dân số ở những nơi này. “Trong khi đó, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi đang ngày càng gia tăng, trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Các nhà điều hành trường mẫu giáo cần phải điều chỉnh chiến lược để đáp ứng những thách thức mới, chẳng hạn như mở rộng giáo dục trẻ nhỏ, bao gồm trẻ em dưới 3 tuổi và thiết lập một hệ thống chăm sóc - giáo dục tích hợp” - He Yafu - một nhà nhân khẩu học ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - cho biết.

Chính phủ các nước đều đã lên các chương trình nhằm cải thiện tình hình tỉ lệ sinh thấp nhưng theo các chuyên gia, “cuộc chiến” này sẽ còn lâu dài và đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía.

Theo phụ nữ TPHCM