Tờ bìa ca khúc Thiên Thai của Văn Cao
Một ngày tiên giới, một năm trần gian
Thiên Thai là tên một hòn núi thuộc huyện Thiên Thai, tỉnh Chiết Giang (Trung Hoa). Đời Hán, có hai chàng nho sĩ tên Lưu Thần và Nguyễn Triệu nhân tiết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), rủ nhau vào núi Thiên Thai hái thuốc chữa bệnh. Cả hai lần mò, trèo đèo vượt suối bỗng thấy một nơi cây cỏ xinh tươi, phong cảnh cực kỳ đẹp đẽ. Rồi có 2 nàng tiên diễm lệ ra chào đón. Từ đó, Lưu - Nguyễn kết duyên cùng hai nàng, say mê cảnh đẹp, vui vầy tình ái hầu như quên hẳn làng xóm xưa...
Nửa năm trôi qua, hai chàng thấy nhớ quê nhà bèn xin về thăm. Nhưng về đến nhà thì cảnh vật đã khác hẳn. Làng xóm toàn người xa lạ, không còn ai có thể nhận ra hai chàng nữa. Họ gặp một cụ già tuổi đã gần trăm, cụ kể: Cách đây độ 400 năm, cụ có một ông tổ bảy đời tên Nguyễn Triệu, nhân tiết Đoan Ngọ cùng bạn là Lưu Thần vào núi hái thuốc rồi biệt tích. Bấy giờ Lưu Thần, Nguyễn Triệu mới biết một ngày trên tiên giới bằng một năm ở trần gian. Cả hai bèn trở lại động Thiên Thai. Nhưng lối xưa đã mất dấu... (Truyện U minh lục - Trung Quốc).
Trong Truyền kỳ mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ cũng có truyện Từ Thức lấy vợ tiên, kể chuyện chàng Từ Thức đời Trần bỏ ấn từ quan, ngao du sơn thủy mà lạc vào cõi tiên và lấy vợ tiên. Được một năm, chàng nhớ quê và trở về, để rồi vật đổi sao dời, thành quách không còn như xưa, cũng không ai biết mình. Muốn quay lại cõi tiên thì xe mây đã hóa thành con chim loan bay mất.
Tờ bìa ca khúc Tiếng sáo Thiên Thai của Phạm Duy phổ thơ Thế Lữ - ẢNH: TƯ LIỆU
Chốn thiên thai trong thơ nhạc Việt
Nói về thơ nhạc Việt miêu tả chốn thiên thai, không thể không nhắc đến bài thơ Tống biệt của thi sĩ Tản Đà (làm năm 1922), tả lại cảnh đưa tiễn giữa hai nàng tiên với Lưu - Nguyễn được nhạc sĩ Võ Đức Thu phổ nhạc: “Lá đào rơi rắc lối thiên thai/Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi/Nửa năm tiên cảnh/Một bước trần ai/Ước cũ duyên thừa có thế thôi/Ðá mòn, rêu nhạt, nước chảy, huê trôi/Cái hạc bay lên vút tận trời/Trời đất từ nay xa cách mãi/Cửa động/Ðầu non/Ðường lối cũ/Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...”. Bài thơ ngắn và nhạc sĩ Võ Đức Thu đã phổ nhạc theo đúng nguyên văn, phần nhạc theo các nhà nghiên cứu là “không chê vào đâu được” (các danh ca Mộc Lan, Thái Thanh, Khánh Ly đều đã từng thể hiện ca khúc này).
Tuy nhiên, tuyệt phẩm phải kể đến ca khúc Thiên Thai của Văn Cao: “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng. Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên... Kìa đường lên tiên, kìa nguồn hương duyên theo gió tiếng đàn xao xuyến. Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền...”. Năm 1940, Văn Cao đến Huế. Năm sau, chàng trai chưa đến 20 tuổi ấy lại đi thuyền trên dòng sông Phi Liệt (Hải Phòng), ấn tượng về cảnh đẹp của hai nơi ấy nên năm 1944, Văn Cao đã viết nên tuyệt phẩm Thiên Thai. Trên bìa bản nhạc do NXB Tinh Hoa ấn hành, Văn Cao có ghi lời tựa: “Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi...” (ông tự nhận mình là Người Sông Ngự - NV).
Thiên Thai của Văn Cao dài tới gần 100 khuôn nhạc với những câu chuyển điệu tài tình cùng với lời ca tuyệt diệu. Có thể nói Thiên Thai là một trường ca với nhiều nhạc cảnh biến đổi tuần tự giống như một bản giao hưởng hay một vở opera. Nhạc sĩ Phạm Duy nhận xét: “Nếu hình thức ca khúc trong tân nhạc Việt Nam cho tới năm 1944 này vẫn còn nằm trong khuôn khổ một đoản khúc được ước định trong một số khuôn nhạc nào đó, với một lối chuyển cung, chuyển điệu công thức nào đó... thì Thiên Thai của Văn Cao đã vươn lên một thức rất lớn, chia ra nhiều đoạn, nhiều cảnh, gồm tới con số chín mươi bốn khuôn nhạc, chan chứa những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu...” (Hồi ký Phạm Duy).
Phạm Duy cũng có Tiếng sáo thiên thai (phổ thơ Thế Lữ) tuyệt hay. Nếu những ca khúc ở trên có âm điệu buồn buồn của tiễn biệt, luyến tiếc thì Tiếng sáo thiên thai của Phạm Duy lại rộn ràng sôi nổi: “... Tiên nga, buông lơi tóc bên nguồn, hiu hiu lũ cây tùng, ru ru tiếng trên cồn... Đường lên, lên Thiên Thai, lọt vài cung nhạc gió, thoảng về mơ mộng quá, nàng Ngọc Chân tưởng nhớ, tiếng lòng bay xa...”. Ca khúc này thường được thể hiện đơn ca nhưng nghe Lệ Thu - Khánh Ly song ca sẽ rất “phiêu”...
Chàng nhạc sĩ tài hoa Hoàng Nguyên có lẽ cảm nhận cái đẹp của xứ Huế (quê ông) với nét thơ mộng của Đà Lạt (nơi ông dạy học), để rồi xuất thần làm nên ca khúc Đường nào lên Thiên thai ? Một câu hỏi, một ước vọng, một gợi cảm, dẫn dắt vào thế giới hoan lạc, lung linh và huyền nhiệm: “Cầm tay em anh hỏi, đường nào lên Thiên Thai? Nơi hoa xuân không hề tàn, nơi bướm xuân không hề nhạt, nơi tình xuân không úa màu bao giờ... Ngày xưa sao Lưu Nguyễn, gặp đường lên Thiên Thai, nhạc vàng ai mê say, rượu Đào ai ngây ngây...”.
Theo thanhnien