NSƯT Tô Châu (vai An Dương Vương) và diễn viên trẻ Lệ Trinh (vai Mị Châu) trong vở Truyền tích Cổ Loa xưa - Ảnh: LINH ĐOAN
Đây là vở đoạt huy chương bạc Liên hoan sân khấu thủ đô tháng 10 vừa qua và đem về 2 huy chương vàng cá nhân cho Điền Trung, Lệ Trinh và 2 huy chương bạc cho Bảo Trí, Hoàng Quốc Thanh. Tuy nhiên khi đi thi, vở diễn ở sân khấu lớn, còn lần trình diễn này là phiên bản của sân khấu nhỏ nên vở được chỉnh sửa khá nhiều.
Sen Việt dù ra mắt trong những ngày mưa bão nhưng khán phòng 100 chỗ ngồi khá ấm cúng với những khán giả tri âm. Truyền tích Cổ Loa xưa đã không làm người xem thất vọng và băn khoăn không biết với sàn diễn bé tẹo, êkip phải... co sao cho ấm!
Một màn hình LED được sử dụng để chuyển tải cảnh thành Cổ Loa, đêm trăng mơ màng, đài nỏ, cảnh binh đao, những cơn sóng biển Đông... Diễn viên xuất hiện từ nhiều phía, từ cánh gà, từ cửa hông sân khấu, từ dưới hàng ghế khán giả... Nói chung, đạo diễn đã tận dụng mọi không gian để xử lý một cách phù hợp.
Vở sử dụng hình thức đối thoại giữa người xưa và người nay. Một vị đạo diễn của thế kỷ 21 bước vào câu chuyện xưa để lý giải lý do mất nước, câu chuyện về niềm tin, sự chủ quan, ngủ quên trên chiến thắng...
Và như vậy, những Thục Phán An Dương Vương, Cao Lỗ, Trọng Thủy, Mị Châu... có cơ hội bày tỏ nỗi niềm. Với những vở diễn đối thoại như thế, dàn dựng và biểu diễn không khéo sẽ rất khô.
Truyền tích Cổ Loa xưa chỉ có 6 nhân vật nhưng tạo cảm tình bởi dàn diễn viên thể hiện đều rất có nghề.
Diễn viên trẻ Lệ Trinh từng là thí sinh nhỏ tuổi nhưng đạt số điểm cao nhất cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên kịch hát dân tộc toàn quốc 2017 nay khiến người ta bất ngờ về sự tiến bộ vượt bậc với vai Mị Châu, thu phục cảm tình của người xem.
Điền Trung vốn quen thuộc với những vai tính cách, giờ chững chạc trong hình ảnh Trọng Thủy. Bảo Trí ngày càng điêu luyện với vai độc Lão Bộc. Hoàng Quốc Thanh có nhiều đất để phô diễn khả năng trong vai Cao Lỗ.
Thanh Sơn dù chỉ xuất hiện ngắn với vai Thần Nỏ nhưng đảm nhiệm tốt việc dàn dựng vũ đạo cải lương tuồng cổ khiến vở có thêm màu sắc mới. Xuân Hồng điềm đạm trong vai đạo diễn, tuy nhiên có lẽ anh nên cố gắng luyện để có thể ca hay hơn những bài bản cải lương.
Một vở diễn không quá dài, chỉ độ 2 tiếng trong một sàn diễn nhỏ nhưng biết cách khai thác câu chuyện, diễn xuất của diễn viên, thỏa mãn được người xem ở cả phần nghe và phần nhìn. Và quan trọng là cảm xúc vẫn còn lưu luyến khán giả khi vở kết thúc. Nếu lời thoại của phần đối thoại người xưa - người nay sắc sảo và mang tính triết lý hơn nữa có lẽ sẽ càng gây ấn tượng.
Mới đi vào hoạt động nên kỹ thuật âm thanh, ánh sáng trong đêm diễn đầu tiên vẫn còn vài chỗ trục trặc. Mong rằng sân khấu sẽ sớm hoàn thiện, tự tin giới thiệu đến khán giả một điểm diễn cải lương, một không gian văn hóa cho người làm nghề.
Truyền tích Cổ Loa xưa sẽ diễn suất kế tiếp vào ngày 24-10, sau đó sẽ là đêm diễn Độc thoại Lý Chiêu Hoàng.
Sân khấu Sen Việt ở tầng 1 thuộc trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM, số 5B Võ Văn Tần, quận 3, cùng địa chỉ với mô hình sân khấu nhỏ dành cho kịch nói của nhà hát 5B (nằm ở tầng 3). Sân khấu trước mắt sẽ phục vụ khán giả tối thứ bảy hằng tuần các vở diễn trọn vẹn. Đạo diễn Nguyên Đạt - ủy viên BCH hội và là người bỏ kinh phí xã hội hóa thực hiện sân khấu - cho biết sàn diễn có diện tích nhỏ gọn 5x5m này vừa tạo thêm cơ hội làm nghề cho "người cải lương" (đặc biệt là những diễn viên và đạo diễn trẻ), đồng thời cũng là thử thách để êkip sáng tạo xử lý không gian sao cho phù hợp mà vẫn hấp dẫn, cuốn hút người xem. |
Theo tuoitre