Sacien Kbuor (giữa) trên rẫy cà phê quê hương anh - ẢNH: MỘC HƯƠNG
“Khi tôi quyết tâm thi đậu đại học, mọi người trong buôn chê cười, học làm gì rồi cũng về gốc cây cà phê thôi. Khi tôi nhận tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng, rồi đại học, người ta vẫn nói, nhưng đã có thêm nhiều em nhỏ chạy tới hỏi tôi nên học ngành gì, thi trường gì”, chàng trai 9X Sacien Kbuor kể lại.
Thông thạo 6 thứ tiếng
Sacien Kbuor sinh ra và lớn lên ở buôn Dhung (xã Cư M’gar, H.Cư M’gar, Đắk Lắk), vùng quê nghèo với những rẫy cà phê xanh ngút ngàn. Kbuor là con út trong gia đình có tới 6 anh chị em, cha mẹ chỉ làm nông. Khi Kbuor mới 2 tháng tuổi, cha anh đột ngột qua đời. Sự thiếu thốn về y tế gần 30 năm trước ở buôn không cứu được cha anh khỏi dịch tiêu chảy cấp.
Một mình mẹ Kbuor làm đủ công việc cực khổ nhất để nuôi 6 người con. Dù lam lũ thế nào, bà cũng không ngừng khuyến khích các con tới trường. “Năm đó quê tôi hạn hán khốc liệt, kéo dài lắm. Mẹ phải bán 2 con bò cho chúng tôi có tiền đóng học và mua gạo. Tôi học tới lớp 9 thì làng mới có điện, trước đó mấy anh chị em dùng đèn dầu, nằm áp ngực xuống gối mà viết”, Kbuor nhớ lại. Không giống hầu hết những đứa trẻ ở quê mình ngày đó mê đi hái cà phê hơn học, lúc nào Kbuor cũng nghĩ về ngày mình đậu đại học, đi khắp thế giới.
20 tuổi, Kbuor tốt nghiệp ngành sư phạm mỹ thuật Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk. Chưa đi dạy học ngay, với đam mê dành cho ngoại ngữ, Kbuor học tiếp ngành biên phiên dịch Anh - Pháp, Trường ĐH Tây Nguyên và nhận thêm tấm bằng cử nhân năm 2018. Để có tiền trang trải trong suốt những năm đèn sách, Kbuor làm nhiều công việc khác nhau, gia sư, phụ quán, bưng cà phê và cả bảo vệ quán bar. Tới khuya, khi khách khứa trong bar đã ổn, Kbuor tìm một góc tĩnh lặng rồi giở sách tiếng Anh mang theo để học. Sự chân chất, thật thà, hiếu học của Kbuor đã làm nhiều người động lòng, nhiều khách “boa” tiền cho anh, đồng nghiệp khác thì nhường những việc đơn giản hơn để Kbuor làm xong có thể yên tâm ôn bài.
Năm 2017, năm thứ 3 đại học, Kbuor có chuyến xuất ngoại đầu tiên đời mình khi tình cờ gặp đoàn khách muốn tìm phiên dịch tiếng Anh cho dự án về du lịch tại Thái Lan. Chuyến đi thành công, tặng Kbuor mối quan hệ công việc, đặc biệt cho anh động lực học thêm ngoại ngữ nữa là tiếng Thái.
Tốt nghiệp ĐH, Kbuor ứng tuyển vị trí biên phiên dịch tại Tập đoàn Sông Đà, làm việc ở Lào, hạng mục xây dựng thủy điện. Công việc chuyên về lĩnh vực kỹ thuật cho anh nhiều kiến thức mới mẻ. Đặc biệt, Kbuor học tiếng Lào rất nhanh. Hiện tại, ngoài tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của dân tộc Ê đê, Kbuor còn thành thạo 4 ngoại ngữ: Anh, Pháp, Thái Lan, Lào.
Ngoại ngữ thay đổi cuộc đời Kbuor. Được mời làm phiên dịch viên trong nhiều chương trình, là đại biểu của nhiều hoạt động thanh niên hữu nghị, trong 2 năm qua, Kbuor đã đi hết 11 nước Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Kbuor trong Lễ hội văn hóa và giáo dục quốc tế thanh niên 2018 (IYECF) tại Siem Reap, Campuchia - ẢNH: NVCC
Những giấc mơ
Đang có công việc rất tốt tại Lào, Kbuor vẫn quyết định xin nghỉ việc. Anh không muốn ở trong vùng an toàn mà thích dấn thân nhiều hơn. Anh khao khát được đóng góp cho cộng đồng, đặc biệt là những người dân Ê đê quê hương anh.
Giữa năm 2020, gửi hồ sơ, chàng trai 9X nhanh chóng trúng tuyển vào một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Malaysia với vai trò biên phiên dịch. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa thể bay sang đó, thời gian này Kbuor vẫn làm tự do với các dự án ở trong nước. Song song đó, anh dành nhiều thời gian hoạt động xã hội.
Mới đây nhất, Kbuor tham gia diễn đàn tham vấn thanh niên vì khí hậu do Tổ chức Change và Cơ quan phát triển Liên Hiệp Quốc tại VN tổ chức ở TP.HCM. Dự án mang nước sạch về làng bản, cứu những nương rẫy cà phê cho cộng đồng người Ê đê ở ngay chính buôn Dhung chinh phục ban giám khảo. Kbuor được lựa chọn là 1 trong 5 thanh niên đại diện khu vực phía nam sắp tới có cuộc gặp gỡ với Chính phủ, trao đổi về những ý tưởng đóng góp tích cực cho khí hậu.
Sacien Kbuor, chàng trai dân tộc Ê đê bộc bạch: “Chứng kiến rừng hoang tàn, cà phê khét cháy vì thiếu nước, tôi rất xót xa. Tôi muốn thay đổi nhận thức của người dân quê mình, để mọi người làm nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, vận động người dân cùng trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, làm hồ chứa nước, gom rác thải nhựa... Nhưng tất cả mọi vấn đề đều bắt đầu từ giáo dục. Tôi muốn câu chuyện của chính mình sẽ truyền cảm hứng để những em nhỏ mới sinh ra ở Cư M’gar luôn luôn khao khát một thứ, đó là “được học”!
Theo thanhnien