Ái Vân, Chí Tài và Ái Thanh trên bìa CD do Trung tâm Thúy Nga thực hiện
Diễn lậu ở trời Tây Tôi chính thức ở hải ngoại từ năm 1990. Thời gian đầu có hai nỗi sợ, sợ bị đuổi về nước và sợ không được hành nghề. Người ta cấp cho mình 400 Deutsche Mark một tháng với điều kiện không được đi làm thêm. Nếu phát hiện ra mình có đi làm thêm, tức khắc mình hết tiêu chuẩn tị nạn nhân đạo. Không hành nghề không kiếm được tiền đã đành, cái chính là buồn nhớ nghề, thèm ánh đèn sân khấu khủng khiếp. Từ trong sâu thẳm, những người làm nghệ thuật như chúng tôi lúc ấy, ai cũng thèm diễn, tuy nguyên tắc là không được đi làm, nhưng thèm quá nên phải đi diễn lậu. Không một nghệ sĩ nào ở trại tị nạn mà không đi diễn lậu.
Tôi có vài show diễn phòng trà Tây Berlin, có lần Duy Khánh từ Mỹ qua, tôi cũng được mời diễn chung. Thèm hát quá mà đi diễn chui thôi chứ hát phòng trà chẳng được bao tiền mà lại rất nguy hiểm...
Tôi có thêm một quý nhân phù trợ nữa, đó là chị Mai Tâm. Chị vốn là một du học sinh tại Tây Đức, học rất giỏi, sau chuyển ra làm kinh doanh và rất thành công với chuỗi tiệm thực phẩm châu Á tại Tây Đức. Mai Tâm thường cùngTrung tâm Thúy Nga tổ chức show văn nghệ có các ca sĩ bên Thúy Nga đưa sang. Đầu tháng 11.1990, Mai Tâm và Thúy Nga tổ chức một show ca nhạc tại TP.Dusseldorf, có các nghệ sĩ Linda Trang Đài, Thúy Vy, Tuấn Anh... tham gia. Trước đó ít ngày, Mai Tâm có điện thoại cho tôi: “Ái Vân ơi, tháng 11 này mình tổ chức show của Thúy Nga ở dưới này, Vân đi xuống đây đi. Mình sẽ giới thiệu Vân cho Thúy Nga xem thế nào”. Được thế còn gì bằng, tôi nhận lời ngay.
Cảnh sát khen hát hay
Cuối năm 1991, một đoàn ca nhạc sĩ do anh Tô Văn Lai, Giám đốc Trung tâm Thúy Nga dẫn đầu qua London biểu diễn gây quỹ cho một nhà thờ. Tôi chỉ có cái ausweis (giấy tờ tùy thân) 3 tháng gia hạn một lần, không đi khỏi Berlin trong phạm vi 30 km nên như mọi khi, dĩ nhiên là phải đi lậu. Chị Thúy (Thúy Nga) cho tôi mượn hộ chiếu của chị, mặc dầu nét mặt chị và tôi chẳng giống nhau chút nào. Hộ chiếu của chị quốc tịch Pháp hẳn hoi, oai lắm. Đến bến phà Calais là ranh giới giữa Anh và Pháp, cả đoàn phải xuống xe để hải quan Anh kiểm tra giấy tờ. Đưa hộ chiếu (của chị Thúy) cho hải quan Anh, ông này hỏi tôi bằng tiếng Pháp (vì tôi từ Pháp sang). Tôi ngu quá, lại bảo: “Tôi chỉ nói được tiếng Anh thôi”. Ông hải quan trố mắt nhìn tôi, ổng biết cái hớ của tôi, vì hộ chiếu cho biết chị Thúy đã ở Pháp hơn chục năm.
Anh Lai đang sắp hàng bên kia thấy thế liền băng sang, nói liến thoắng bằng tiếng Pháp với ông hải quan: “Đây là vợ tôi, bà ấy phải sang Anh hát cho nhà thờ” - “Ở Pháp lâu thế sao không nói được tiếng Pháp?”- “Vâng, bà ấy không nói được tiếng Pháp, và cũng không biết ngoại ngữ nào cả”. Ông hải quan Anh tủm tỉm cười, chỉ hình chị Thúy ở hộ chiếu nói: “Vợ ông cũng xinh nhưng không giống bà này”. Anh Lai làm bộ nhăn nhó liến thoắng: “Trời ơi vợ tôi đi mỹ viện sửa mặt tùm lum, đến tôi còn chẳng nhận ra nữa là ông”. Nghĩ là đi hát cho nhà thờ thì sẽ được châm chước nên anh Lai lấy tờ poster quảng cáo show, chỉ hình tôi và bảo: “Đấy, vợ tôi phải sang hát cho nhà thờ. Ông cho bà ấy đi đi kẻo Đức Cha đang chờ”. Ông hải quan Anh chỉ hình ca sĩ Ngọc Bích trên poster: “Hình đó đâu phải vợ ông, hình này mới đúng chứ!”. Quả thật Ngọc Bích rất giống chị Thúy. Anh Lai bí.
Ông hải quan Anh bảo anh Lai đứng ngoài rồi quay sang tôi bảo: “Đi theo tôi”. Ông cho người đem theo cả chiếc va li của tôi để khám xét. Khi mở va li thì ôi thôi, từ kẹo cao su, quần áo, đôi giày tới chiếc túi ni lông bọc áo quần toàn chữ Đức, chẳng có món đồ nào của Pháp cả. Đáng sợ nhất là chiếc ausweis của Đức được tìm thấy dưới đáy va li. Lúc này thì hồn vía tôi bay lên mây rồi.
Cả đoàn bị lôi vào khám xét và thẩm vấn rất lâu, hành lý bị lật tung lên. Sau cùng mọi người cũng được cho đi, riêng tôi bị giữ lại vì: “Bà đã phạm vào những tội sau: 1/ Nhập cảnh trái phép vào nước Anh. 2/ Giả mạo giấy tờ. 3/ Nói dối nhà chức trách. 4/ Đi làm chui. Bà bị trục xuất khỏi nước Anh. Lệnh trục xuất có hiệu lực trong 3 tuần. Sau 21 ngày, nếu có visa thì bà được phép vào Anh bình thường”. Lập tức, hai viên cảnh sát to như hai con trâu mộng áp giải tôi lên xe cảnh sát, hụ còi và tống thẳng xuống phà trả về Pháp.
Lên phà vào khoảng 4 giờ sáng giữa đêm lạnh, không biết tiếng, giấy tờ không, tiền không có một cắc. Đói và mệt. Tôi cởi chiếc áo măng tô trải ra sàn phà, nằm co ro như con mèo ốm. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, phà cập bến đất Pháp, viên cảnh sát Anh áp giải tôi vào đồn cảnh sát Pháp, giao tôi cho họ kèm theo một phong bì đựng giấy tờ, hồ sơ. Một người hỏi bằng tiếng Anh: “Bà sang Anh làm gì?” - “Tôi sang hát cho nhà thờ bên London”. Tôi chỉ hình mình trong cái poster quảng cáo show diễn nằm trong phong bì hồ sơ mà cảnh sát Anh vừa trao cho họ.
Cảnh sát Pháp nhìn bộ dạng thiểu não của tôi lúc đó rồi cười cười: “Lấy gì chứng minh bà là ca sĩ?”. Lúc ấy khoảng 5 giờ sáng, sau một đêm thức trắng vì căng thẳng, đói và mệt nhưng tôi đành cất giọng khản đặc hát Yêu nhau cởi áo cho nhau... Nghe xong, họ vỗ tay, nói: “Hay quá, hát bài nữa đi”, tôi hát thêm bài Con chim non bằng tiếng Pháp.
Lúc này mấy ông cảnh sát vui vẻ bảo tôi. “Chúng tôi tin bà là ca sĩ rồi. Bà có chắc là có người nhà đón không?” - “Chắc” - “Vậy bà ra ga phà ngồi chờ. Coi chừng mất cắp nhé”. Cảnh sát Pháp thật dễ thương.
Ái Vân/ Thanh niên online