Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa của nhà văn Lê Bầu
Và tôi vốn dĩ vẫn là một đứa có tính cơ chỉ ngấm vào trong máu, tiêu hoang thì cứ hoang nhưng rình cơ hội để mua rẻ vẫn rình. Thế nên, lên nhà sách, bọn Đậu tha hồ chọn, coi cọp ở những dãy sách mới tinh bóng loáng… tôi rất hay rình ở dãy giảm giá, khuyến mãi…
Thuở còn bé tí, mỗi tuần ngân sách của tôi là 200 đồng để mua truyện. 200 đồng được 1 cuốn, ví dụ như Bà Chúa Liễu Hạnh, mỏng dính độ chừng chưa đến 2 chục trang. Tôi phải đọc thật dè, để đọc lâu hết.
Lâu hết nghĩa là từ lúc lấy sách trên quầy 60 Bà Triệu ra đến cái gốc cây sấu, chỗ bố tôi tranh thủ làm tờ xổ số hoặc là đang cân lại vành xe… tôi phải cố làm sao đọc đừng hết luôn cuốn truyện. Ý là, tôi có biệt tài đọc nhanh - nhanh như chảo chớp. Thật sự là như vậy.
Những trường thiên tiểu thuyết với bọn trẻ con, kiểu như Cuốn theo chiều gió hay Tiếng chim hót trong bụi mận gai, tôi đọc veo veo từ khi tiểu học.
Còn cỡ chuyện hợp lứa tuổi hơn nhưng cũng vào hàng khó nhằn, kiểu như Anđecxen hay Thần thoại Hy Lạp bản đủ, Nghìn lẻ một đêm bản full nó chỉ đơn giản là một - hai buổi chiều trốn làm bài tập phép nhân thôi!
Từ bé, tôi đã được củng cố niềm tin một cách tự nhiên rằng, tôi rất thích những cuốn sách của nhà xuất bản Kim Đồng. Vì vậy, già đầu rồi, tôi vẫn khoái lọ mọ ở nhà sách này, nhất là ở quầy giảm giá.
Tất nhiên, càng già, số sách hợp với tôi càng ít đi, còn những cuốn hay hay cho trẻ con, thì thực ra tôi đọc chả sót cuốn nào. Mà họ thay bìa, chứ thay sao được nội dung sau mỗi lần tái bản. Nên nhiều khi, việc vào Kim Đồng chỉ còn ý nghĩa thói quen!
Hôm nay, cho bọn Đậu vượt đường xá xa xôi, lên ăn kem Tràng Tiền rồi ra Kim Đồng mua sách. Tất nhiên, tôi chọn cho tôi, cũng cẩn thận nhưng cũng chả mấy hi vọng như mọi lần, sách về nhà lại nằm trong kho, vì đọc lên thấy nó chẳng còn hay như khi coi cọp
Nhưng lần này, linh cảm và sự ki bo đã dành cho tôi một may mắn lớn! Tôi đã chi ra hai mươi tám nghìn để rước về một cuốn rất hay, có cái tên rất cũ của một người với tôi là rất lạ!
Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa của nhà văn Lê Bầu
Nói sao nhỉ, tôi hoài cổ thật, nhưng lại không khoái những tạng văn cũ cũ, mà cuốn này, bình thường là tôi sẽ xếp vào hàng cũ cũ vì nó kể chuyện hồi xưa, của một ông nay đã rất già rồi, bìa sách cũng rất hoài niệm.
Lời bạt bìa sau nữa nó cứ như kiểu những dòng cũ ơi là cũ các ông bà cụ vẫn hay trân trọng viết cho nhau hoặc phát biểu trên ti vi trong các chương trình văn học nghệ thuật của vê tê vê hai từ hồi những năm chín mấy!
Nhưng vì nó mỏng quá, và vì cái tên của nhà văn cũng ngộ nghĩnh quá, lại là sách cho trẻ con. Nên tôi cũng tò mò, mở ra định là đọc lướt lướt rồi ra điều hoạnh hoẹ bọn Đậu phải đọc để biết tuổi thơ không ai pát! Và một lèo, tôi đã đọc hết veo trong cảm giác lâu rồi không gặp lại: sợ đọc nhanh quá hết mất chả còn gì ở trang sau!
Bình thường tôi hay bỏ qua lời giới thiệu, nhưng lần này, cũng vì sách mỏng quá và chả biết Lê Bầu là ai, nên tôi quyết định: cứ đọc từ đầu. Những trang đầu, là lời giới thiệu của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, và trời ơi, nó làm tôi xúc động vô cùng.
Lâu lắm rồi tôi mới đọc những lời một ai đó viết về một ai đó trong tác phẩm của một ai đó mà lại xúc động đến thế! Tôi như là có thể ngấm được tình yêu và quyến luyến của ông Tấn đã có với ông Bầu.
Ông Tấn nói đúng, những nhà Hà Nội học rất nên đọc cuốn này! Còn tôi, tôi thấy, ai yêu Hà Nội, yêu những phận người nơi đây cuốn này đúng là dành cho họ! Dù nó còn dở dang. Một sự dở dang, tôi chưa biết làm sao để tiếp nối vì ông Bầu đã mất, và ông Tấn cũng không còn!
Một người bạn - một tri kỷ trong văn chương và quan trọng hơn là trong cuộc đời. Tôi xúc động tận đáy lòng, thật sự là như vậy.
Còn về cuốn sách mỏng, rất mỏng mà ông Tấn bảo là không chỉ trẻ con đâu, người lớn cũng sẽ thích tôi cam đoan, cuốn này xuất bản ở Kim Đồng chứ nó thực ra là dành cho người lớn. Tất nhiên, bọn trẻ con, oeo căm chúng! Nhưng rõ ràng, chúng không phải đối tượng chính của cuốn này!
Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa cái tên chân thật là một ghi chép của ông Bầu về tuổi thơ - về cuộc sống của ông từ những năm 1930, thời còn là dân bãi dưới.
Cái thời Hà Nội khác lắm với bây giờ, thậm chí những từ ông dùng, những cái tên ông kể, những địa danh hay tục lệ, món ăn ông nêu lên tôi cũng còn ơ ra một lúc mới tặc lưỡi đọc tiếp được.
Đó quả là những trang ghi chép nhiều yêu thương và trân trọng cuộc đời, của một người nhiều tâm sự và rất bao dung.
Tôi không rì viu gì đâu, vì ông Tấn rì viu hay cực! Chân thật, cảm động và tận tâm. Những dòng di cảo cuối đời của ông Bầu để lại, viết tay trên những trang pơ luya nội (vì pơ luya ngoại được cho, ông đem cất kho để dành, đã bị gián nhấm hết sạch luôn)
Ông Tấn đã sắp xếp và "nhuận sắc" (từ ông Tấn dùng - tôi không hiểu rõ nhưng đại loại hiểu ý) thành cuốn sách khổ nhỏ xíu, 134 trang. Mà tịnh không thấy tên ông ở trang generic!
Định trích cho bà con thêm kích thích, nhưng mà thôi, không trích!
Thế này đi, các bạn của tôi ơi, hãy ki bo giống tôi, đừng mua gì to tát, chỉ tiêu hai tám nghìn cho cuốn sách này, rồi đọc nó đâu đó vào bất cứ lúc nào. Nó ngắn, cũng chả tốn nhiều thời gian. Cái chính là lúc đọc và sau đó, chúng mình sẽ thấy lâng lâng.
Các cô giáo, thầy giáo, rất nên thử nhắc tụi học sinh, mua cuốn này đọc thử. Ồ, nó hay và trong trẻo lạ kỳ! Là tôi nói về tinh thần ý, không phải nói về hành văn hay thủ pháp đâu ạ!
Tập hồi kí ngắn của anh có Tí Bủng, cầm đầu bọn anh chị bến ô tô Chợ Nứa (sau gọi là Bến Nứa) với cách đánh vợ chửa lạ đời: Lấy xẻng khoét một cái hố giữa nền nhà rồi bắt vợ nằm sấp úp bụng vào hố và đánh vào đít đúng mười roi! Có bà Cau, bán nước ở ngã tư đường Bờ Sông đối diện với ngã tư Hàng Đậu, hiền như bà bán nước trong cổ tích, trông thấy Bầu đi lang thang lên bến ô tô, ra ga xem chị em Bính Lớn, Bính Con lừa người nhà quê kiếm tiền là dặn: "Đứng xa xa chúng nó ra. Hỏng việc của chúng nó, chúng nó đánh chết". Có vợ chồng anh cả Mốc, có thầy cút lít, có cột đồng hồ trên đường vắng người, bọn cướp hay hoạt động...
Những tên phố, tên đường gợi một Hà Nội xưa, Nghĩa Dũng, An Dương, Tứ Tổng, chợ hoa Cổng Chéo Hàng Lược, dốc phố Hoè Nhai, hãng ô tô Con Thỏ của Lê Hữu Giai, Nhà Thương làm phúc...cùng những tên người: dì Ếch, dì Cua, dì Cơi hay cho Bầu uống xích tông ca la đinh, vợ chồng anh Cả Mốc, bác Bính kem...với những phương cách mưu sinh, kẻ bất lương, người lương thiện...đã cuốn hút tôi.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn
Theo Tuổi trẻ