Tiểu bang Victoria sẽ thí điểm chương trình bữa trưa miễn phí cho học sinh các cấp học tại trường công lập - Ảnh: Daniel Pockett/Getty Images
Tiểu bang Victoria sẽ thí điểm chương trình bữa trưa miễn phí cho học sinh các cấp tại trường công lập - Ảnh: Daniel Pockett/Getty Images

Tất cả học sinh các trường công lập ở tiểu bang Victoria (Úc) sẽ được cung cấp suất ăn miễn phí tại trường theo chương trình Bữa trưa lành mạnh thay vì phải mang thức ăn đến trường như lâu nay.

Đây là cam kết trị giá 300 triệu đô la Úc nằm trong chiến dịch tranh cử mà ông Matthew Guy - lãnh đạo Đảng Tự do tiểu bang Victoria - đưa ra mới đây “nhằm giúp đỡ các gia đình gặp áp lực về chi phí sinh hoạt trong bối cảnh lạm phát đang không ngừng gia tăng”.

 Theo The Guardian, quốc gia láng giềng New Zealand cũng đang triển khai chương trình tương tự. Mỗi tuần, New Zealand sẽ cung cấp 1 triệu suất ăn trưa cho học sinh các trường phổ thông trên cả nước.

“Đây là cách đơn giản mà chính phủ có thể thực hiện để giúp các gia đình trang trải một phần chi phí sinh hoạt”, ông Matthew Guy nói, “Tôi muốn bọn trẻ có một bữa trưa lành mạnh đúng nghĩa để tập trung vào việc học”.

Tiểu bang Victoria sẽ triển khai chương trình thí điểm từ năm 2023 và kết thúc vào cuối năm 2026.

Bữa trưa của học sinh Úc mang đi từ nhà bị cho là không làng mạnh - Ảnh: kidsonthecoast
Bữa trưa của học sinh Úc mang đi từ nhà bị cho là đơn điệu và không lành mạnh - Ảnh: kidsonthecoast

Thống kê cho thấy, hiện có khoảng 90% trẻ em ở Úc tự mang thức ăn đến trường, và 10% trẻ em còn lại ăn thức ăn mua từ căng tin trường, cửa hàng tạp hóa, hoặc nhận từ các chương trình hỗ trợ thực phẩm miễn phí. 

Thế nhưng, các chuyên gia đến từ Đại học Flinders và Đại học Công nghệ Queensland (QUT) nhận thấy, hơn 1/3 số thực phẩm học sinh ăn ở trường là "không tốt cho sức khỏe” với phần lớn bao gồm các loại bánh quy ngọt và mặn, thanh ngũ cốc có đường, khoai tây chiên và hầu như không có rau.

Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, quá trình phát triển trí não, khả năng tăng trưởng, sự tập trung và thành tích học tập của học sinh.

Theo ước tính, cứ 2 trẻ trên thế giới thì có 1 trẻ được cung cấp bữa ăn tại trường. Hầu hết trường học tại các quốc gia có thu nhập cao như Mỹ, Anh, Phần Lan, Thụy Điển, Pháp, New Zealand và Canada đều cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh.

Khá ngạc nhiên là điều này lại không xảy ra ở Úc bởi người dân nước này đã quen với khái niệm: cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm lo cái ăn cho con cái. Tuy nhiên, hiện đang có sự thay đổi khá mạnh mẽ ở “xứ sở chuột túi” liên quan đến việc nhà trường cần cung cấp bữa trưa cho học sinh tại trường.

Chẳng hạn như chương trình thí điểm ban đầu chỉ triển khai tại 3 trường ở tiểu bang Tasmania hiện đang được mở rộng lên 30 trường kể từ năm học 2022-2023.

Theo đó, các trường sẽ cung cấp cho học sinh một bữa ăn được nấu tại trường dựa trên thực đơn thay đổi mỗi ngày, vào một số ngày nhất định trong tuần. Qua quá trình theo dõi, nhà trường nhận thấy học sinh đến trường nhiều hơn vào những ngày có tổ chức ăn trưa. Việc cùng nhau ăn trưa cũng giúp học sinh tăng cường các kỹ năng xã hội và kết nối.

Cùng nhau ăn trưa tập trung tại trường sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội - Ảnh: Shutterstock
Cùng nhau ăn trưa tập trung tại trường sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội - Ảnh: Shutterstock

Có một phát hiện đáng chú ý mà nhóm nghiên cứu đưa ra: có tới 53% phụ huynh được khảo sát cho biết, họ sẵn sàng trả tiền để nhà trường tổ chức bữa ăn trưa cho con em mình tại trường chứ không nhất thiết phải cung cấp suất ăn miễn phí.

Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến lưu ý việc nhà trường tổ chức ăn trưa cho học sinh tại trường “cần phải phù hợp với các nền văn hóa, nhu cầu ăn kiêng và khu vực địa lý khác nhau” bởi Úc là quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc và trong một lớp có thể có nhiều học sinh đến từ các nền văn hóa khác nhau. Ngoài ra, cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn cung thực phẩm cũng là những vấn đề cần được tính đến.

Theo phụ nữ TPHCM