UNESCO công bố báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023 hôm 26.7. Với chủ đề công nghệ trong giáo dục, cơ quan này đã nêu bật tình trạng thiếu quản trị và quy định phù hợp, khuyến khích đặt ra các tiêu chuẩn riêng trong cách thiết kế và sử dụng công nghệ trong giáo dục, đồng thời phản ánh một số dữ liệu nổi bật của các quốc gia.
Điểm sáng Việt Nam
Theo đó, dữ liệu hiện tại của UNESCO cho thấy học sinh tại những quốc gia có thu nhập trung bình và thấp còn xa mới đạt đến mức độ thông thạo tối thiểu về các kỹ năng học tập.
Cụ thể, trong số 31 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp được ghi nhận dữ liệu từ năm 2019, duy nhất Việt Nam có hầu hết trẻ em đạt trình độ thông thạo tối thiểu hoặc cao hơn về đọc hiểu, làm toán khi kết thúc bậc tiểu học. Ngược lại, 18/31 quốc gia có chưa đến 10% trẻ em đạt mức thông thạo tối thiểu về đọc hiểu và/hoặc làm toán.
Cũng theo UNESCO, ít nhất 31% học sinh, tức gần nửa tỉ học sinh trên toàn thế giới từ mầm non đến THPT không thể tiếp cận hình thức học từ xa trong thời điểm dịch Covid-19. Nguyên nhân được cho là do học sinh không được tiếp cận với các công nghệ cần thiết và thiếu các chính sách hướng đến nhu cầu của các em.
Riêng tại Việt Nam, học sinh từ nhóm 20% nghèo nhất có khả năng học từ xa thấp hơn 34% so với học sinh từ nhóm 20% giàu nhất. Song song đó, học sinh từ hộ gia đình có trình độ học vấn thấp có khả năng học từ xa cũng thấp hơn 21% so với học sinh từ hộ gia đình có trình độ học vấn cao hơn.
Tuy nhiên, UNESCO cũng ghi nhận tinh thần vượt khó của học sinh Việt Nam trong bối cảnh đại dịch. Cơ quan này cho hay đã thực hiện khảo sát thực tế tại Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS, THPT Bát Xát (tỉnh Lào Cai) và đến thăm hộ gia đình của hai em Nong Van Duong (15 tuổi) và Nong Van Thanh (13 tuổi) là học sinh giỏi của trường này.
"Duong và Thanh gặp rất nhiều khó khăn vì Covid-19. Trong khi những học sinh khác dùng điện thoại thông minh hay máy tính xách tay để đến lớp, cả hai lại cố gắng sao chép bản ghi lại của buổi học trực tuyến để phát trên chiếc radio cũ màu đỏ. Tuy nhiên, Duong và Thanh đã chăm chỉ học tập và nhận nhiều giấy khen của trường Bát Xát", UNESCO viết trong báo cáo.
Ngoài ra, dữ liệu được trích dẫn bởi UNESCO cũng cho thấy ở Ấn Độ và Việt Nam, học sinh thế hệ đầu tiên (tức người đầu tiên trong gia đình theo học một cấp học cụ thể) có nguy cơ nghỉ học THCS cao hơn. Đây cũng là cấp học cao hơn mức mà cha mẹ các em đã đạt được.
Chú trọng đào tạo công nghệ
Hoạt động đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông (information and communication technology-ICT) cho giáo viên, học sinh cũng là một vấn đề được UNESCO phản ánh.
Theo đó, trên toàn cầu, 72% hệ thống giáo dục có chính sách, kế hoạch hoặc chiến lược đào tạo về công nghệ cho giáo sinh, 84% hệ thống giáo dục có chính sách, kế hoạch hoặc chiến lược phát triển chuyên môn cho giáo viên.
Đồng thời, khảo sát quốc tế về dạy và học năm 2018 cho biết trung bình 56% giáo viên THCS trong 48 hệ thống giáo dục đã được đào tạo về ICT trong quá trình giáo dục hoặc đào tạo chính quy, dao động từ 37% ở Thụy Điển và 97% tại Việt Nam. Đối với giáo viên, con số trung bình là 60%. Việt Nam tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ 93%, còn Bỉ ở vị trí thấp nhất là 40%.
Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học thời điểm dịch Covid-19 và nhiều hệ thống giáo dục chuyển đổi mô hình sang học trực tuyến đã thúc đẩy nỗ lực đào tạo giáo viên về ICT. Đến năm 2022, hơn 80% quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cho hay đã triển khai các hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên về kỹ năng số, từ bậc tiểu học đến THPT.
Việt Nam cũng được UNESCO ghi nhận khi đưa công nghệ trở thành một môn học độc lập, song song với những quốc gia phát triển như Anh, Thụy Sĩ, Hàn Quốc. Theo đó, cuộc cải cách chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã đưa ICT thành một môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3 đến lớp 9. Tại đây, các em được dạy về nền tảng của công nghệ kỹ thuật số và khoa học máy tính.
Theo Thanh niên