|
|
Việc sử dụng quá nhiều công nghệ kỹ thuật số có "mối quan hệ tiêu cực" với thành tích của học sinh - Ảnh minh họa: Adobe Stock |
Theo UNESCO, việc học sinh sử dụng điện thoại di động quá mức có liên quan đến việc giảm hiệu suất học tập cũng như dễ tác động tiêu cực đến sự ổn định cảm xúc.
Tổ chức này đã kêu gọi cấm điện thoại thông minh, đồng thời cảnh báo các nhà hoạch định chính sách không nên lạm dụng việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, từ đó phóng đại các tác động tích cực của nó. Báo cáo kết luận: “Không phải mọi thay đổi đều tạo nên sự tiến bộ. Chỉ vì điều gì đó có thể được thực hiện không có nghĩa là nó nên được thực hiện”.
Trong báo cáo, UNESCO cho biết, các quốc gia cần xây dựng mục tiêu và nguyên tắc rõ ràng để đảm bảo công nghệ kỹ thuật số trong giáo dục có lợi và tránh gây hại đối với sức khỏe của từng học sinh, cũng như nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư hoặc kích động hận thù trực tuyến.
Việc sử dụng các thiết bị công nghệ quá mức hoặc không phù hợp có thể khiến các em mất tập trung và gây tác động bất lợi cho việc học tập. Báo cáo trích dẫn dữ liệu đánh giá quốc tế quy mô lớn cho thấy việc sử dụng quá nhiều thiết bị kỹ thuật số có “mối liên hệ tiêu cực” với thành tích của học sinh.
Mặc dù công nghệ có khả năng mở ra cơ hội học tập cho hàng triệu người, nhưng những lợi ích được chia sẻ không đồng đều, khi mà nhiều học sinh nghèo bị loại trừ khỏi phần lớn lợi ích.
Trong báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu năm 2023, UNESCO cho biết, có rất ít nghiên cứu cho thấy công nghệ kỹ thuật số mang lại giá trị đáng kể cho giáo dục. Phần lớn bằng chứng do các công ty giáo dục tư nhân đưa ra trong khi họ đang cố gắng bán các sản phẩm học tập kỹ thuật số.
Cũng theo UNESCO, các quốc gia đã “nhận thức được tầm quan trọng của việc đặt người học lên hàng đầu”. Tại Trung Quốc, chính phủ đưa ra giới hạn đối với việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số làm công cụ giảng dạy, theo đó, các thiết bị được sử dụng trong 30% tổng thời gian giảng dạy, và học sinh phải thường xuyên nghỉ giải lao.
UNESCO thừa nhận việc dạy học trực tuyến là cần thiết trong thời gian đại dịch bùng phát. Ước tính, hơn 1 tỉ sinh viên trên toàn cầu đã chuyển sang học trực tuyến trong thời kỳ đại dịch. Dù vậy, hàng triệu sinh viên nghèo đã bị bỏ loại phía sau.
Dựa trên phân tích 200 hệ thống giáo dục toàn cầu, UNESCO ước tính 1/6 quốc gia trên thế giới đã cấm điện thoại thông minh trong trường học. Trong đó, Pháp đã bắt đầu vào năm 2018 và sắp tới Hà Lan là quốc gia tiếp theo sẽ đưa ra các hạn chế từ năm 2024.
Bộ trưởng giáo dục Hà Lan Robbert Dijkgraaf cho biết: “Học sinh cần có khả năng tập trung và cần được tạo cơ hội để học tập tốt. Nghiên cứu khoa học cho thấy điện thoại di động là một sự xáo trộn. Chúng ta cần phải bảo vệ học sinh chống lại điều này”.
Ở Anh, cựu thư ký giáo dục Gavin Williamson đã kêu gọi cấm điện thoại di động trong trường học vào năm 2021. Tuy nhiên, các hiệp hội giáo dục không đồng ý, vì cho rằng hệ thống trường học đã có chính sách sử dụng điện thoại thông minh riêng trong nhiều năm.
Việc sử dụng điện thoại thông minh trong trường học tại Anh sẽ do hiệu trưởng quyết định. Những học sinh lạm dụng điện thoại hoặc các thiết bị kỹ thuật số khác trong khuôn viên trường có thể đối mặt với việc bị tịch thu thiết bị, đồng thời bị áp dụng các biện pháp trừng phạt khác như cấm túc.
Theo phụ nữ TPHCM