Hình ảnh quảng bá phim Sex/ Life - Ảnh: IMDb
Cốt truyện của các phim này không đến nỗi vô nghĩa nhưng thực chất chỉ làm nền cho những cảnh quay tình dục. Tâm lý nhân vật cũng chỉ hời hợt, đôi khi quá gượng ép và cổ xúy lối sống dễ dãi, độc hại.
Câu hỏi đặt ra là liệu các ứng dụng trực tuyến dễ dàng có chạy theo xu hướng này chỉ để thu hút khán giả?
Vừa câu khách, vừa dở tệ
Sex/Life (Đời sống/Tình dục) là cái tên khá khô khan cho một loạt phim mùi mẫn. Khoảng 20 phút đầu của tập 1, người xem sẽ ngạc nhiên với cách vào đề của phim: khá... nghiêm túc, với các cảnh quay đẹp và diễn xuất không quá tệ.
Chủ đề của phim không quá tệ: khủng hoảng của một phụ nữ Mỹ khi lui về làm người vợ, người mẹ thầm lặng ở ngoại ô, rời xa quá khứ ăn chơi, nổi loạn ở trung tâm New York hoa lệ.
Chán nản vì chồng thờ ơ ân ái, Billie Connelly (Sarah Shahi) càng ám ảnh về mối tình quá khứ. Nội tâm những người phụ nữ như vậy cũng là chủ đề đáng khai thác, đôi khi nhận được sự đồng cảm.
Sex/Life bị chê "dở đến nực cười" - Ảnh: IMDb
Đây có thể sẽ là một phim xem được nếu như mối tình quá khứ của Billie chẳng có gì đặc sắc ngoài việc ngập trong sắc dục. Đó không phải là tình yêu khắc cốt ghi tâm hay mong muốn gắn bó suốt đời.
Bạn trai cũ của Billie là kẻ lăng nhăng, ngoại tình khi cô vừa sẩy thai và quan hệ với cả bạn thân của cô. Về phía vợ chồng Billie, khi thấy vợ ngày càng ám ảnh với bồ cũ, người chồng cũng hâm nóng hôn nhân bằng những màn phiêu lưu tình dục.
Chính vì lối khai thác chỉ có tình dục và tình dục, Sex/Life đánh mất hoàn toàn trọng tâm, thông điệp. Cốt truyện, tình tiết và mớ lời thoại như được chế ra chỉ để phục vụ cho các cảnh quan hệ xác thịt ngập ngụa.
Các nhân vật bị chi phối bởi ham muốn sắc dục nên tâm lý cũng được xây dựng hời hợt, khiên cưỡng. Phim bị chỉ trích vì cái kết cổ xúy ngoại tình.
Trước phim này, 365 Days (365 ngày) của Netflix cũng nhận nhiều chỉ trích vào năm 2020. Chỉ đạt 3,3 điểm trên IMDb, 365 Days thậm chí còn tệ hơn Sex/Life khi toàn bộ cốt truyện chẳng có một ý tứ nào đáng kể.
Massimo, một tên trùm mafia, bắt cóc Laura - người phụ nữ khiến hắn ám ảnh chỉ sau lần đầu trông thấy. Massimo cho Laura 365 ngày để đem lòng yêu hắn, nếu không sẽ trả tự do cho cô.
365 Days thuộc hàng phim thảm họa - Ảnh: IMDb
Nếu dàn diễn viên của Sex/Life đóng không quá dở thì dàn diễn viên của 365 Days thực sự là thảm họa, chẳng làm gì nhiều ngoài phô diễn cơ thể, biểu cảm tệ hại. Cách xây dựng nhân vật, lời thoại, tình tiết của phim đều thảm họa, khiến khán giả nổi da gà vì quá khiên cưỡng, khó cảm.
Dù phim dở tệ, có lý do rõ ràng để Netflix tiếp tục sản xuất, phát hành các phim này: chúng có nhiều người xem. Nếu Sex/Life leo lên top 10 ở nhiều nước ngay sau khi phát hành, được quảng bá rầm rộ ở trang chủ thì 365 Days cũng vào top 10 phim được xem nhiều nhất của Netflix trong năm 2020.
Hậu quả của lối làm phim hời hợt
Các bộ phim về sắc dục, có xếp hạng độ tuổi dành cho người lớn cũng là một dòng phim chuyên biệt trên các ứng dụng trực tuyến. Chúng được sản xuất dành cho người lớn, nói những vấn đề của người lớn nên không thể nói là vô nghĩa, không cần thiết. Tuy nhiên, nếu cứ sản xuất những tác phẩm tệ hại, loại phim này sẽ ngày càng sa sút.
Fifty Shades of Grey (truyện và phim) không phải là tác phẩm hay, nhưng ít nhất có cốt truyện, thông điệp rõ ràng và từng giúp một bộ phận độc giả, khán giả "hâm nóng" hôn nhân. Một số phim về sau gây cảm giác bắt chước và ăn theo thành công của Fifty Shades of Grey nhưng thiếu bản sắc, kể những câu chuyện không có gì đáng xem.
Thành công của Fifty Shades of Grey kéo theo nhiều phim sắc dục - Ảnh: UNIVERSAL
Theo trang Bustle, chúng ta đang sống ở thời đại rất thuận tiện để xem các nội dung sắc dục trên ứng dụng trực tuyến. Vấn đề là một phần trong số đó thực sự tệ hại và chỉ được làm ra để câu khách. Nhiều người xem xong Sex/Life bày tỏ họ hối hận vì đã lãng phí thời gian.
Trang The A.V. Club cũng phê phán phim này vì lối chuyển thể lộn xộn, bỏ qua nhiều tình tiết cần thiết để tạo nên chiều sâu cho nhân vật.
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết 44 Chapters About 4 Men. Theo như cuốn sách, người đọc có thể hiểu thêm về gốc gác của Billie cũng như trình độ giáo dục khá cao của cô, để hiểu vì sao cô nuối tiếc sự nghiệp và quá khứ trước khi lấy chồng.
Nhìn chung, dù lỗi nằm ở khâu nào, các phim dạng này dễ thất bại vì lối làm phim hời hợt, tập trung phô bày cơ thể nhân vật thay vì quan tâm đến tâm hồn họ.
Sex and the City, series nổi tiếng một thời về phụ nữ và tình dục - Ảnh: HBO Trước đây, các nhà sản xuất phim truyền hình từng sản sinh những loạt phim đáng xem như Sex and the City, cũng là nói về tình dục và nữ giới nhưng dí dỏm, sâu sắc hơn nhiều. Phim tìm hiểu những suy tư, triết lý, quan điểm sống đằng sau nhu cầu tình dục của các mẫu phụ nữ khác nhau trong xã hội. Sex and the City khép lại vào năm 2004, và thật đáng buồn nếu như bây giờ phim về chủ đề tình dục và nữ giới lại thụt lùi. |
Theo tuoitre