Những trang viết dọc đường đất nước
Vắt qua những ngàn mây (du ký, Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời (tản văn - khảo cứu, Vũ Thế Long) là 2 tựa sách vừa hoàn tất phần chuyển ngữ tiếng Hoa và sẽ phát hành tại Trung Quốc trong thời gian tới. Đây cũng là những tựa sách tiên phong “ra thế giới” của Tủ sách Văn hóa Việt, do Chibooks đầu tư và ấn hành. Lễ ký kết bản quyền giữa đơn vị và Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật Quảng Tây vừa diễn ra vào sáng 20/5, tại TPHCM.
|
Các tác phẩm trong Tủ sách Văn hóa Việt sẽ đến với bạn đọc xứ Trung |
Đây là tin vui cho Chibooks nói riêng và hành trình “xuất khẩu văn chương Việt” nói chung. Các tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt đều mang đậm dấu ấn văn hóa của nhiều vùng đất; trong đó, một số tác phẩm từng được đề cử/vinh danh tại các giải thưởng văn chương trong nước. Viết về Hà Nội, ngoài tác giả Vũ Thế Long còn có tác giả Hồ Công Thiết, với tác phẩm Phố Hàng Bột, chuyện “tầm phào” mà nhớ. Những trang viết cho người đọc ngược dòng thời gian về lại phố xưa với đời sống sinh hoạt, ẩm thực cùng những giá trị văn hóa bản sắc của Hà thành một thuở.
Với xứ Huế, tác giả Phi Tân có loạt sách tạo dấu ấn: Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm…; cùng các tập tản văn: Cơm nhà xứ Quảng (Lưu Bình), Một thời mạ Huế (Nguyễn Khoa Diệu Hà), Vị Huế xưa (Lê Thị Ngọc Hà). Dặm đường đất nước xuất hiện trong những ghi chép của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng (tác phẩm Vắt qua những ngàn mây của anh viết về miền núi phương Bắc), Đào Thị Thanh Tuyền (với 2 tác phẩm: Nha Trang mùa đẹp nhất và Sài Gòn ruổi rong nỗi nhớ), Lê Quang Trạng (với Những hạt bùn vạn dặm viết về tình đất, tình người miền Tây Nam Bộ)… Cảm xúc và ký ức của mỗi tác giả lưu dấu trên trang viết với những phong cách khác nhau. Có thâm trầm thiết tha, có nhẩn nha giản dị, nhưng tất cả đều là những rung cảm sâu sắc, chia sẻ ký ức cùng những câu chuyện về lịch sử, của đất và người.
Tủ sách Văn hóa Việt được Chibooks cho ra mắt vào giữa năm 2021, đến nay đã có thêm nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền. Hành trình tìm kiếm và xuất bản các tác phẩm vẫn đang tiếp tục và đó đều là những cuốn sách sẽ có cơ hội ra thế giới. Mỗi nơi chốn đều có những vẻ đẹp rất riêng, tất cả cùng cộng hưởng trên trang viết, làm đầy bức tranh văn hóa Việt. Các tác phẩm đến với bạn đọc nước ngoài cũng chính là cùng trao gửi những giá trị bản sắc và tâm hồn Việt.
Lan tỏa từ “sức mạnh mềm” của văn hóa
Khi tập sách tranh Sống được phát hành tại Pháp (năm 2023), tác giả Hải Anh - con gái đạo diễn Việt Linh - cùng họa sĩ Pauline Guitton đã được mời giao lưu, chia sẻ tại nhiều thành phố Pháp, Thụy Sĩ và Canada. Bạn đọc các nước đã đón nhận câu chuyện kể về gia đình mà cũng là một phần của lịch sử Việt Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ. Tác giả Hải Anh chia sẻ, nhiều độc giả tại Pháp đã bộc bạch rằng, họ chọn đọc Sống vì muốn hiểu hơn về Việt Nam, về một giai đoạn mà họ chưa được biết đến nhiều, nhất là khi câu chuyện ở chiến khu bưng biền trong sách được kể lại từ chính người trong cuộc.
Sau Sống, tác giả Hải Anh và họa sĩ Pauline tiếp tục nhận lời mời của một tạp chí tại Pháp viết và vẽ truyện tranh Mèo Việt Nam (đã ra mắt vào tháng Tư vừa qua).
Mới đây, tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài bất ngờ nhận được làn sóng khen ngợi trên mạng xã hội xứ Trung (bản sách tiếng Hoa được phát hành vào năm 2018). Cảm nhận, chia sẻ của bạn đọc về tác phẩm được đánh giá là “câu chuyện Việt chạm đến cả thế giới” này được đăng trên những trang bán sách, các diễn đàn ở Trung Quốc. Dế Mèn phiêu lưu ký đến nay đã được xuất bản tại hơn 40 nước, với hơn 20 ngôn ngữ. Bên cạnh đó, một số tác phẩm văn học Việt Nam cũng đã được chuyển ngữ và phát hành tại nhiều quốc gia.
“Đường ra thế giới” của văn học Việt đã bắt đầu với những tên tuổi lớn: Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… Sau này là sự tiếp nối của sách tranh, một số tựa sách đậm dấu ấn Việt đã được mua bản quyền, phát hành tại nhiều nước: Truyện tranh dân gian Việt Nam, Lược sử nước Việt bằng tranh, Hành trình đầu tiên (sách tranh về miền Tây Nam Bộ), Đủng đỉnh trăng đi, Đón tết về nhà… Đây là niềm tự hào cho những giá trị Việt đã được lan tỏa ra thế giới bằng văn chương. Thông qua những hội sách/giải thưởng sách quốc tế và các chương trình/diễn đàn giao lưu văn học - văn hóa với các nước, sách Việt cũng như những giá trị về lịch sử - văn hóa và tinh thần Việt đã có nhiều cơ hội được chia sẻ và lan tỏa đến bạn bè quốc tế hơn.
“Sách Việt, đặc biệt là sách văn hóa, văn học được dịch ra ngôn ngữ khác luôn là niềm vui lớn, thậm chí là ước mơ của những người làm sách cũng như của các nhà văn Việt Nam. Việc xuất bản tác phẩm sang Trung Quốc hay các nước nói chung là minh chứng cho việc kết nối các tâm hồn dù cách xa về địa lý, đồng thời là sự giao lưu văn hóa sâu sắc và bền vững nhất” - nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - bày tỏ.
Dù thời điểm này, hành trình ra thế giới của sách Việt vẫn chưa phải là con đường thênh thang và dễ dàng, nhưng những cánh cửa đang dần mở ra.
Theo phụ nữ TPHCM