Hành trình chạy bộ thăm bà của Corey Cappelloni (45 tuổi) được chia sẻ trên Runner's World hôm 21/6, gây xúc động và tạo động lực cho nhiều người đang phải cách ly, chữa nCoV.

Chỉ còn một chặng ngắn nữa, Corey Cappelloni sẽ hoàn thành quãng đường 354 km từ thủ đô Washington D.C đến TP Scranton, bang Pennsylvania (Mỹ). Anh bất ngờ khi nhìn thấy dòng người vẫy chào mình ở hai bên đường. Mục đích của Cappelloni không phải trở về quê như người hùng, mà chỉ muốn thăm bà ngoại Ruth Andres (98 tuổi), vừa trải qua những ngày chiến đấu với Covid-19.

Nhiều người đổ ra đường hò reo, cổ vũ "chặng đường chạy hiếu thảo" của VĐV Corey Cappelloni. Ảnh: Christopher Dolan.

 

Suốt thời thơ ấu, Cappelloni được bà chở che, yêu thương, tin tưởng anh vô điều kiện. Khi trưởng thành, anh quyết định tham gia giải marathon trên cát khắc nghiệt nhất thế giới, bà vẫn ở sau cổ vũ anh.

Từ tháng 3, khi Covid-19 bùng phát, chính phủ Mỹ phong tỏa toàn quốc, bà Ruth Andres dần bi quan, thường gọi hỏi cháu: "Sẽ thế nào nếu không được gặp lại cháu?". Cappelloni hiểu nỗi lo của bà, nhưng không biết cách nào về quê. Mỗi ngày, anh gọi điện xoa dịu bà, mỗi tuần gửi chocolate, sách ảnh du lịch đến viện dưỡng lão.

Cứ đến cuối tuần, bà Ruth Andres lại háo hức mong chờ những món quà từ cháu trai. Điều này càng thôi thúc Cappelloni sớm quay lại quê nhà Scranton. Anh và bạn gái Susan Kamenar nảy ý tưởng táo bạo chạy bộ về thăm bà. Họ trao đổi dự định của mình với viện trưởng viện dưỡng lão. Cuộc trò chuyện đã biến kế hoạch riêng của Cappelloni thành sự kiện gây quỹ ủng hộ nhân viên y tế, đồng thời nâng cao nhận thức về dịch bệnh của cư dân tại các cơ sở trợ giúp và trung tâm phục hồi chức năng toàn cầu. Họ đặt tên hành trình này là "Run to Ruth".

Cappelloni và bạn gái lên kế hoạch cho chặng đường chạy dài 354 km đến thành phố quê hương. Họ kiểm tra Google Maps và Google Street để đảm bảo có tuyến đường an toàn. Bạn gái anh sẽ lái xe RV chở thực phẩm và thuốc men theo sau, hỗ trợ Cappelloni khi cần thiết.

Khi cả hai sắp bước vào hành trình, họ nhận được tin dữ. Bạn cùng phòng của bà Ruth Andres dương tính với Covid-19, bà ngoại anh cũng lây nhiễm ngay sau đó. Cappelloni nóng lòng muốn đến Scranton ngay lập tức, nhưng cuối cùng anh vẫn quyết định thực hiện lịch trình đã vạch sẵn.

"Mọi người hỏi tôi có nên tăng thêm ngày chạy, nhưng tôi không muốn. Làm vậy là thừa nhận thất bại. Tôi biết bà ngoại sẽ chiến đấu. Bà cũng có số dặm riêng cần chinh phục", Cappelloni nói.

Cappelloni chia sẻ ảnh thời thơ ấu bên bà.

 

Cappelloni bắt đầu chạy vào 5h30 sáng thứ sáu, ngày 12/6. Trong toàn bộ hành trình, ngày chạy thứ 6 là khó khăn nhất, cơ thể anh đau nhức và mệt mỏi vì vận động quá nhiều. Tuy nhiên, đó cũng là lúc anh nhận được tin tốt, kết quả xét nghiệm cho thấy bà Ruth đã âm tính với nCoV. VĐV được tiếp thêm năng lượng. Anh nghỉ ngơi một ngày và tiếp tục đường chạy vào sáng thứ sáu, ngày 19/6.

Sự hưng phấn do sắp hoàn thành kế hoạch giúp anh nhanh chóng chinh phục 20 km đầu tiên, nhưng chậm lại vì đi lạc đường. Tuy nhiên, Cappelloni vẫn kịp ghé vào nhà cũ và nơi mình sinh ra, bày tỏ lòng tôn kính với người thân đã mất.

Khi hành trình còn 2,4 km, người dân trong vùng đổ ra đường, mang theo băng rôn, cờ, bóng bay cổ vũ Cappelloni. VĐV tiếp tục chạy đến viện dưỡng lão và hướng mắt lên tầng bốn - nơi cửa sổ phòng ngủ của bà - thấy tấm băng rôn viết chữ màu tím: "I love you, Corey - Nana" (bà yêu cháu, Corey - bà ngoại). Cappelloni xúc động, vừa hồi sức, vừa nói chuyện với bà qua điện thoại. Họ không thể trực tiếp gặp nhau, dù mong ngóng đoàn tụ sau nhiều ngày xa cách.

Sau 7 ngày chạy 354 km, Cappelloni không chỉ hoàn thành mục tiêu thăm bà, anh còn thu về gần 25.000 USD cho tổ chức Allied Services Foundation chống Covid-19. Chặng đường dài khiến chân anh đau nhức, cần vài tuần nghỉ ngơi, nhưng cũng là dấu ấn đáng nhớ trong sự nghiệp marathon của Cappelloni.

"Khoảnh khắc nói chuyện với bà qua cửa sổ là giây phút đẹp nhất cuộc đời tôi. Sẽ thật tuyệt nếu được vào trong viện, nhưng dù sao, điều này cũng có ý nghĩa to lớn", anh nói thêm.

Theo Ione