Cả người Mỹ lẫn người Nhật đều rất ít nghỉ ngơi


Trong khi người Mỹ có khuynh hướng tự thúc đẩy phát triển theo hướng cá nhân thì người Nhật rất xem trọng tính tập thể. Đó là điểm khác biệt đặc trưng giữa văn hóa công sở Nhật và Mỹ dưới sự quan sát của Yasmin Sara Merchant - một nhà báo hiện làm việc tại New York từng có khoảng thời gian sinh sống ở Tokyo.

Nhân viên công sở Nhật chỉn chu hơn

Người Mỹ thường thoải mái, tự nhiên hơn so với người Nhật ở nơi công sở, theo chia sẻ của Noriyuki Matsuda - nhà sáng lập của công ty sản xuất phần mềm định hướng người tiêu dùng Sourcenext trên Business Insider.

Theo ông, trong công việc, người Nhật sẽ rất ngạc nhiên nếu nghe ai đó gọi người khác bằng tên thay vì họ của họ. “Điều này có thể bị xem là thô lỗ ở Nhật”, Noriyuki cho biết.

Trong thời gian ở Tokyo, Yasmin sống ngay gần ga Kasai ở Edogawa, một khu vực đông đúc với rất nhiều nhân viên văn phòng. Theo những gì quan sát được về cách ăn mặc của họ, cô cho biết khái niệm “quần áo công sở giản dị” có thể xem là không hề tồn tại ở đây, và việc nhìn thấy một nhân viên công sở trong bộ trang phục màu sáng là rất hiếm.

Hầu hết những nhân viên công sở nam (thường được gọi là salarymen) luôn mặc các bộ vest màu xám, xanh thẫm hoặc đen và đeo cà vạt kể cả trong mùa hè. Các nhân viên nữ cũng có cách ăn mặc tương tự: một chiếc áo sơ mi trắng đi cùng áo vest xanh hoặc đen và váy, vớ mỏng bó sát phối cùng giày cao gót màu đen và tóc được buộc theo kiểu đuôi ngựa.

Người Nhật thích tổ chức ăn uống sau tan làm.

Trong nhiều công ty Nhật, các nhân viên luôn phải có được sự đồng ý của cấp trên mỗi khi ra quyết định

Theo một bài báo của Đại học Doshisha tại Kyoto, “Ho – ren – so” là được xem là câu thần chú mà rất nhiều công ty Nhật tuân theo nghiêm ngặt. Ho – ren – so là chữ viết tắt của ba từ: Houkoku (báo cáo), Renraku (liên lạc) và Soudan (hỏi ý kiến).

Điều này có nghĩa nhân viên ở các công ty Nhật phải luôn cập nhật tình hình công việc cho cấp trên của mình. Mỗi quyết định, dù lớn hay nhỏ, đều phải được thông qua đầy đủ các cấp, bộ phận liên quan và phải có dấu mộc xác nhận của người sếp. Mỗi khi có vấn đề phát sinh, các nhân viên phải báo cáo ngay lập tức cho cấp trên trước khi tự mình đưa ra bất kỳ giải pháp nào.

Công ty Mỹ tập trung vào cá nhân trong khi công ty Nhật xem trọng tổ chức

Trong quyển sách When Cultures Collide (Khi các nền văn hóa va chạm), nhà ngôn ngữ học người Anh Richard Lewis đã thống kê những điểm khác biệt giữa các phong cách lãnh đạo trên thế giới. Ông nhận ra rằng các công ty Mỹ đa phần sẽ dựa trên một hệ thống gọi là “chủ nghĩa cá nhân có cấu trúc” (structured individualism).

Theo Lewis, “Các nhà quản lý người Mỹ có khả năng làm việc nhóm và tinh thần hợp tác, nhưng họ đánh giá cao sự tự do cá nhân và điều đầu tiên mà họ quan tâm là phát triển sự nghiệp của riêng mình”. Trong khi đó, các nước Đông Á lại tập trung hơn vào tập thể. “Họ có xu hướng phân cấp theo hệ tư tưởng Nho giáo, nơi cực kỳ tôn trọng tập thể và người sếp được xem là một người có lòng nhân từ”, Lewis cho biết.

Người Nhật thường thích tổ chức ăn uống với đồng nghiệp sau giờ làm

Yasmin cho biết, bất kỳ khi nào đến quán karaoke hay tham gia các buổi nomikai (một dạng tiệc uống), bạn cũng sẽ dễ dàng bắt gặp các nhân viên công sở đang cùng nhau uống rượu và trò chuyện.

Khi kết thúc ngày làm việc, nhân viên công sở Nhật rất thường tụ tập ăn uống cùng nhau. Dù không nhất thiết nhưng phép xã giao này rất được xem trọng, đây đồng thời cũng là cách hiệu quả giúp họ xây dựng các mối quan hệ. 

Cả hai quốc gia đều có thời gian làm việc dài và nghỉ ngơi rất ít

Dù có rất nhiều khác biệt về văn hóa làm việc, giữa hai nước có một điểm chung đó là người Mỹ và người Nhật đều làm việc nhiều giờ và nghỉ ngơi tương đối ít hơn so với những quốc gia phát triển khác. Nhật Bản khét tiếng là quốc gia có cường độ làm việc cao với nhiều giờ liên tục. Thậm chí ở đây còn có thuật ngữ để chỉ một hiện tượng rất phổ biến là "karoshi", nghĩa là chết vì làm việc quá sức.

Tuy nhiên dựa theo dữ liệu năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, các nhân viên tại Mỹ có thời gian làm việc trung bình hàng năm còn cao hơn cả người Nhật. Hơn thế nữa, một nhân viên người Mỹ trung bình chỉ dùng khoảng một nửa thời gian nghỉ phép được trả lương, dựa theo một báo cáo của website việc làm Glassdoor vào năm 2017. Và, hơn 60% những nhân viên sử dụng kỳ nghỉ ngắn ngủi này đều thường xuyên báo cáo công việc trong suốt thời gian họ không ở văn phòng.

Tương tự, một khảo sát được thực hiện bởi công ty du lịch Expedia cho thấy, người lao động Nhật Bản chỉ dùng khoảng một nửa ngày phép trong năm, và rất nhiều nhân viên cho biết họ có cảm giác tội lỗi mỗi khi nghỉ phép.

Theo Doanh nhân Sài Gòn