|
|
Cảnh trong Tiệc trăng máu - TƯ LIỆU |
Hội thảo khoa học quốc tế Văn học và Điện ảnh Việt Nam, Hàn Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa do Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Quỹ Korea Foundation tổ chức, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, CLB Sân khấu và Điện ảnh, CLB Cây Bút Trẻ và NXB Tổng hợp TP.HCM, diễn ra trực tuyến lẫn trực tiếp tại TP.HCM.
Câu chuyện về sự gặp gỡ, tương đồng, giao thoa văn hóa Việt - Hàn trên màn ảnh trở nên sôi nổi khi nội dung các diễn giả đề cập gắn liền với bộ phim Tiệc trăng máu (bản gốc Perfetti Sconosciuti của Ý, được đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm lại gần với phiên bản phim Hàn Intimate Strangers), hiện tượng phòng vé nổi bật nhất đối với dòng phim remake tại Việt Nam.
Sự tương đồng nhìn từ Tiệc trăng máu
Điều gì khiến một bộ phim được làm lại, giống nguyên tác từ bản phim Hàn đến hơn 80% lại được đón nhận như thế từ khán giả Việt trong bối cảnh điện ảnh nước nhà đang gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19? Theo thạc sĩ Đinh Trần Thúy Vi (Ngành Truyền thông đa phương tiện, ĐH Gia Định), giữa rất nhiều phiên bản thành công của các nước, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã chọn Intimate Strangers của Hàn để định hình bộ phim, lý do đơn giản là bởi nền văn hóa của hai nước có những điểm giống nhau nhất định, thuận lợi để triển khai một kịch bản Việt hóa.
Thạc sĩ Đinh Trần Thúy Vi phân tích: Hai bộ phim đều được quay ở bối cảnh là một căn hộ sang trọng, với một bữa ăn sang trọng, những chiếc điện thoại thời thượng. Ngoài ra, từ phục trang đến tạo hình nhân vật đều có thể nhận thấy sự tương đồng trong văn hóa ẩm thực (những bữa tiệc lớn thường chủ nhà sẽ đãi đồ Tây), văn hóa ăn mặc của tầng lớp thượng lưu phương Đông (những bộ quần áo kín đáo, đơn giản nhưng tinh tế, đẳng cấp). “Hơn thế, từ việc xây dựng hình tượng nhân vật với những nghề nghiệp đều được coi trọng ở Hàn Quốc và Việt Nam: bác sĩ, giáo viên, luật sư (bản phim Hàn), nhà báo (bản phim Việt)… cả 2 phim đều thành công trong việc bóc tách từng lớp cảm xúc, diễn biến tâm lý của nhân vật; từ đó khái quát nên hai bức tranh châu Á cùng có những gam màu tối tương đồng: vẫn tồn tại giữa thời đại văn minh những người đàn ông gia trưởng; mâu thuẫn muôn thuở giữa mẹ chồng - nàng dâu; sự chênh lệch về hoàn cảnh xuất thân dẫn đến những cuộc hôn nhân ngầm rạn nứt; những cuộc ngoại tình chồng chéo; chật vật tìm sự công nhận cho giới tính thứ ba...”, cô chia sẻ.
Cùng những nét tương đồng nhưng không khiên cưỡng của hai phim, không khó để nhận thấy cả Tiệc trăng máu và Intimate Strangers vẫn giữ được “màu” dân tộc đậm đà. Chẳng hạn phân cảnh nhân vật Soo Huyn (phiên bản Hàn) đọc bài thơ của một tác giả lâu đời Hàn Quốc, còn nhân vật Quỳnh (bản Việt) đọc thơ Xuân Quỳnh cũng như thêm thắt những thành ngữ để cuộc hội thoại thêm phong phú: “Người ta có câu đồ tốt là đồ mới, còn bạn tốt là bạn cũ”, khiến người xem thấy gần gũi và dễ xúc động…
|
|
Cảnh nữ chính phim One The Woman dùng tục ngữ Việt Nam để mỉa mai nhân vật phản diện |
Hình ảnh Việt Nam trong phim Hàn
Xuất phát từ sự tương đồng văn hóa, không chỉ ngày càng nhiều phim Hàn được mua bản quyền để làm lại tại Việt Nam (Gạo nếp gạo tẻ, Gia đình là số 1, Vua bánh mì, Cây táo nở hoa… ở mảng truyền hình hay Để mai tính 2, Mười, Em là bà nội của anh… ở mảng điện ảnh), mà hình ảnh người Việt, Việt Nam trong các phim Hàn cũng được khai thác mới mẻ, thú vị hơn (trước đây chỉ thấy trong các phim liên quan chiến tranh).
Tạo nên sự hào hứng nhất phải kể đến series Hàn gây sốt tại Việt Nam mới đây: One The Woman (Nữ thanh tra tài ba), khi khán giả bày tỏ sự khoái chí vì thoại của nữ chính (do hoa hậu Hàn Quốc Honey Lee đóng) có dùng tục ngữ Việt Nam (để mỉa mai kẻ thua cuộc): “Để tôi dạy cô một câu tục ngữ của Việt Nam nhé. Đi đêm có ngày gặp ma. Tiếng Hàn cũng có câu tương tự ấy: Đuôi dài có ngày tự giẫm phải”. Trước đó, cũng trong phim này, người xem không nhịn được cười khi lần đầu tiên có một nữ chính người Hàn “bắn” tiếng Việt (trong lúc trò chuyện với người giúp việc, do người Việt đóng).
Một bộ phim khác, My Nickname is President (tạm dịch: Biệt danh của tôi là tổng thống), thể loại sitcom, tuy không phủ sóng rộng rãi tại Hàn nhưng cũng gây chú ý khi nhân vật chính là du học sinh (lúc bấy giờ) Nguyễn Đăng Cự. Trong phim, anh bị bắt nạt, phân biệt đối xử khi đi làm vì có mẹ người Việt, cha người Hàn; để vượt qua những định kiến xã hội, anh đã phải chứng tỏ khả năng của mình. Anh từng chia sẻ với báo chí, thông qua bộ phim, hy vọng người dân nơi đây có cái nhìn tích cực hơn về cộng đồng người Việt tại xứ sở kim chi.
Có gần 50 học giả, chuyên gia đến từ các trường ĐH, viện nghiên cứu trong và nước ngoài như: Viện Văn học, các trường ĐH ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, ĐH Yonsei, ĐH Seoul, ĐH Dankook ở Hàn Quốc, British Columbia (Canada), Baptist (Hồng Kông), Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm khoa học Nga… tham gia hội thảo.
Vào 8 giờ sáng nay 28.11, tọa đàm điện ảnh: Phim “remake”: từ mô phỏng đến sáng tạo (diễn ra trên nền tảng Google Meet) có sự tham gia của diễn giả: đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Phan Gia Nhật Linh và TS Đào Lê Na.
|
Theo thanhnien