Mỗi bức vẽ là một câu chuyện

Trong những ngày cả nước cùng hướng về đồng bào miền Bắc, họa sĩ Lê Sa Long đã có bộ tranh Thương lắm, đồng bào tôi… Từ những thông tin thời sự được cập nhật hằng ngày, anh đã vẽ hình ảnh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm hỏi, động viên nhân dân vùng bão lũ; Thủ tướng Phạm Minh Chính tới hiện trường vụ sạt lở thôn Làng Nủ (Lào Cai); Bộ Quốc phòng điều máy bay chuyển hàng cứu trợ đến Cao Bằng; bộ đội giúp người dân sơ tán… Hình ảnh nước sông Hồng dâng cao, người dân chạy bão, em thơ được cứu khỏi đống đổ nát, quân giúp dân phục hồi cuộc sống sau bão… đều được họa sĩ khắc họa trong những bức tranh giàu cảm xúc.

leftcenterrightdel
 Những bức vẽ về bão lũ của họa sĩ Lê Sa Long sẽ được bán đấu giá hỗ trợ đồng bào miền bão - ẢNH: LÊ SA LONG

Ngoài bộ tranh của họa sĩ Lê Sa Long, cộng đồng cũng lan tỏa rất nhiều hình ảnh cảm động. Mỗi bức vẽ là một câu chuyện có thể khiến nhiều người rơi nước mắt. Đó là người mẹ Làng Nủ cảm ơn chú chó nghiệp vụ Zata đã tìm được người con bị vùi lấp của bà. Đó là câu nói của người chồng khi nắm tay vợ và ôm con chạy lũ: “Em với con còn sống thì anh mới làm lại được”. Là cụ ông đứng trong nước lũ run rẩy cảm ơn khi các chiến sĩ mang đồ cứu trợ đến, vật nuôi được người cứu trong mưa bão… Tình người trong bão lũ còn được nhìn thấy trong những bức tranh của bạn trẻ Đồng An Thư (21 tuổi, sống tại TPHCM): những đoàn xe chắn gió giúp người đi xe máy qua cầu an toàn, bộ đội giúp ngư dân chống bão… Riêng bức tranh họa sĩ X.Lan vẽ cụ già chạm tay lên gốc cây cổ thụ bị gãy đổ sau bão tại Hà Nội đã nhận về hàng ngàn lượt thích và bình luận về ký ức Hà Nội, về đời cây - đời người.

Những người cầm cọ cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên đã cùng nhau khắc họa lại từng nhịp đập của rung cảm. Những bức vẽ về mùa bão lũ - khi được chia sẻ trên mạng xã hội - đều nhận được sự đồng cảm và lan tỏa lớn. Trước bão lũ, đó là sự ấm áp của tình người, tình đoàn kết. Sau những mất mát, đó là sự an ủi và sẻ chia trước quá nhiều mất mát, đau thương của đồng bào.

Những giai điệu sẽ còn ở lại

“Trong dòng lũ vô tình/ Có cuộc sống dân mình/ Có người nước non mình… Trong phố trôi phố trôi/ Trang sách em rã đôi/ Lênh đênh đó đây xác xơ/ Ước mơ tuổi thơ vụn vỡ…” - bài hát viết cho đồng bào vùng lũ của thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương đã khiến nhiều người rơi nước mắt. Lời ca đau xót “Anh tìm em nơi đâu/ trong mù khơi trắng xóa…” dành cho người cha đã mất 5 thành viên trong gia đình sau vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ.

Trên trang cá nhân, nhà thơ Lưu Trọng Văn chia sẻ bài thơ Cô sẽ biết chúng con đang ở đâu thắt lòng người lớn. Đó là những vần thơ anh viết để nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc, tưởng niệm những đứa trẻ đã mất ở Làng Nủ. “Cô ơi, tay chúng con không giơ lên được nữa rồi/ Chúng con thương cô không biết được/ chúng con đang ở đâu/ Cô gửi xuống cây đàn, cái kèn, cái trống treo ở vách tường lớp mình/ để chúng con đàn/ chúng con thổi kèn/ chúng con gõ trống/ Cô sẽ biết chúng con đang ở đâu…” - trích bài thơ Cô sẽ biết chúng con đang ở đâu. Nhà thơ Lưu Trọng Văn cũng bày tỏ, anh cùng những người bạn là nghệ sĩ, nhà báo mong muốn làm khu tưởng niệm 9 em bé mầm non đã mất ở nơi này.

leftcenterrightdel
 Những bức vẽ về bão lũ của họa sĩ Lê Sa Long

Nhiều sáng tác về bão lũ ra đời trong niềm xúc động của những người làm nghệ thuật. Ca sĩ Vy Oanh viết ca khúc Lũ về, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương cho ra mắt MV Mắt bão, diễn viên Minh Luân cùng 18 nghệ sĩ hòa giọng trong ca khúc Việt Nam sáng tươi, hướng về đồng bào miền bão. Những vần thơ, giai điệu vang lên đều là những lời sẻ chia, trao gửi yêu thương và cổ vũ, khích lệ tinh thần đồng bào đang phải đối mặt, vượt qua khó khăn, mất mát. Tất cả là dự án phi lợi nhuận đồng thời góp phần gây quỹ ủng hộ bà con các tỉnh miền Bắc. Họa sĩ Lê Sa Long cho biết, anh sẽ tổ chức triển lãm Thương lắm, đồng bào tôi… và bán tranh hỗ trợ bà con vùng bão. Lan tỏa yêu thương từ các sáng tác và kêu gọi nhau hướng về đồng bào miền bão cũng là điều các nghệ sĩ đã làm trong suốt thời gian vừa qua.

Trước thảm họa, thơ, nhạc, họa luôn có tính xung kích và đi đầu trong cuộc sẻ chia giá trị về cảm xúc và tinh thần. Trong thiên tai bão lũ hay dịch bệnh, không chỉ văn nghệ sĩ mà những người không chuyên cũng đã cất tiếng cho những niềm an ủi. Những sáng tác bắt đầu từ rung động sâu sắc chạm đến trái tim của bao người. “Thương biết bao tấm thân/ cút côi lòng sâu lạnh lẽo/ Mai trời nắng yên bình/ Cây rồi sẽ xanh cành/ Vẫn nhớ thương tái tê/ Bao cuộc sống dân mình…” - thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương như đã thay lời bao người viết cho nỗi xót xa đồng bào trước thiên tai.

Bộ phim Không thời gian với đề tài tình quân dân trong bão lũ được VFC triển khai thực hiện ngay sau những ngày mưa bão, cũng đã nhận được sự quan tâm lớn của công chúng. Những trang viết/bài hát/thước phim có giá trị trao gửi yêu thương hôm nay, mai này đều sẽ là những tác phẩm lưu dấu về một thời điểm không thể nào quên.

Theo phụ nữ TPHCM