“Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” đã nổi tiếng ở Pháp và châu Âu. Cảm xúc của bà khi lần đầu tiên cuốn sách này được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt?
Chỉ biết nói rằng tôi rất xúc động khi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè cũ, người thân trong gia đình cùng sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trong ngày ra mắt sách. Thực sự, tôi không nghĩ một ngày nào đó cuốn sách của tôi lại được dịch ra tiếng mẹ đẻ, đặc biệt lại được ra mắt ở thành phố Hà Nội – nơi tôi sinh ra và lớn lên. Tôi rất yêu thành phố này.
Viết về chủ đề Việt Nam bằng tiếng Pháp, bà có tự làm khó mình không?
Với tôi, tiếng Việt hay tiếng Pháp cũng chỉ là phương tiện để viết thôi. Còn cách nhìn của tôi là về đất nước và thành phố nơi mình đã sinh ra là bằng trái tim, không phải qua ngôn ngữ thể hiện.
Tuy nhiên, viết bằng tiếng Pháp giúp tôi có một khoảng cách cùng với một bước lùi nhất định về cảm xúc. Nếu như nhân vật chính đứng ở vị trí ngôi thứ nhất (tôi), có lẽ tôi sẽ không vượt qua được những cảm xúc quá mạnh như khi viết về mẹ, hoặc khoảng thời gian nổ bom ở Khâm Thiên… Vì vậy, tôi đã chuyển nhân vật sang ngôi thứ ba (cô ấy), tức là viết về chính mình nhưng dưới góc nhìn của một người khác.
Đọc cuốn tự truyện của bà, người ta có cảm giác như đọc một cuốn tiểu thuyết hư cấu hoặc đôi lúc lạc vào xử sở thần tiên của truyện cổ tích. Liệu đây có phải lý do hấp dẫn độc giả châu Âu?
Tôi cho rằng, cuốn sách được bạn đọc đón nhận một phần bởi góc nhìn khác lạ về chiến tranh Việt Nam. Mặt khác, khi viết sách tôi không có ý định in hay xuất bản nên tự cho phép mình dùng ngôn từ một cách khá tự do. Dù viết bằng tiếng Pháp, tôi vẫn thích để nguyên gốc một số câu, cụm từ Việt như “trạm xá”, “mẹ ơi”, “ăn cơm chưa?”… Khi đọc những từ này, độc giả châu Âu có cảm giác rất thú vị như được sống cùng với văn hóa Việt Nam.
Ở Việt Nam từng có nhiều cuốn sách hay về đề tài thiếu nhi trong chiến tranh, nhưng có lẽ chưa có cuốn sách nào viết về thế giới riêng của các bé gái với cách nhìn trong trẻo đến vậy?
Cuốn sách của tôi không phải là hồi ký, nó chỉ là tự truyện với miền ký ức còn vẹn nguyên về tuổi thơ. Qua những mẩu chuyện tưởng như nhỏ ấy, tôi muốn kể lại một quãng lịch sử đáng nhớ về đất nước của mình. Tôi không phải là một nhà văn, hay nhà sử học nên chỉ kể bằng những trải nghiệm của bản thân. Tôi viết cuốn sách này cũng dành cho các con của tôi, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Paris, để chúng biết về quê hương của mình, về nơi mẹ chúng từng sống và những gì đã trải qua.
Tác giả Nuage Rose (tên thật là Bùi Thị Hồng Vân) sinh năm 1960 tại Hà Nội. Tốt nghiệp thạc sĩ văn học cổ điển Pháp và là kỹ sư công nghệ thông tin, bà từng được bổ nhiệm làm tùy viên kinh tế thương mại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, rồi làm Tổng Thư ký văn phòng ASEAN của Đại sứ quán Pháp tại Singapore. Từ năm 2000, bà trở lại sống và làm việc tại Paris. Trong khi đó, hai người con của bà đều chọn quay về định cư tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. “Ba áng mây trôi dạt xứ bèo” (tựa tiếng Pháp: Trois Nuage au Pays des Nesnuphars) kể về những năm tháng rời Hà Nội đi sơ tán của ba chị em cô bé Mây Hồng trong khoảng thời gian 10 năm (1964-1975). Cuốn sách được tác giả viết trong vòng 5 năm, bắt đầu từ một lần về Việt Nam và tới thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2008. Cuốn sách được Hội nhà văn Pháp trao giải “Tác phẩm được yêu thích nhất” vào năm 2013. |
Tôi đã tự hứa sẽ cố gắng viết sách khách quan và chân thực nhất. Viết xong, tôi không đi tìm danh vọng, hay kiếm tiền vì đó không phải là nghề của tôi. Điều quan trọng là tôi đã tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Đồng thời, khi trở lại quê hương yêu dấu, trái tim tôi dịu đi, không còn những cơn ác mộng hay nỗi ám ảnh chiến tranh.
Ở bên ngoài trang sách, cảm nhận của bà về những năm tháng tuổi thơ trong khói lửa chiến tranh như thế nào?
Tôi thấy mình có được một tuổi thơ hạnh phúc, được gia đình che chở, bao bọc và yêu thương. Dù những năm tháng đó ở Việt Nam rất khó khăn, gần như ngày nào cũng phải nhịn đói, chúng tôi vẫn cảm nhận được những điều tươi đẹp và thơ mộng của cuộc sống. Tôi rất mừng khi nhiều độc giả chia sẻ rằng họ có thể tìm lại một khúc tuổi thơ của đời mình qua các câu chuyện của tôi.
Theo Thế giới và Việt Nam