Tác phẩm khoảng 300 trang, gồm 2 phần: phần 1 Món ngon ngày khó là những món ăn dân dã, dễ tìm nguyên liệu, dễ chế biến nên xuất hiện hầu hết ở mâm cơm mỗi gia đình người Huế ngày xưa. Phần 2 Hương của núi rừng về những nguyên liệu, món ăn “đặc sản”, con ếch, con cá trên suối thượng nguồn.

Tác giả gần như đã gom hết những món ăn truyền thống, gần gũi của xứ Huế. Ngay từ những trang đầu tiên, ta đã cảm nhận được những món ăn bình dị như cà mắm, bánh bột lọc...; những tiếng gọi đặc Huế như mạ (mẹ), ni (này)... rất đỗi gần gũi và thân thương. Cũng từ sách, ta hiểu đây không chỉ đơn thuần giới thiệu về món ăn ngon của xứ Huế mà Lê Hà còn gửi gắm cả nỗi nhớ nhung, yêu thương của “vị quê” đầy xúc cảm. Đó là Thương hũ mắm cà sau chái bếp được ngoại trồng ngoài bến sông, tự ngâm cất hoặc Thịt gà bóp của ngoại chỉ là bắp chuối luộc bóp gỏi, nhưng trong đó là tất cả tình yêu của bà dành cho đàn cháu…

Vị quê thương nhớ tập hợp những bài viết đã đăng trên các báo. Trong sách, mỗi món ăn đều mang theo một câu chuyện riêng, đó là những kỷ niệm, những ký ức đã rất xa nhưng lúc nào cũng khiến người ta lưu luyến. Với tác giả, cái bếp nhỏ ám đen mùi khói, ngày nắng thì nóng hầm hập, ngày mưa thì cay sè mắt vì củi ướt và khói nồng; nhưng nơi đó, mẹ tác giả, với bàn tay tần tảo đã nấu không biết bao nhiêu món ăn để các con ấm bụng đến trường. Những món ăn nhà nghèo ấy, dù đơn sơ nhưng lại ngon ngọt vì bàn tay và tấm lòng của mẹ. Bây giờ nhớ lại, tác giả vẫn có thể mường tượng ra những hương vị ấy trong ký ức.

Có nhiều món, đến giờ chúng ta vẫn muốn ăn, không phải vì nó ngon mà bởi vì nó gánh cả một phần ký ức thời gian trong đó. Những ngày xưa bình dị, ấm áp nhẹ nhàng ấy, những ngày tháng vô ưu vô lo bên gian bếp ấm cúng của bà, của mẹ đó chính là thứ mà mỗi chúng ta luôn mong muốn được trở về và những món ăn như sợi dây kết nối ta cùng ký ức trong lành xa xưa.

“Tôi nhớ có bạn đọc nói, khi đọc xong bài viết Bột lọc khuấy ngày mưa vào giữa đêm khuya, chợt thấy thèm quá, chị xúi chồng cùng xuống bếp tìm bịch bột năng để khuấy bột cho bằng được; bởi chị thấy ký ức của chính mình qua trang viết, nên mới cồn cào nhớ, cồn cào thương là vậy” - tác giả chia sẻ.

Qua những trang sách, biết bao món ăn quê nhà lại dậy lên, làm cho những người con xứ Huế đi xa bỗng nhớ quê da diết, đa cảm giữa bộn bề cuộc sống.

Lê Hà tâm sự, những năm theo nghề báo đã giúp chị có cơ hội đi khắp đất Huế. Vì vậy, bản đồ ẩm thực Huế cứ thế rộng dài mãi trong ký ức chị - từ đồng bằng yên tĩnh tới đại ngàn mơ mộng, từ bữa cơm đơn sơ mẹ nấu ngày thơ bé tới những món ăn được chế biến độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng chiến khu xưa A Lưới.

Đọc Vị quê thương nhớ, ngoài các món ăn, bạn đọc sẽ có cuộc hành trình đầy thú vị khi về với bản làng vùng cao A Lưới, cùng khám phá nhiều món ăn độc đáo của người Pa Cô, Tà Ôi.

Theo phụ nữ TPHCM