Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật cho thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi trên thế giới. Và tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba cho nhóm tuổi từ 15-19.


                                                                                                                 Tâm lý tuổi teen xáo trộn nên các em rất nhạy cảm - Ảnh minh họa


Thế hệ thanh thiếu niên sinh sau năm 1995 - được gọi là iGen hoặc Gen Z - là thế hệ đầu tiên dành cả tuổi thanh xuân của mình trong thời đại của điện thoại thông minh.

Họ cũng là nhóm thanh thiếu niên đầu tiên trải nghiệm mạng xã hội như một phần không thể thiếu của đời sống xã hội. Và tỷ lệ trầm cảm cũng bắt đầu gia tăng khi thế hệ này bước vào độ tuổi 14-15, cũng là thời điểm điện thoại thông minh trở nên phổ biến.

Dĩ nhiên, người trẻ nam và nữ đều bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh cùng thời điểm. Vậy tại sao các cô gái lại dễ mắc phải các vấn đề sức khỏe tâm thần hơn?

Một cuộc nghiên cứu diễn ra với 200.000 thanh thiếu niên ở Mỹ và Anh đã hé lộ một vài câu trả lời.

Cách sử dụng phương tiện truyền thông số của nam và nữ tuổi teen là khác nhau: Con trai dành nhiều thời gian hơn để chơi game, trong khi con gái dành nhiều thời gian hơn cho điện thoại thông minh, nhắn tin và sử dụng mạng xã hội.

Các game thủ thường nói chuyện và tương tác trực tiếp với nhau qua tai nghe. Ngược lại, mạng xã hội thường liên quan đến việc nhắn tin qua hình ảnh hoặc văn bản. Chỉ cần một thoáng thờ ơ của người tương tác, tình trạng phải chờ đợi để nhận được phản hồi cũng có thể khiến chúng ta phải lo lắng.

Hơn nữa, cách thức hoạt động của mạng xã hội cũng tạo ra “sự hình thành đẳng cấp” - số lượng lượt thích và người theo dõi thể hiện “quyền lực xã hội” của người sử dụng. Hình ảnh được chăm chút, câu cú được viết ra rồi xóa hoặc viết lại. Tất cả những chuyện như thế rất dễ gây căng thẳng.

Nếu sử dụng mạng xã hội, các chàng trai thường chỉ đơn giản chia sẻ các meme – trào lưu Internet hay nội dung giải trí, đùa vui. Trong khi đó, các cô gái phát triển kỹ năng xã hội sớm hơn và có xu hướng sử dụng mạng xã hội để truyền đạt cảm xúc và nhận xét về nhau.

Các tương tác xã hội tích cực và sự nổi tiếng có xu hướng ảnh hưởng rõ rệt hơn đến hạnh phúc của các cô gái tuổi teen. Thế mà, truyền thông xã hội vừa là một “trọng tài lạnh lùng” về mức độ nổi tiếng vừa là nơi có thể xảy ra bắt nạt, tranh cãi và làm xấu hổ.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ cần so sánh bản thân với những người khác trên mạng xã hội đã khiến chúng ta dễ bị trầm cảm hơn.

Các thiếu nữ cũng bị áp lực về ngoại hình hơn và chuyện này thường trở nên nghiêm trọng hơn trên nền tảng mạng xã hội.

Sự trưởng thành nhanh hơn về mặt nhận thức cảm xúc và nhạy cảm khiến các thiếu nữ dễ bị trầm cảm hơn. Đến giữa lứa tuổi vị thành niên, các cô có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm trạng hơn so với bạn nam cùng trang lứa.

Chưa hết, điện thoại thông minh có thể theo chủ nhân mọi lúc mọi nơi, khiến trẻ không có thời gian để ngủ đủ giấc, thiếu luyện tập thể dục thể thao.

Vì những lý do như thế, truyền thông số và đặc biệt là mạng xã hội có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe tâm thần của các cô gái tuổi teen.

Phụ huynh có thể làm gì để giúp con ngăn ngừa bệnh trầm cảm?

-Đặt ra giới hạn về thời gian sử dụng công nghệ, bao gồm thời gian sử dụng màn hình và các thiết bị khác trong nhà.

-Sự hiện diện của cha mẹ luôn có ý nghĩa. Hãy dành cho con sự quan tâm, chăm sóc và thực hành điều mà chúng ta đang dạy con mình - phụ huynh cũng cần thời gian ngắt kết nối với điện thoại, công nghệ số.

-Phụ huynh cần bảo đảm rằng trẻ được ngủ đủ giấc (trẻ từ 13-18 tuổi nên ngủ từ 8-10 tiếng mỗi ngày). Cha mẹ cũng cần khuyến khích trẻ chọn lựa thức ăn lành mạnh và luyện tập thể dục thể thao.

-Hãy để trẻ phụ giúp việc nhà. Bạn có thể nghĩ rằng trẻ đã có quá nhiều thứ phải bận tâm, nhưng tham gia làm việc nhà sẽ giúp trẻ gắn kết hơn với gia đình, dạy trẻ có trách nhiệm và biết quản lý thời gian.

-Trò chuyện và thảo luận cởi mở với trẻ về những dấu hiệu, triệu chứng của bệnh trầm cảm như buồn bã, tâm trạng cáu kỉnh, khóc, không còn thiết tha với các hoạt động từng yêu thích, gặp rắc rối trong các mối quan hệ, sụt cân hoặc tăng cân bất thường, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, quá nhạy cảm khi bị từ chối, kết quả học tập kém.

Theo phunuonline.com.vn