leftcenterrightdel
 Giải Nobel Kinh tế năm 2024 thuộc về ba nhà kinh tế học người Mỹ: Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson. (Ảnh: AA/TTXVN)

Giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được trao cho ba chuyên gia kinh tế Mỹ với công trình nghiên cứu về lợi ích của nền dân chủ và nguyên tắc pháp quyền.

Kết quả này đã nối dài xu hướng lịch sử liên quan đến sức mạnh của Mỹ trong nghiên cứu khoa học và chính sách thu hút nhân tài.

Ba chủ nhân của Giải Nobel Kinh tế năm nay là ông Daron Acemoglu, nhà kinh tế học người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

Đồng chủ nhân của giải thưởng là ông Simon Johnson và cũng là nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Chủ nhân còn lại của giải Nobel Kinh tế là ông James A. Robinson làm việc tại Đại học Chicago (Mỹ).

Ủy ban Nobel trao giải thưởng cho bộ ba nhà khoa học với “những nghiên cứu về cách thức các thể chế được hình thành và tác động đến sự thịnh vượng.”

Công trình chứng minh rằng, nhìn chung, công dân của các quốc gia dân chủ được quản lý bằng nguyên tắc pháp quyền thường sẽ giàu có hơn.

Đại diện Ủy ban Nobel cho biết 20% quốc gia giàu nhất thế giới hiện giàu hơn khoảng 30 lần so với 20% quốc gia nghèo nhất. Hơn nữa, sự chênh lệch thu nhập vẫn tồn tại dai dẳng.

Mặc dù các nước nghèo nhất đã trở nên giàu có hơn nhưng họ vẫn chưa thể bắt kịp nhóm thịnh vượng nhất. Ba nhà kinh tế học Acemoglu, Johnson và Robinson đã chỉ ra mối liên hệ giữa sự chênh lệch này với sự khác biệt về thể chế.

Với kết quả này, nước Mỹ tiếp tục khẳng định vị thế thống trị của mình trong nghiên cứu khoa học.

Theo ông David Baltimore, người đồng đoạt giải Nobel Y học năm 1975, chính nguồn tài trợ dồi dào cho nghiên cứu cơ bản - loại hình nghiên cứu nhằm mục đích cải thiện các lý thuyết khoa học hoặc nâng cao hiểu biết về các chủ đề - là chìa khóa cho sự thành công của nước Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Baltimore cho biết sức mạnh của các viện nghiên cứu và trường đại học của Mỹ, được vun đắp từ khi thành lập Đại học Harvard cách đây hàng trăm năm, cùng với sự hỗ trợ liên tục và không ngừng nghỉ, cũng góp phần vào thành công nói trên. Các trường đại học Mỹ luôn thống trị bảng xếp hạng "Top 100 trường đại học hàng đầu thế giới."

Nước Mỹ bắt đầu chú trọng vào nghiên cứu cơ bản sau Thế chiến thứ Hai, đánh dấu bằng việc thành lập Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) vào năm 1950. NSF cho đến nay vẫn đóng vai trò điều phối nguồn ngân sách liên bang cho các trường đại học.

Bên cạnh đó, hoạt động từ thiện và tài trợ tư nhân cũng ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học.

Mặc dù Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ về tổng nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu, nhưng theo H.N. Cheng, Chủ tịch Hiệp hội Hóa học Mỹ, quốc gia này vẫn phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tự do học thuật và khả năng thu hút nhân tài.

Ông Marc Kastner, Giáo sư Vật lý danh dự tại MIT, cho biết thêm rằng các trường đại học Mỹ từ lâu đã có truyền thống tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tài năng thành lập phòng thí nghiệm riêng.

Chuyên gia này cho hay ở châu Âu hay Nhật Bản, các nhóm nghiên cứu lớn thường do một giáo sư rất kỳ cựu lãnh đạo, và chỉ đến khi người đó nghỉ hưu thì người trẻ mới có cơ hội tiếp quản. Nhưng vào thời điểm đó, họ có thể không còn giữ được những ý tưởng đột phá nhất nữa.

Một điểm đáng chú ý nữa là Giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho ba nhà khoa học đều là người nhập cư. Điều này một lần nữa khẳng định những đóng góp to lớn của cộng đồng người nhập cư cho nước Mỹ.

Theo phân tích của Quỹ Chính sách Quốc gia Mỹ (NFAP) được cập nhật đến năm 2024, người nhập cư đã giành được 38% (tương đương 45 trên tổng số 117) giải Nobel mà các nhà khoa học Mỹ nhận được trong lĩnh vực hóa học, y học và vật lý kể từ năm 2000. Con số này ở lĩnh vực kinh tế là 31% (24 trên tổng số 78 giải).

Đây không phải là lần đầu tiên giải Nobel Kinh tế vinh danh nhiều nhà khoa học nhập cư. Trước đó, hai trong số ba chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2019 và 2021 là người nhập cư. Đặc biệt, vào năm 2016, cả sáu nhà khoa học Mỹ đoạt giải Nobel trong lĩnh vực kinh tế và khoa học tự nhiên đều là người nhập cư.

Trong báo cáo gần đây, Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho rằng tỷ lệ người nhập cư đoạt giải Nobel cao là một trong những nguyên nhân cho việc nới lỏng luật và quy định nhập cư của Mỹ.

Nhiều nhà phân tích cho rằng lễ công bố giải Nobel hàng năm đã trở thành minh chứng về những đóng góp to lớn của cộng đồng người nhập cư cho nước Mỹ./.

Theo vietnamplus