Sẽ có bao nhiêu trong số những sinh viên Mỹ vừa tốt nghiệp tìm được việc làm?
Nghịch lý ở đây là mỗi năm có hàng triệu người Mỹ thất nghiệp nhưng cũng đang có hàng triệu công việc chưa tuyển được người. Tại sao?
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục Michael Lawrence Collins và Joel Vargas trong một bài nghiên cứu đăng trên báo điện tử CityLab, lý do chính ở đây là đang xảy ra khủng hoảng tốt nghiệp đại học trên cả nước. Số liệu cho thấy chưa đến một nửa số sinh viên đại học tốt nghiệp đại học.
Nếu tìm hiểu con số thống kê ở các trường đại học cộng đồng thì thực trạng này còn tồi tệ hơn trong khi đây chính là nguồn giáo dục và đào tạo lớn nhất cho 29 triệu đầu việc đòi hỏi người làm có trình độ trung bình, với mức lương trung bình.
Có hai lý do chính cho việc sinh viên không tốt nghiệp đại học, một là họ không có được sự chuẩn bị tốt và hai là khó khăn trong việc chọn trường phù hợp.
Các tác giả Collins và Vargas cho biết: Nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông sống ở những vùng có có tỷ lệ người nghèo cao thường không đủ năng lực để nhận những việc làm đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học, do đó họ phải đi học bồi dưỡng thêm về Toán và tiếng Anh theo yêu cầu. Ngoài ra, những người trưởng thành đang đi làm muốn học đại học để nâng cao tay nghề cũng gặp phải những khó khăn tương tự do các kiến thức học thuật của họ đã trở nên lạc hậu.
Sinh viên có thể sẽ phải theo học từ một đến ba lớp bồi dưỡng kiến thức, và phải học liên tục. Do đó quá trình học đại học của họ bị kéo dài ra, gây tốn kém cả về thời gian lẫn tiền bạc. Theo thống kê, có đến bảy mươi phần trăm sinh viên thuộc diện phải theo học các lớp bồi dưỡng sẽ không tốt nghiệp được đại học.
Lý do thứ hai là khó khăn trong việc chọn trường sao cho phù hợp với nguyện vọng hoặc theo học các ngành học cao hơn. Gần hai phần ba sinh viên đại học cộng đồng đều đi làm để kiếm tiền tự trang trải cuộc sống và chăm sóc gia đình khi vẫn còn đang học phổ thông, thậm chí nhiều người trong số đó còn vô gia cư, thiếu đói, hoặc nuôi con đơn thân, hơn một phần ba là người đầu tiên trong gia đình họ được đi học đại học – tất cả đều tạo ra rào cản rất lớn cho việc tốt nghiệp đại học.
Nhiều sinh viên đại học cộng đồng thường phải vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống mới có thể hoàn thành khóa học, nhiều người phải tìm cách xin hỗ trợ tài chính, xin đi làm thêm, dạy kèm cho trẻ em… và cố tìm cách cân bằng việc học với các công việc làm thêm.
Những vấn đề mà họ đang phải đối mặt không phải là một vấn đề mới; nó đã đươc các nhà giáo dục và hoạch định chính sách bàn thảo trong nhiều thập kỷ qua.
Gần đây, tổ chức có tên gọi Công việc cho tương lai (JFF) và các đối tác đã phát triển một số giải pháp để cải thiện tỷ lệ người tốt nghiệp đại học trên toàn quốc.
Hiện tại các nhà giáo dục Mỹ đang nỗ lực rút ngắn thời gian của các khóa học bồi dưỡng, xây dựng các khóa học mang tính hướng nghiệp nhiều hơn. Các trường đại học cũng đang nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp đánh giá năng lực của sinh viên ngay từ đầu, thay vì phải phụ thuộc vào điểm số mới biết sinh viên nào cần được bồi dưỡng.
Mô hình dự bị đại học giúp cho các sinh viên có thu nhập thấp tích lũy được kiến thức và tự tin hơn trong việc chọn trường. Những người tham gia vào mô hình này sẽ được trải nghiệm các khóa học trình độ đại học ngay từ khi còn đang học phổ thông, để từ đó họ được chuẩn bị tốt hơn về mặt kiến thức. Nhờ vậy mà có tới 94% học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học đã sở hữu một số tín chỉ đại học, giúp họ được nhận thẳng vào trường đại học.
Theo Thế giới và Việt Nam