Sông Vĩnh Điện (Quảng Nam) được chạm khắc trên cửu đỉnh triều Nguyễn - ẢNH: NAM HOA
Sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam vốn là một con sông nhỏ, ngắn, không quá nổi tiếng, lại không phải ở đất kinh kỳ. Vậy vì sao nó được vinh dự có mặt trên cửu đỉnh triều Nguyễn? Chúng ta hãy thử tìm hiểu nguyên do.
Lịch sử dòng chảy hạ lưu sông Thu Bồn
Sau khi sông Vu Gia và sông Thu Bồn hợp nước tại Giao Thủy, Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn; Viện KHXH Việt Nam và Viện Sử học phiên dịch và chú giải - NXB Thuận Hóa, 2006) viết: “Qua xã Văn Ly thì nổi một bãi lớn dài hơn 30 dặm (chính là Gò Nổi của Điện Bàn ngày nay), nước chia làm hai dòng Nam, Bắc:
Dòng phía Nam là sông cái, chảy qua bãi Thi Lai huyện Duy Xuyên, từ cửa bến lại chia ra một nhánh riêng làm sông Dưỡng Chân, lại chảy về phía Đông qua xã Mỹ Xuyên, tục gọi là sông Kẻ Thí.
Dòng phía Bắc là sông con, chảy qua xã Câu Nhi huyện Diên Phước, làm sông Câu Nhi, từ cửa sông lại chia ra một nhánh riêng làm sông Vĩnh Điện, chảy về phía Đông qua bãi Đông An làm sông Chợ Củi. Qua phía Đông bãi lớn (tức Gò Nổi) hai dòng hợp nhau mà đổ vào cửa biển Đại Chiêm.
Sông Chợ Củi, năm Tự Đức thứ 3 đổi tên làm Sài Thị”.
Khu vực Văn Ly - Gò Nổi - Bà Rén - Cửa Đại ngày nay - ẢNH: NAM HOA
Theo đặc san Mỹ Xuyên Tây - Lịch sử, địa lý & văn hóa đậm đà bản sắc (Trần Văn Hảo chủ biên - chỉnh lý và tái bản, 7.2021), ban nghiên cứu lịch sử làng và nhà thờ tiền hiền Mỹ Xuyên Tây (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã dành thời gian và công sức nghiên cứu các tài liệu để đối chiếu, xác định lại các địa danh cũ và mới, làm rõ một thêm một số điểm cần thiết, đã phác họa khu vực hạ lưu sông Thu Bồn xưa và nay. Theo đó, trước kia dòng chính của hạ lưu sông Thu Bồn vốn ở phía Nam của Gò Nổi:
“… Phía Nam là sông lớn từ Văn Ly chảy về cầu Chiêm Sơn đến xã Thi Lai (huyện Duy Xuyên) rồi tách ra một chi chảy về hướng Đông Nam làm sông Dưỡng Chân (Bà Rén), một chi chảy về hướng Bắc qua xã Mỹ Xuyên là sông Kỉ Thế (hay Kẻ Thí trong Đại Nam nhất thống chí - NV) .
Phía Bắc là sông nhỏ chảy qua xã Câu Nghê huyện Diên Phước là sông Câu Nhí, rồi tách thành 2 chi lưu: một chi chảy về hướng Bắc là sông Vĩnh Điện; một chi chảy về hướng Đông qua cồn cát Đông An làm thành khúc sông Chợ Cối (Chợ Củi) chảy về cửa biển Đại Chiêm (Cửa Đại). Sông Chợ Củi sau đổi thành sông Sài Thị…”.
Sông Thu Bồn khu vực cầu Kỳ Lam - khúc sông Câu Nhi xưa - ẢNH: NAM HOA
Sông Kỉ Thế (hay Kẻ Thí trong Đại Nam nhất thống chí) về sau đã bị bồi lấp, không được nhắc đến nữa. Thôn Văn Ly tọa lại tại mỏm phía Tây bãi Gò Nổi; bãi Thi Lai ở gần cầu Chìm trên tỉnh lộ 610.
Nhánh sông phía Nam Gò Nổi (sông Dưỡng Chân xưa) tục gọi là sông Bà Rén, mới là dòng chính của hạ lưu sông Thu Bồn (chảy qua QL1A ở cầu Bà Rén hiện nay), còn nhánh sông nhỏ phía Bắc Gò Nổi, xưa mang tên là sông Câu Nhi. Địa danh Câu Nhi nay vẫn còn dấu tích với 2 thôn Câu Nhi Đông và Câu Nhi Tây của phường Điện An, thị xã Điện Bàn. Địa danh Chợ Củi sau bao biến đổi của lịch sử, nay đã không còn dấu vết.
Tuy nhiên, việc xác định được sông Bà Rén khi xưa là dòng chính của sông Thu Bồn đã chỉ ra một điều quan trọng rằng: cực Nam châu Rí mà Chiêm Thành cắt cho Đại Việt đầu thế kỷ 14 kéo tới khu vực bờ Bắc sông Bà Rén ngày nay.
Vai trò của sông Vĩnh Điện trong sự đổi dòng của hạ lưu sông Thu Bồn
Thời Gia Long về trước, dòng chính sông Thu Bồn chảy về phía sông Dưỡng Chân (qua cầu Bà Rén). Đến năm 1823 - 1824, vua Minh Mạng lệnh đào sông Vĩnh Điện, khi đó sông Thu Bồn bắt đầu chuyển dòng. Sự việc này cụ thể như thế nào?
Sông Vĩnh Điện, vốn có thể đã có từ thời Chiêm Thành, từ sông Câu Nhi “chảy theo hướng Bắc đến xã Cổ Mân hợp với sông Cẩm Lệ đổ ra cửa biển Đà Nẵng… Năm Minh Mệnh (Minh Mạng) thứ 3, sai Cai bạ là Lê Đại Cương khai thông sông cũ mà đào từ xã Câu Nhi đến xã Cẩm Sa hơn 850 trượng gọi là sông Vĩnh Điện, thế sông nông hẹp chỉ có thể đi thuyền được. Đến năm thứ 4 lại sai Thống chế Trương Văn Minh chỉnh lý đường sông dời xuống hơn 40 trượng, mở riêng cửa sông để tiếp nước sông cái, chăng dây cho thẳng, bắt dân phu hơn 8.000 người đào lại mấy tháng mới xong…” (theo Đại Nam nhất thống chí).
Sông Vĩnh Điện nhìn về phía Núi Chúa (thánh địa Mỹ Sơn) - ẢNH: NAM HOA
Theo đặc san Mỹ Xuyên Tây - Lịch sử, địa lý & văn hóa đậm đà bản sắc, việc vua Minh Mạng cho đào lại sâu và rộng sông Vĩnh Điện đã khiến “… nước (từ Văn Ly) tuôn chảy (xung phóng) vào nhánh sông nhỏ làm nhánh sông nhỏ thành sông lớn, vừa đổ nước vào sông Vĩnh Điện vừa biến sông Chợ Củi (Sài Thị) thành sông chính của Thu Bồn (chảy qua Cầu Mống -Cẩm Hà - Cẩm Nam - Cửa Đại)”.
Cũng theo đặc san này, việc đào lại sông Vĩnh Điện mang lại một lợi ích chiến lược cho đất nước trong giai đoạn ấy, bởi việc khai thông sâu rộng sông Vĩnh Điện để ghe bầu từ phía Bắc theo đường biển vào cảng Đà Nẵng, theo sông Hàn qua sông Vĩnh Điện lên nguồn Thu Bồn giúp tăng cường quốc phòng và thúc đẩy giao lưu hàng hóa, nông, lâm, hải sản bằng đường thủy.
Vì những lẽ ấy, năm Minh Mạng thứ 17 khi nhà vua cho đúc cửu đỉnh, sông Vĩnh Điện đã vinh dự được khắc lên Dụ đỉnh.
Theo thanhnien