Đạo luật đặc biệt về phòng chống bạo lực học đường được ban hành tại Hàn Quốc vào năm 2004, để giám sát vấn nạn bắt nạt. Tuy nhiên các vụ bạo lực vẫn xảy ra tràn lan, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.
Một số nạn nhân tiếp tục tự kết liễu đời mình, trong khi những kẻ bắt nạt không nhận được hình phạt tương xứng. Các nạn nhân nói rằng các ủy ban phòng chống bạo lực học đường phải chịu trách nhiệm đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp, cũng như đưa ra hình phạt xứng đáng hơn cho thủ phạm.
Một trong những vấn đề lớn nhất khiến các ủy ban phòng chống bạo lực học đường ở Hàn Quốc hoạt động kém hiệu quả là hầu hết các thành viên đều không có chuyên môn pháp lý. Gần một nửa số thành viên của ủy ban là phụ huynh học sinh.
|
|
Vấn nạn bạo lực học đường tràn lan tại Hàn Quốc (ảnh minh họa) |
Các giáo viên và quan chức chính phủ từ các văn phòng giáo dục địa phương cũng có mặt trong các ủy ban. Trong mỗi ủy ban thường có khoảng 10 thành viên nhưng chỉ có hai hoặc ba người là chuyên gia pháp lý như luật sư.
Park Keun-byeong - Chủ tịch Hiệp hội giáo viên Seoul - nói với The Korea Times: “Nhiều chuyên gia pháp lý thậm chí không thường xuyên tham dự các cuộc họp của ủy ban vì đây là vị trí không được trả lương. Họ thường bận rộn với công việc hàng ngày".
Tất cả các trường học ở Seoul đều từng có ủy ban phòng chống bắt nạt. Dẫu vậy, ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng các ủy ban này quá thiếu chuyên nghiệp do thiếu các chuyên gia pháp lý.
Trên khắp Hàn Quốc, có 176 ủy ban phòng chống bắt nạt. Tính đến năm 2021, các ủy ban có 5.800 thành viên.
Một vấn đề khác cũng tồn đọng là ủy ban thiếu thẩm quyền pháp lý. Do đó, những kẻ bắt nạt và gia đình họ thường cố gắng kéo dài cuộc tranh cãi đủ lâu để những hành vi xấu của họ không bị ghi vào học bạ, không cản trở quá trình thi vào đại học của họ.
Khác với Hàn Quốc, các trường học ở Hoa Kỳ có lập trường không khoan nhượng đối với hành vi bắt nạt và cung cấp hỗ trợ đáng kể cho các nạn nhân.
Theo báo cáo, cứ 4 giáo viên của trường thì có 1 người là cố vấn chuyên giải quyết các vụ bạo lực. Và với các trường hợp được coi là nghiêm trọng, họ sẽ đệ trình lên chính quyền bang. Cả trường học và các cấp chính quyền khác nhau đều kiên quyết trừng phạt những kẻ bắt nạt.
Tại Nhật Bản, tình trạng bắt nạt tập thể được các trường học kiểm soát rất chặt. Các trường hợp nghiêm trọng hơn liên quan đến bạo lực đều được cảnh sát xử lý.
Theo phụ nữ TPHCM