Tham gia hội thảo có nhiều học giả, nghiên cứu sinh đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học của Hàn Quốc như: Viện Nghiên cứu Lịch sử Quốc gia Hàn Quốc, Viện Văn minh Hải dương thuộc Quỹ Nhân văn châu Á, Đại học Kyonggi, Đại học Chungwoon, Đại học Cao Ly. Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học đến từ Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện Sử học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa…
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế: “Lịch sử và giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc”. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn)
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học quốc tế: “Lịch sử và giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc”. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn)

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia nằm ở khu vực Đông Á, chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hoá. Trong quá trình phát triển lịch sử của mình, hai dân tộc có những liên hệ mật thiết, tiếp xúc thường xuyên và phong phú. Năm 1992, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc chính thức được thiết lập, đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ hai nước thời hậu Chiến tranh Lạnh. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong số những quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay những nghiên cứu mang tính chuyên sâu, học thuật về lịch sử và giao lưu văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc của giới học giả hai nước còn rất khiêm tốn, không tương xứng với tiềm năng nghiên cứu. Vì vậy Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ nhất có ý nghĩa khoa học sâu sắc, nhằm thúc đẩy việc tìm hiểu về lịch sử và giao lưu văn hoá giữa Hàn Quốc và Việt Nam, đồng thời tạo dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hoá của hai quốc gia.

Đồng quan điểm, TS Huh Dong Hyun, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Lịch sử Quốc gia Hàn Quốc kỳ vọng Hội thảo sẽ mở ra một chương mới trong giao lưu học thuật giữa các học giả ở hai quốc gia, đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu về lịch sử và giao lưu văn hoá Việt Nam - Hàn Quốc.

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa
Một nhà nghiên cứu trình bày báo cáo khoa học. (Ảnh: ussh.vnu.edu.vn)

Diễn ra trong hai ngày với 9 báo cáo khoa học chuyên sâu và những ý kiến bình luận đến từ các học giả hai nước, Hội thảo đã tập trung làm rõ một số vấn đề xoay quanh chủ đề về lịch sử và giao lưu văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc.

Các báo cáo của GS.TS Nguyễn Văn Kim (Khối đồng văn biến động: Ứng đối của Vương triều Joseon và Triều Nguyễn trước các thế lực phương Tây cuối thế kỉ XIX); PGS.TS Phạm Văn Thủy (Việt Nam và Hàn Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ II), TS Nguyễn Nhật Linh (Quan hệ Trung Quốc với Triều Tiên và Việt Nam cuối thế kỉ XIV, đầu thế kỉ XV)… đã chỉ ra những điểm tương đồng về lịch sử giữa hai quốc gia trong cả thời cổ trung đại (chịu ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc của văn minh Trung Hoa), thời cận hiện đại (đều phải trải qua chế độ áp bức bóc lột của thực dân, phát xít), người dân hai nước đều phải hứng chịu tình trạng chiến tranh chia cắt đất nước trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, ứng đối khác nhau của các vương triều ở Hàn Quốc và Việt Nam cũng đã để lại cho hai quốc gia những bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Bên cạnh đó, nhiều báo cáo dựa trên những nguồn tài liệu thư tịch đáng tin cậy đã làm rõ giao lưu mật thiết giữa hai quốc gia, đặc biệt trên bình diện văn hóa và cách mạng, tiêu biểu báo cáo Phương thức và ý nghĩa của giao lưu trí thức Hàn Quốc và Việt Nam thời kì cận đại (GS.TS Bichnara); Giao lưu cách mạng giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong nửa đầu thế kỉ XX (PGS.TS Nguyễn Mạnh Dũng).

Sau phần thuyết trình kết quả nghiên cứu của 9 học giả, hội thảo đã dành phần lớn thời gian để các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi về các vấn đề giới khoa học hai nước cùng quan tâm.

Phát biểu kết luận, TS Huh Dong Hyun cho biết, Hội thảo đã diễn ra thành công. Qua hội thảo cũng cho thấy vẫn còn những điểm khác biệt nhất định trong cách nhìn nhận, đánh giá nhiều sự kiện xảy ra trong lịch sử của những nhà khoa học và người dân Việt Nam, Hàn Quốc. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và có những diễn đàn khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới để có cách nhìn nhận khách quan và chính xác hơn.

Theo thoidai