Đỗ Hồng Nhung trong một clip có hàng trăm ngàn lượt xem - Ảnh chụp lại màn hình
Điều thú vị nhất là tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm, những điều bản thân thật sự đang trải qua với người xem. Việc chia sẻ và tương tác như vậy giúp tôi có thêm động lực để có thể cập nhật thêm tình hình cho các bạn biết và khuyến khích các bạn hành động. Còn về kinh tế, bình quân mỗi tháng kênh được YouTube trả tầm 2.000 USD tiền quảng cáo trước thuế. Đỗ Hồng Nhung |
Là chủ sở hữu kênh Hana’s Lexis trên YouTube với hơn 530.000 người đăng ký theo dõi, nổi tiếng với điểm IELTS 9.0, là người thực hiện phụ đề tiếng Anh cho MV của các ca sĩ như Đen, Min, Hiền Hồ, Vũ Cát Tường, Nguyên Hà..., Đỗ Hồng Nhung thuộc top những người có ảnh hưởng (influencer) rất lớn trong giới trẻ và là một trong những gương mặt điển hình của giới YouTuber mới nổi bằng "trí óc" chứ không phải típ giải trí.
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ĐỖ HỒNG NHUNG về hành trình đến Mỹ, những đam mê và tâm huyết của Nhung trong các dự án cô đang theo đuổi.
3 lần đến Mỹ để tìm... mình
* Nhung hãy kể một chút về hành trình đến Mỹ của bạn? Nhung tới Mỹ khi nào và nỗ lực ra sao để gây dựng sự nghiệp?
- Tôi tới Mỹ năm 19 tuổi, sau một năm nghỉ cách quãng ở đại học vì cảm thấy... không muốn học ở Đại học Ngoại thương nữa. Nói thực, tôi đi du học chủ yếu theo phong trào. Không có định hướng rõ ràng nên tôi chọn một trường phù hợp khả năng tài chính của cha mẹ. Có thể nói hành trình đến Mỹ của tôi thực sự bình thường, thậm chí... tầm thường.
Tôi chọn một ngành học chung chung là ngành toán vì nghĩ khoa học cơ bản "không bổ dọc thì cũng bổ ngang". Có bằng đại học rồi, tôi học tiếp lên thạc sĩ toán vì được trường hỗ trợ tài chính. Thật may, trong khi học tôi phát hiện ngành định phí bảo hiểm (actuary) phù hợp với cử nhân toán và quyết định theo đuổi ngành này.
Sau 1 năm thi được 2 chứng chỉ (trong số rất nhiều chứng chỉ của ngành học), vì không đam mê, tôi bảo lưu việc học thạc sĩ và về Việt Nam làm định phí bảo hiểm trong 2 năm. Khi làm việc ở Việt Nam, bất kể đây là ngành có mức lương tốt, được trọng vọng, tôi vẫn thấy thiếu động lực vì không thực sự đam mê. Nhưng tôi phát hiện mình có hứng thú với lập trình qua công việc phải làm mỗi ngày.
Sau nhiều lần thử và sai, thêm một thời gian đi dạy tiếng Anh và bỏ ngang học bổng toàn phần chương trình thạc sĩ ở Mỹ (tôi quay lại Mỹ lần hai), tôi quyết định quay lại Mỹ lần thứ 3 để học lập trình và đang làm lập trình viên ở Mỹ.
* Vậy là sau khi "quá tam ba bận" với nước Mỹ và những cuộc "thử - sai", rốt cuộc Nhung đã tìm ra "bến đỗ" cho những đam mê của mình chưa?
- Điều tôi luôn muốn hướng đến là một cuộc sống trọn vẹn, đủ đầy về tinh thần trước rồi mới tới vật chất. Tôi sẵn sàng thử và sai, đi đường vòng, tốn tiền bạc để tìm ra điều phù hợp với mình. May mắn là hiện tại tôi cảm thấy đã tìm được con đường muốn đi.
Tôi không có xu hướng đặt nặng việc lập gia đình, mua nhà, mua xe, nên chắc khó chứng minh sự ổn định. Tôi ưu tiên việc đầu tư thời gian, tiền bạc xây dựng bản thân, thực hiện dự án cá nhân ngoài công việc chính trên công ty.
Chỉ chia sẻ những điều mình biết
* Vì sao Nhung chọn đầu tư tâm huyết cho kênh YouTube Hana’s Lexis? Mục tiêu ban đầu và về lâu dài của kênh này với Nhung là gì?
- Cái tên kênh YouTube "Hana’s Lexis" đơn giản chỉ là "Vốn từ vựng của Hana" thôi. Tôi chỉ muốn chia sẻ những gì mình biết, nếu không biết thì không chia sẻ.
Tiêu chí của tôi là không màu mè hoa mỹ, có sao nói vậy, biết gì chia sẻ đó. Dù là người khá hướng nội, ngại đứng trước ống kính, không thích chụp hình, nhưng tôi vẫn muốn lập kênh YouTube là bởi muốn tự mình có thể thực hiện dự án trước đây.
Ngoài mục tiêu lâu dài vẫn đang hướng tới, tôi cũng có mục tiêu ngắn hạn là chia sẻ kiến thức tiếng Anh bản thân đã tích góp cả chục năm nay cho các bạn ở Việt Nam chưa có điều kiện sống và tiếp xúc với môi trường tại Mỹ.
* Nhung chọn nội dung và cách thể hiện nào cho kênh chia sẻ kiến thức tiếng Anh của bạn giữa một biển thông tin trên mạng đã có về chủ đề này?
- Tôi không đủ kiên nhẫn để dạy tiếng Anh một cách chi tiết, nên chỉ hướng đến đối tượng khá, đã có nền tảng nhưng vẫn chưa hiểu được sắc thái từ vựng, vì sao nên dùng từ này mà không phải một từ khác đồng nghĩa, chưa hiểu những cụm từ người bản xứ hay dùng hay những từ lóng thường gặp trong phim...
Tôi chia sẻ những điều mà bản thân cho là mọi người khó có thể học được từ trường lớp hoặc cần kinh nghiệm để chỉ ra điểm khác biệt, những điểm tinh tế khác trong ngôn ngữ.
Đi đến tận cùng Tôi hợp tác với Nhung vì sự tin tưởng và chia sẻ chung giá trị sống: có tự trọng và có trách nhiệm với việc mình làm, coi trọng nỗ lực bản thân để giải quyết vấn đề, chân thành trong đối xử và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, thử thách. Làm việc cùng nhau, tôi quý Nhung ở nhiều điểm. Nhung cực kỳ giỏi trong việc lan tỏa thông điệp và dám thể hiện đúng chất của mình, dù có lúc phải ngược dòng số đông. Chính sự nguyên bản ngược dòng đó là điểm thu hút cực lớn với các bạn trẻ. Sự quyết liệt trong cách làm việc của Nhung cũng là một điểm tôi nể phục: đi đến tận cùng chứ không thỏa hiệp nửa vời. Điều này là không dễ dàng trong văn hóa vốn thường ngại va chạm, tránh xung đột của người Việt. Hoàng Minh Thông (giám đốc Trung tâm giáo dục Anh ngữ EdSpace tại TP.HCM, người từng hợp tác với Đỗ Hồng Nhung làm video clip về IELTS) |
Theo tuoitre