Khi dân mạng vẫn đang bàn tán xôn xao sự việc ở Đăk Nông “Con bị hạnh kiểm trung bình, phụ huynh đến nhà tấn công cô giáo”. Câu chuyện chưa biết đúng sai như thế nào thì ngay sát nhà tôi, vợ chồng anh hàng xóm cũng đang “loạn lạc”. Họ có cùng lý do với nhân vật trong câu chuyện trên khi kết quả học tập cuối năm của con mình không như kỳ vọng, chỉ khác nhau ở chỗ: người đổ lỗi cho giáo viên, còn hàng xóm tôi thì vợ đổ lỗi lên chồng và chúng tôi - những người chung vách tường có một đêm mất ngủ đi tìm thằng bé con họ. Bởi chứng kiến bố mẹ cãi nhau rồi ném đồ đạc ra ngoài là điều quá sức với một  đứa trẻ 11 tuổi và nó đã bỏ đi.

leftcenterrightdel
 Vợ chồng xung đột vì kết quả học tập của con có đáng không? (Ảnh minh họa)

Chuyện là thằng bé sau con nhà Minh, Trang  - cặp vợ chồng trong xóm tôi có điểm toán cuối kỳ được 5 điểm rưỡi. Điều đó đồng nghĩa ngoài việc không được nhận giấy khen mà dự định cho con thi vào lớp 6 trường chuyên của Minh cũng bị sụp đổ vì không đủ điều kiện xét tuyển do trường đề ra.

Thật khó diễn tả cảm giác hụt hẫng của cô ấy. Lúc gặp chúng tôi ở đầu ngõ, Minh như người mất hồn với cặp mắt sưng vù. Cô trút sự tức giận lên chồng vì cho rằng, anh ấy không cho thằng bé đến nhà thầy chủ nhiệm học thêm nên không nắm được “đề tủ” như các bạn.

Khác với suy nghĩ và mong đợi của chị vợ, anh Trang lại bảo sức học con mình ngang đó, nếu điểm có cao thì cũng chỉ là điểm của thầy cô. Chính vì thế, cứ đi học về là cho 2 đứa con xem tivi thoải mái, chẳng bao giờ thấy anh nhắc nhở hay la hét chúng học bài.

Khi vợ chồng Minh – Trang đang hăng máu cãi nhau thì thằng con đã quá sợ hãi mà bỏ đi. Cả xóm lùng khắp nơi mới thấy thằng bé ngồi khóc dưới mái hiên của một ki ốt bỏ không cách nhà 3 cây số.

Trái hẳn không khí căng thẳng của vợ chồng nhà hàng xóm, tôi được nghe một tâm sự rất thật lòng nhưng đầy lạc quan của một người mẹ làm nghề sale sữa. Đó là Giang - người hay giao sữa cho nhà tôi.

Cuối năm học, cậu con từ khá rớt xuống trung bình, Giang nghĩ đến con nhiều hơn là nghĩ đến cảm xúc của mình. Giang chia sẻ: “Thực lòng em không xấu hổ mà lại thấy thương con hơn. Con em sinh ra thiếu tháng, chậm hơn các bạn. Vợ chồng em lại ít có thời gian bên con. Thằng bé tự học được như vậy cũng mừng rồi”.

Nhìn Giang, trong tôi dấy lên niềm cảm phục. Trước điểm số lẹt đẹt dưới 6 phẩy của con, cô ấy nhìn nhận lại bản thân, nhìn đúng thực học của con mình. Giang lấy việc con mình có thể tự ở nhà nấu cơm cho em, tự đặt đồng hồ báo thức đi học, tự sửa được xe đạp khi trật xích, xẹp lốp... làm niềm vui. Cô ấy còn hồ hởi “nếu thằng Nin không thi đậu vào trường cấp 3, em sẽ cho nó học trường nghề mà nó thích”.

Thật khó để so sánh  hoàn cảnh của Giang với vợ chồng Minh - Trang hay người đàn ông Đắk Nông ở trên nhưng chắc hẳn, con của Giang được vui vẻ thoải mái hơn 2 gia đình còn lại. Bởi lẽ, sự cởi mở thấu hiểu trong việc học của con cái là nút thắt tạo nên mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng. Sự bất nhất của vợ chồng trong quan điểm giáo dục con hay đưa con vào những vòng đua học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện hay chí  ít cũng kiếm được cái giấy khen cuối năm, cuối kỳ là một sự thất bại của những đấng sinh thành.

leftcenterrightdel
 Cha mẹ thông thái là người biết chấp nhận những sai lầm đầu đời của con để cùng con tiến về phía trước (Ảnh minh họa)

Thử nghĩ xem: chúng ta thích ngắm một đứa con lanh lẹ, hoạt bát dù học lực khá hoặc trung bình hay là một đứa giỏi nhất nhì khối lớp mà 8 tuổi vẫn còn được đút cơm, 10 tuổi chưa biết đạp xe, 15 tuổi vẫn chưa biết nấu tô mì gói?

Học vấn là con đường đi tới thành công. Nhưng thành công hơn cả là để trẻ có sự trải nghiệm, va vấp để trưởng thành. Điểm cuối kỳ thấp hay hạnh kiểm trung bình là bài học đầu đời để con ít nhiều có sự suy ngẫm. Dưới sự gợi mở của cha mẹ, con sẽ nhận biết được mình đang học yếu môn nào, đến lớp đã chú ý học chưa hay còn ham nói chuyện, làm việc riêng…

Nếu cha mẹ cứ lo thay, làm giúp thì thất bại của chúng ta là sinh ra những đứa trẻ phổng phao về thể lực mà teo tóp về trí tuệ lẫn bản năng sinh tồn. Đặc biệt hơn, sai lầm của con bao giờ cũng có một phần từ cha mẹ. Dám nhìn thẳng vấn đề, đối diện với sự thật là bài học cuộc đời cha mẹ có thể dạy con. Chưa bao giờ là quá muộn để chúng ta đồng hành nhẹ nhàng cùng con đi qua thời thơ ấu với chiếc bảng đen, phấn trắng cùng hoa phượng đỏ mỗi dịp hè về!

Theo phụ nữ TPHCM