|
|
Đã có ai trong Ban giám hiệu Trường THPT Thạch Bàn xin lỗi vì đã để các học sinh nhìn thấy hành vi không chuẩn mực trong lớp học? (Ảnh cắt từ clip) |
Sự việc cô giáo ngữ văn Trường THPT Thạch Bàn (quận Long Biên, TP Hà Nội) M.Q.T. có hành vi thiếu chuẩn mực cùng học sinh tạm thời dẫn đến kết quả cô bị tạm đình chỉ. Tuy nhiên, qua cách thức nhà trường giải quyết sự việc, câu hỏi lớn đặt ra là: những học sinh mới vào cấp III, tuổi vị thành niên, đang ở đâu trong mối quan tâm của trường?
Theo báo cáo sự việc, khoảng 9g sáng 27/9, trong giờ giải lao giữa tiết 2 và 3 của lớp 10A4, vì cô giáo M.Q.T. buồn nên nam sinh T.N.M.Đ. đã lên bàn giáo viên và chọc cho cô vui (theo hình ảnh trên clip cho thấy là chọc vào má, vuốt tóc, ôm choàng vai…). Theo cô M.Q.T., tại thời điểm đó, cô đã nhắc nhở học sinh, nhưng vì “thiếu hụt kiến thức và kỹ năng sư phạm” nên đã để sự việc xảy ra. K.T.M (và ít nhất 1 học sinh nữa trong lớp 10A4) đã ghi lại những hình ảnh trên bằng điện thoại.
Tối 30/9, khi đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội, Ban giám hiệu Trường THPT Thạch Bàn đã… báo công an và sáng 1/10 đã có buổi làm việc với cô giáo M.Q.T, đại diện gia đình nam sinh T.N.M.Đ. lẫn nam sinh K.T.M. Trong buổi làm việc, cả hai nam sinh mới 15 tuổi đã nhận thức được hành vi của mình là “không phù hợp” và “sai”. Chưa hết, phụ huynh của 2 nam sinh cũng “nhận thức được hành vi chưa phù hợp của con”, “hoàn toàn đồng ý với hình thức xử lý của nhà trường”, cam kết giáo dục con và “mong nhà trường tạo điều kiện để con em yên tâm tiếp tục học tập, rèn luyện tại trường”.
Hành vi của T.N.M.Đ. không phù hợp với môi trường sư phạm thì đã rõ. Nhưng xin nhớ cho rằng em vẫn là trẻ vị thành niên và trong phạm vi lớp học ấy em cần được giáo viên - tức cô M.Q.T. - uốn nắn ngay lập tức. Cô M.Q.T. thực chất không chỉ thiếu kiến thức và kỹ năng sư phạm như cô thừa nhận mà cô còn thiếu cả kiến thức tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại - những kiến thức, kỹ năng thầy cô giáo nhất thiết phải có để còn dạy dỗ, bảo vệ học trò trong bối cảnh xã hội phức tạp hôm nay.
Riêng đối với trường hợp nam sinh K.T.M., tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu em đã làm sai điều gì? Có phải em sẽ bị khép “tội” sử dụng điện thoại trong trường học, vi phạm nội quy nhà trường hay “tội” đã ghi lại, để lộ một chuyện xấu của trường? Bất kể lý do là gì, vẫn phải nhắc lại, em là trẻ vị thành niên. Khi nhà trường đánh giá hành vi quay clip của em là “sai”, liệu các học sinh khác có phải hiểu rằng, quay clip chuyện xấu ở trường đồng nghĩa với việc sẽ bị trừng phạt?
Dõi theo diễn tiến câu chuyện, tôi cứ băn khoăn tự hỏi liệu trong buổi làm việc ấy, Ban giám hiệu Trường THPT Thạch Bàn có lời nào xin lỗi nam sinh K.T.M. vì em đã phải nhìn thấy những hành vi không chuẩn mực trong lớp học? Ban giám hiệu có xin lỗi những học sinh có mặt trong giờ giải lao ấy ở lớp và vô tình chứng kiến cảnh không nên xảy ra? Chắc là không, vì dường như đó không phải là cách các trường học hành xử trong những sự việc “học sinh quay clip” lâu nay mà hầu hết đều kết luận học sinh quay clip đã sai.
Có thể là võ đoán, nhưng động thái của phụ huynh - mong trường tạo điều kiện để con em tiếp tục học tập, rèn luyện tại trường - khiến tôi lo ngại về một “án đuổi học” lơ lửng đâu đó. Hy vọng tôi sai.
Những học sinh tuổi vị thành niên, hiếu động, thường thích thể hiện mình… rất cần được dìu dắt, nâng đỡ với tất cả sự bao dung và trách nhiệm. Trẻ em học từ cách cư xử của người lớn nhiều hơn những gì chúng được dạy. Tất cả những gì ta nói và làm với trẻ hôm nay sẽ ghi dấu ấn lên trẻ và hoàn toàn có thể trở thành cách trẻ nghĩ, nói và làm trong tương lai. Khi trường Thạch Bàn xem việc quay clip của nam sinh K.T.M. là sai, liệu mai đây em hoặc những học sinh khác sẽ thấy người quay clip chuyện xấu bất kỳ của mình là sai chứ không phải vì mình làm sai? Nếu điều đó xảy ra, đó quả thực là sự thất bại của giáo dục.
Theo phụ nữ TPHCM